17/02/2019 - 14:16

Vị Xuyên, tháng 7-1985… 

Tháng 7-1985, mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang) vẫn còn nóng bỏng. Nhân kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc (17/2/1979-17/2/2019), xin kể lại hầu bạn đọc báo Cần Thơ, câu chuyện nhỏ chúng tôi ghi nhận ngay ở mặt trận này…

Rời Mặt trận 979 phía Tây Nam ra Hà Nội, chúng tôi lên biên giới phía Bắc vào một ngày hè giữa tháng 7-1985 để viết phóng sự cho báo Quân khu 9 và báo Quân đội nhân dân. Sau gần 12 giờ ngồi xe đò, vừa tới thị xã Hà Giang, đã nghe tiếng pháo ì đùng dội về từ hướng Bắc. Sáng hôm sau, quá giang xe của Đoàn Quang Trung, chúng tôi theo lộ 2 ra mặt trận Vị Xuyên.

Tác giả đang cùng bộ đội Đoàn Quang Trung lên Vị Xuyên, tháng 7-1985. Ảnh: N.Đ.C

Tại hầm chỉ huy hậu cứ, thiếu tá Trần Bản, Phó đoàn trưởng Đoàn Quang Trung, trải bản đồ quân sự ra, nói dãy núi 1500 phân định rõ ranh giới hai nước với những điểm cao 1545, 1509… thuộc lãnh thổ Việt Nam, nhưng quân Trung Quốc đã lấn chiếm một số điểm cao này và huy động các đơn vị pháo bắn phá dữ dội vào quân dân ta. Anh Bản kể, chỉ riêng ngày 31-5-1985, quân Trung Quốc đã nã gần 50.000 quả đạn pháo trong 25 giờ liền. Với bộ binh, từ 22-5 đến 2-6, bộ đội Đoàn Quang Trung đã 4 lần đánh bại các đợt lấn chiếm của địch. Thảo nào, con lộ 2 hữu nghị dài 22 km lành lặn chạy ra cửa khẩu ngày nào, sáng nay đã bị pháo băm vằm loang lổ.

Anh Bản nói, bộ đội Đoàn Quang Trung đã cùng các đơn vị địa phương Hà Tuyên trấn thủ vùng biên nóng bỏng này và đã đánh tan mọi hành động lấn chiếm của giặc. Các địa danh sau đây đã gắn liền với đá núi Vị Xuyên, với những tháng ngày chiến đấu kiên cường bảo vệ từng tấc đất, mỏm đá biên cương Tổ quốc: ngã ba Thanh Thủy, hang Làng Lò, đồi Bốn Hầm, hang Suối Cụt, đồi Chuối, Cốc Nghè, Cửa Tử, điểm cao 2000, 1000, 1200, bình độ 300, 400, 685, đồi không tên…

Chiều hôm sau chúng tôi theo toán vận tải vượt Cửa Tử trên đèo Cốc Nghè để lên các điểm tựa tiền tiêu. Chiều tối, trời mưa nhẹ. Sấm giật rồi pháo địch ùng ùng, đường đạn bay dội vào vách núi ù ù như bão thổi. Đồng chí Thái, lính công binh, nói đây là nơi ta và địch đã đánh giáp lá cà nhiều trận để giành lại từng mỏm đá. Thái kể, với lính vận tải, nhiều đêm, các anh phải lợi dụng ánh chớp của sấm sét hoặc ánh đạn pháo địch nổ hụt phía sau để vọt lên ở tư thế đang bò dốc để kịp rút ngắn đoạn đường. Các anh đã khái quát có cả chục kiểu vận tải tránh đạn pháo, không phải chỉ là đi tải, mà còn chạy tải, nhảy tải, bò tải, luồn lách tải… Miễn sao đưa kịp hàng hóa, đạn dược lên chốt và cáng thương binh về tuyến sau.

Hôm sau nữa chúng tôi theo đồng chí Lâm, lính trinh sát quê Gia Lâm, Hà Nội lên “chốt dựng” ở điểm cao 1000. Lâm kể, nơi đây từ 27 đến 31-5-1985, đơn vị anh đã đẩy lùi 3 đợt tiến công lấn chiếm của địch, giữ vững điểm tựa. Tới nơi, một đồng chí chỉ tôi xem một đỉnh núi loang lổ đất đỏ vì pháo địch. Đó là một điểm tựa, nhưng sau mỗi trận pháo lại thấy lính mình loáng thoáng trên đỉnh núi. Là vì ngay sau lưng điểm tựa là một thung lũng. “Cái khối chắn khổng lồ sau lưng mình buộc đạn pháo lọt thỏm hết xuống đó anh ạ. Cả đạn cối truyền đơn của nó cũng lao xuống đó rồi theo con suối Thanh Thủy cuốn phăng ra sông Lô luôn!”, Lâm nói.

Trong hầm chỉ huy đơn vị A ở gần điểm cao 1200 hôm đó, chúng tôi càng hiểu hơn địa thế hiểm trở ở nơi này. Ba đỉnh núi nối liền là cụm điểm tựa tiền tiêu của đơn vị, đối mặt với những lô cốt địch thập thò dọc các dông núi đường biên giới đang bị giặc xâm lấn.

Khoảng 2 giờ chiều, anh Thịnh, phó chỉ huy đơn vị A, đưa chúng tôi lên chốt trên cùng. Bên điểm cao trước mặt, địch đang bắn tỉa. Đạn rít qua đầu. Pháo từ bên kia biên giới cũng bắt đầu ầm ầm nã xuống khu Bốn Hầm. “Tới giờ hợp xướng của nó rồi đấy!”, anh Thịnh la lên, chúng tôi chạy vào giao thông hào. Đạn pháo từ Bốn Hầm nổ dội lên, cách mấy cây số mà nghe ngạt thở, tức ngực.

Tôi hỏi một chiến sĩ, khẩu đại liên mới triển khai chiều nay của nó đặt ở đâu. Anh áp sát vách hầm, chỉ hướng dông núi 1200, khuất sau một mỏm đá, nói: “Ngay đó đấy. Lúc nãy thủ trưởng Thịnh đã cóc mấy quả M79, nó im, nhưng sau nó lại bắn tiếp”.

Khi pháo lớn đã im hẳn, chúng tôi quay về hầm chỉ huy. Bỗng đại liên địch lại ré lên tành tạch, anh Thịnh nói: “Cứ mặc cho bắn chỉnh súng trọn hôm nay. Mai ta sẽ tính!”.

Chúng tôi lại quây quần quanh cái bàn làm bằng gỗ hòm đạn. Ở góc hầm có mấy hộp sắt ủ giá đậu xanh. Bây giờ nhiệm vụ ai người nấy làm. Tranh thủ “trời yên núi lặng” để người chỉ huy tiếp khách một chút. Bát nước đường pha viên B1, thuốc lào rít liên tục… Anh Thịnh hỏi, gian khổ ác liệt nhất ở chiến trường biên giới Tây Nam, nơi quân tình nguyện Việt Nam đang làm nhiệm vụ giúp bạn Campuchia, là gì. Tôi nói: “Sốt rét, mìn và thiếu nước. Cũng như ở đây là pháo với pháo vậy!”.

Anh Thịnh trầm ngâm: “Vậy là cùng tuyến lửa cả. Tôi có nhiều đồng hương Vĩnh Phú ở trong ấy”.

Huỳnh Kim

Chia sẻ bài viết