16/12/2018 - 17:15

Vị thế trung tâm giáo dục đồng bằng 

Sau 15 năm Cần Thơ trở thành phố trực thuộc Trung ương, TP Cần Thơ đã có nhiều chuyển biến rõ nét trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có giáo dục và đào tạo (GD&ĐT). Mạng lưới trường, lớp phát triển, đồng bộ về quy mô và chất lượng, đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện học sinh. Đó là thành quả từ sự đầu tư  của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp và nỗ lực xã hội hóa giáo dục chăm lo cho sự nghiệp “trồng người”. 

Thành quả đầu tư

Sau 15 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, hệ thống mạng lưới trường lớp phát triển mạnh theo hướng chuẩn hóa, đáp ứng yêu cầu công tác dạy và học. Thành phố đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư, bố trí đất, phân bổ kinh phí, vận động xã hội hóa… xây dựng trường lớp. Từ năm 2004 đến nay, thành phố đã dành hàng ngàn tỉ đồng đầu tư xây dựng mới, nâng cấp các trường; đó là chưa kể nguồn lực từ vận động xã hội hóa. Chỉ riêng năm 2014, đã có trên 660,6 tỉ đồng xây dựng cơ sở trường lớp; năm 2017 là trên 681,7 tỉ đồng. Nếu như năm 2004, từ mầm non đến THPT, thành phố chỉ có 331 trường, trong đó chỉ có 15 trường đạt chuẩn quốc gia thì đến năm 2018, thành phố có 460 trường, trong đó có 285 trường đạt chuẩn quốc gia- đạt tỷ lệ 61,69%.

Ô Môn, một trong những địa phương của thành phố thực hiện đạt hiệu quả hoạt động GD&ĐT; trong đó có việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Năm học 2003-2004, quận có 33 trường mầm non, tiểu học, THCS, trong đó, có 1 trường đạt chuẩn quốc gia. Đến năm học 2017-2018, quận có 42 trường, trong đó có 33 trường đạt chuẩn quốc gia. Chỉ tính riêng 2 năm học gần đây (2015-2016 và 2016-2017), mỗi năm cơ sở vật chất trường lớp của quận được đầu tư từ 200 - 300 tỉ đồng. Ông Võ Công Tuấn, Phó trưởng Phòng GD&ĐT quận Ô Môn, cho biết: Ngành tham mưu lãnh đạo Quận ủy, UBND quận Ô Môn, phối hợp chặt chẽ ban ngành đoàn thể để đầu tư cơ sở vật chất cho ngành giáo dục. Đồng thời, chủ động, phát huy nội lực cũng như huy động xã hội hóa giáo dục. Toàn ngành đang nỗ lực phấn đấu để đến năm 2020, 100% trường đạt chuẩn quốc gia.

Không riêng Ô Môn, sau khi chia tách, mạng lưới cơ sở vật chất, trường lớp các quận, huyện trên địa bàn thành phố phát triển vượt bậc. Quận Bình Thủy hiện có 25/29 trường thuộc ngành giáo dục quận đạt chuẩn quốc gia. Quận đang phấn đấu đạt 80% trường công lập đạt chuẩn quốc gia vào năm 2020. Bà Nguyễn Kiều Phương, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Bình Thủy, cho biết: Ngoài các trường do ngành quản lý, trên địa bàn quận còn có 2 trường THPT đạt chuẩn quốc gia. Những năm qua, nhờ sự quan tâm đầu tư của Quận ủy, UBND quận Bình Thủy, Sở GD&ĐT thành phố, diện mạo trường lớp khởi sắc. Ngành tiếp tục tham mưu với UBND quận, chỉ đạo, hỗ trợ các đơn vị xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình trường học”.

Huyện Thới Lai hiện có 30/ 45 trường đạt chuẩn quốc gia; lộ trình của huyện đến năm 2020 sẽ có gần 90% trường đạt chuẩn quốc gia... Ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Thới Lai, chia sẻ: “Lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện rất quan tâm GD&ĐT. Minh chứng là trong 10 năm qua, kể từ khi chia tách, huyện tập trung đầu tư cho sự nghiệp giáo dục bằng nhiều nguồn khác nhau, tổng kinh phí gần 700 tỉ đồng. Từ đó, cơ bản hoàn thiện mạng lưới trường lớp, góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục theo hướng bền vững”. 

Theo lãnh đạo ngành GD&ĐT TP Cần Thơ, trong 15 năm qua, cả hệ thống chính trị thành phố đã tập trung toàn lực cho việc đầu tư, xây dựng và tu sửa những điểm trường. Trong xây dựng cơ bản, thành phố thực hiện phân cấp. Cụ thể, đối với trường mầm non, tiểu học, THCS, sẽ do UBND quận, huyện làm chủ đầu tư; đối với trường THPT, sẽ do UBND thành phố làm chủ đầu tư. Trên cơ sở này, ngành giáo dục thành phố và các địa phương tiến hành khảo sát nhu cầu thực tế để quy hoạch lại hệ thống trường, lớp phù hợp, xóa dần điểm lẻ, bố trí xây dựng trường theo hướng tạo thuận lợi cho học sinh. Với đội ngũ cán bộ, giáo viên, thành phố phối hợp với các ngành liên quan, tập trung bồi dưỡng, đào tạo nâng chuẩn, động viên, khuyến khích tinh thần tự học của đội ngũ nhà giáo, nhằm đáp ứng theo yêu cầu đổi mới giáo dục.

Phát triển giáo dục toàn diện

Cùng với sự phát triển về cơ sở vật chất, trường lớp, đội ngũ cán bộ, nhà giáo toàn ngành vươn lên mạnh mẽ cả về số lượng lẫn chất lượng. 15 năm trước, thành phố chỉ có khoảng 9.000 cán bộ, giáo viên, tỷ lệ đạt và vượt chuẩn khá khiêm tốn. Đến nay có khoảng 15.000 cán bộ, giáo viên; trong đó có 100% cán bộ, giáo viên  đạt chuẩn về chuyên môn; 87,6% cán bộ quản lý đạt trình độ trên chuẩn… 

Đội ngũ nhà giáo vừa hồng vừa chuyên đã góp phần rất lớn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Hằng năm, ngành đều đạt và vượt các chỉ tiêu HĐND thành phố giao, cụ thể: huy động học sinh đến trường, giảm thiểu tỷ lệ học sinh bỏ học. Thành phố là 1 trong 10 địa phương đi đầu cả nước hoàn thành sớm hơn so với dự kiến về công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT ổn định qua từng năm (trên 95%); trong phong trào học sinh giỏi quốc gia cấp THPT, liên tiếp 5 năm (từ năm 2013 đến 2018), thành phố giữ vững danh hiệu là đơn vị dẫn đầu trong khu vực ĐBSCL... Đặc biệt, ngành quan tâm mở rộng số trường, lớp dạy 2 buổi/ ngày (năm học 2017-2018 có 163 trường tiểu học thực hiện); cũng như phát triển các mô hình trường học mới (VNEN), trường điển hình đổi mới ở các trường, tạo nền tảng nâng cao chất lượng giáo dục.

Năm học 2013-2014, Trường Tiểu học Nhơn Nghĩa 1, huyện Phong Điền tự nguyện thực hiện dạy thử nghiệm mô hình VNEN (4 lớp, 172 học sinh), đến năm học 2017-2018, thành phố mở rộng thêm được 13 trường, nâng tổng số lên 134 trường, với trên 51.000 học sinh. Đối với mô hình Trường điển hình đổi mới, theo kế hoạch giai đoạn 2018-2020 (do UBND TP Cần Thơ phê duyệt), tổng kinh phí thực hiện trên 89,2 tỉ đồng, phấn đấu đến năm 2020 thực hiện ở 22 trường từ mầm non đến THPT);...

***

Bà Trần Hồng Thắm, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, đánh giá: Khi thành phố vừa trực thuộc Trung ương, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia các cấp còn thấp. Trong khi đây là điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục. Do vậy, thành phố tập trung mọi nguồn lực, hoàn thiện các giải pháp để thực hiện có hiệu quả đầu tư GD&ĐT, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, hướng đến thực hiện hiệu quả đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, ngành tiếp tục tham mưu lãnh đạo thành phố đầu tư các nguồn lực phát triển hệ thống trường lớp, phù hợp đối với từng địa bàn; phối hợp chặt chẽ với địa phương trong xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, tiền đề góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Bài, ảnh: Bích Kiên

 

Chia sẻ bài viết