16/02/2024 - 12:01

Vì sao “Mai” đại thắng trên đường đua phim Tết? 

Vào sáng 13-2 (mùng 4 Tết), theo ghi nhận của Box Office Vietnam, phim “Mai” của Trấn Thành chạm mốc doanh thu 100 tỉ đồng (tính cả doanh thu vé đặt trước). Đây cũng là phim đạt doanh thu 100 tỉ đồng nhanh nhất trong lịch sử phim Việt sau 4 ngày khởi chiếu, phá kỷ lục của phim “Nhà Bà Nữ” năm 2023. Hiện “Mai” cũng là lựa chọn của rất nhiều khán giả và phim luôn có số suất chiếu dày đặc ở các rạp. Phim “Mai” không có đối thủ khi 3 phim Việt và một số phim nước ngoài cùng ra rạp mùa Tết không thể cạnh tranh về suất chiếu cũng như doanh thu. Đó là do phim hay và “đời”!

Poster phim.

Hay vì nội dung tuy không mới nhưng cách triển khai câu chuyện, khai thác tình huống và đẩy cao trào kịch tính rất bài bản, lớp lang và hợp lý. Một người mẹ đơn thân, 37 tuổi, làm nghề mát-xa, chật vật lo toan cuộc sống và một chàng trai 29 tuổi, đào hoa, con nhà giàu; sau những va chạm, tán tỉnh đã yêu nhau. Những tưởng sẽ là một câu chuyện ngôn tình lãng mạn khi tình yêu vượt qua mọi ranh giới về tuổi tác, hoàn cảnh, giàu nghèo… Nhưng không! Định kiến xã hội và những khác biệt, những khoảng cách về hoàn cảnh cùng sự ngăn cấm từ gia đình đã thực sự chia rẽ tình cảm của hai người. Và đó chính là đời thực! Phim không có một cái kết đẹp như cổ tích nhưng không làm người xem khó chịu hay bức xúc, mà lại tán đồng. Bởi đơn giản điều gì hợp lý thì thì phải chịu. Tuy Mai (nhân vật chính) không có được hạnh phúc từ tình yêu đôi lứa nhưng cô có được niềm vui khi khẳng định được bản thân, thành công trong sự nghiệp và bằng lòng với sự lựa chọn của mình. Cô đại diện cho một bộ phận những người phụ nữ vươn lên từ nghịch cảnh, là “đóa hoa sen” gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Do đó, nhân vật Mai chiếm được thiện cảm của khán giả cùng sự yêu thích và ủng hộ.

Chất “đời” của phim cũng thể hiện rõ ở cuộc sống xung quanh Mai. Từ những người hàng xóm đến đồng nghiệp, người thân, luôn có kẻ xấu, người tốt, có người yêu thương, giúp đỡ và có kẻ hãm hại, chơi xấu cô. Hơn hết là triết lý sống “con giun xéo lắm cũng quằn”, người bị ức hiếp mãi rồi cũng phản kháng. Trường đoạn Mai vùng lên đáp trả, phản ứng quyết liệt với những người bắt nạt cô khiến người xem hả dạ, vừa lòng. Nhưng quan trọng nhất vẫn là Mai biết tiến, biết lùi, biết đưa ra quyết định phù hợp với từng hoàn cảnh. Đằng sau sự mạnh mẽ bề ngoài ấy là những đau khổ, cay đắng, uất ức đến nghẹn lòng khiến không ít khán giả đồng cảm rơi nước mắt.

Diễn viên Phương Anh Đào trong vai Mai đã có màn hóa thân xuất sắc, hoàn toàn chinh phục khán giả với từng cảnh khóc cười, vui buồn, gục ngã hay đứng dậy sau bão tố cuộc đời. Nam chính Tuấn Trần trong vai Dương cũng chứng tỏ năng lực diễn xuất với nhân vật lãng tử hết lòng với tình yêu nhưng bất lực trước hoàn cảnh gia đình. Ấn tượng nhất trong dàn nhân vật phụ chính là bà Đào do diễn viên Hồng Đào đảm nhận. Đây là nhân vật khiến khán giả vừa yêu thích, vừa ngỡ ngàng, bức xúc. Sự phức tạp và biến hóa đa dạng trong tâm lý của nhân vật này đã được nữ diễn viên gạo cội lột tả một cách trọn vẹn và đầy day dứt. Các diễn viên còn lại đều tròn vai và định hình rõ nét tính cách, số phận.

Nhạc phim, góc quay, hình ảnh, bối cảnh… của phim đều có sự đầu tư chỉn chu và góp phần nâng cao hiệu ứng, thành công cho phim. Đặc biệt, so với 2 tác phẩm trước là “Bố già” và “Nhà Bà Nữ” thì “Mai” đã có sự tiết chế hơn về lời thoại, ít những cảnh cãi vã hay triết lý suông. Phim đào sâu tâm lý nhân vật và dùng hình ảnh để minh họa nhiều hơn lời nói. Yếu tố gia đình không còn là trọng tâm nhưng vẫn đóng vai trò quan trọng, tác động lớn đến cuộc đời của 2 nhân vật chính.

“Mai” vẫn còn một số hạn chế về tình huống hay cách sắp đặt nhưng tổng thể của phim vẫn rất được lòng khán giả. Là phim bi nhưng vẫn có những tình tiết hài duyên dáng, là chuyện tình buồn nhưng vẫn khiến người xem ấn tượng, yêu thích và thảo luận khi rời khỏi rạp. Đó là thành công bên cạnh doanh thu của một tác phẩm điện ảnh.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết