27/02/2008 - 21:59

Vì sao H5N1 vẫn nguy hiểm?

 Thu gom gia cầm nhiễm bệnh ở bang Penang (Malaysia). Ảnh AFP 

Cúm gia cầm tiếp tục lây lan khắp châu Á, châu Phi và châu Âu. Các nhà khoa học cho rằng vi-rút cúm típ A vẫn là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe người và động vật.

Chủng virus H5N1 gây chết người đang biến thể nhanh chóng và tấn công gia cầm nhiều nơi trên thế giới, lây nhiễm và thường gây tử vong cho những người tiếp xúc với chúng. Giới chuyên môn lo ngại virus H5N1 sẽ biến thể thành dạng khiến cho sự lây nhiễm từ người sang người diễn ra nhanh chóng và dễ dàng. Đến nay, ít nhất 7 tiểu loại (subtype) hơi khác nhau của H5N1 đã được nhận dạng. “Virus không ngừng xuất hiện các gien mới”, nhà di truyền học phân tử Henry Niman, người chuyên theo dõi các ổ dịch cúm gia cầm khắp thế giới, nhận định.

Tuy vi-rút H5N1 chưa ảnh hưởng đến Tây Bán cầu nhưng Joseph Domenech, giám đốc cơ quan thú y của Tổ chức Lương Nông LHQ cảnh báo H5N1 vẫn có thể gây ra đại dịch cúm ở người như trận dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 cướp đi sinh mạng của hàng chục triệu người ở Mỹ và châu Âu. Mới đây, báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về tình hình cúm gia cầm nhấn mạnh “H5N1 tiếp tục gây bệnh ở người với tỷ lệ tử vong cao và có nguy cơ trở thành đại dịch”.

Từ khi bộc phát ở Hồng Công năm 2003 đến nay, theo thống kê của WHO, cúm gia cầm lây nhiễm gần 400 người trên thế giới, trong đó 232 người đã tử vong. 2007 là năm có số người chết vì nhiễm H5N1 cao thứ hai sau năm 2006 (năm 2007 có 98 trường hợp nhiễm mới ở người với 69 ca tử vong, tỷ lệ tử vong 70% so với 115 ca nhiễm, 79 ca tử vong, tỷ lệ tử vong 69% năm 2006). Hầu hết người nhiễm là do tiếp xúc với gia cầm và chim hoang dã. Trong 5 năm qua, cúm gia cầm đã giết chết hàng triệu con gà, vịt, ngỗng, heo, mèo và những động vật có vú khác ở khoảng 50 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong một số trường hợp, các nhà khoa học cho rằng virus cúm gia cầm truyền từ người này sang người khác, thường là giữa người thân trong gia đình hoặc những người sống gần nhau và tỷ lệ tử vong rất cao. Chẳng hạn, 8 thành viên trong một gia đình ở Indonesia nhiễm bệnh năm 2005 và chỉ có một người sống sót. Hay trường hợp năm ngoái một thai phụ ở Trung Quốc lây virus H5N1 sang thai nhi 4 tháng tuổi và cả mẹ lẫn con đều tử vong. Năm ngoái, bốn anh em trong một gia đình ở Pakistan bị cúm gia cầm và hai trong số họ không qua khỏi.

Một số nghiên cứu gần đây phát hiện một vài lý do khiến đến nay hiện tượng H5N1 truyền từ người sang người ít khi xảy ra. Theo chuyên gia Ram Sasisekharan thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), một trong những nguyên nhân là do virus H5N1 ở gia cầm và ở người có hình dạng khác nhau. Để lây nhiễm, H5N1 phải khớp prôtêin HA hình đầu nhọn trên bề mặt của nó với thụ thể rỗng hình nón trên bề mặt của tế bào người. “Để virus cúm típ A gây ra đại dịch trên diện rộng ở người, prôtêin HA phải trải qua nhiều lần biến thể mới có thể lây nhiễm từ người sang người”, Carol Bewley – chuyên gia hóa sinh của Viện Y tế quốc gia Mỹ cho biết. “May mắn là cho tới nay, rào cản này đã hạn chế tình trạng lây nhiễm nhanh H5N1 ở người”.

Hiện nhiều nhóm chuyên gia đang nghiên cứu làm thế nào virus H5N1 trở thành “sát thủ” nguy hiểm. Kết quả tìm được sẽ mở đường phát triển vắc-xin hạn chế hoặc ngăn chặn sự lây nhiễm hiệu quả hơn. Tuy nhiên, điều này không đơn giản do virus H5N1 không ngừng biến đổi. Các loại thuốc đặc trị cúm theo mùa thông thường như Tamiflu chỉ phần nào chứ không bảo vệ cơ thể hoàn toàn khỏi sự lây nhiễm của H5N1. Hơn nữa, virus cúm gia cầm đang bắt đầu kháng lại những loại thuốc này.

QUÝ MINH (Theo MSNBC, IHT)

Chia sẻ bài viết