23/10/2008 - 20:59

Vì sao giá cổ phiếu công ty thủy sản giảm ?

Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Công ty cổ phần Chế biến thủy sản Út Xi (Sóc Trăng).

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, 9 tháng đầu năm 2008, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt hơn 930 ngàn tấn, trị giá hơn 3,3 tỉ USD, tăng 40,7% về lượng và 23,7% về giá trị so cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng nhưng giá cổ phiếu ngành thủy sản năm nay tuột dốc, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2007.

KIM NGẠCH XUẤT KHẨU TIẾP TỤC TĂNG...

Mặc dù năm nay các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, bất lợi về thị trường, nguồn vốn, chi phí nhiên liệu, vận chuyển tăng, nhưng các doanh nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - nơi đóng góp khoảng 70% kim ngạch xuất thủy sản cả nước- đã nỗ lực vượt khó, đưa con tôm, con cá vượt đại dương đem ngoại tệ về cho đất nước nhiều hơn. Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trong 3,3 tỉ USD xuất khẩu thủy sản của cả nước, có hơn 1,1 tỉ USD từ xuất khẩu tôm và hơn 1 tỉ USD từ xuất khẩu cá tra và cá ba sa...

Các tháng đầu năm, cả người nuôi và doanh nghiệp chế biến cá tra, cá ba sa phải đối mặt với khó khăn như: giá cá sụt giảm mạnh, lãi suất ngân hàng tăng cao, doanh nghiệp khó tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng... Cả khu vực ĐBSCL có thời điểm tồn đọng đến hàng trăm ngàn tấn cá, trong khi doanh nghiệp không có tiền thu mua để chế biến xuất khẩu. Chính phủ đã chỉ đạo ngành ngân hàng cho doanh nghiệp vay cả ngàn tỉ đồng để mua hết lượng cá tồn đọng. Nhưng đến tháng 9-2008, kim ngạch xuất khẩu cá tra, cá ba sa đã vượt qua 1 tỉ USD, gần bằng cả năm 2007. Hiện nay, trung bình mỗi tháng kim ngạch xuất khẩu cá tra, ba sa đạt trên 150 triệu USD.

Nga là nước dẫn đầu về nhập khẩu sản phẩm cá tra, cá ba sa. Trong 9 tháng qua, Nga nhập khẩu cá tra, ba sa của ĐBSCL trên 155 triệu USD, tăng 188% so với cùng kỳ năm trước; kế đến là Ukraina 104,7 triệu USD, tăng 255%. Nhiều doanh nghiệp nhận định, với đà xuất khẩu như hiện nay, đến cuối năm, kim ngạch xuất khẩu cá tra, cá ba sa có thể đạt trên 1,5 tỉ USD, tăng 1,5 lần so với năm trước. Ông Ngô Phước Hậu, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang, cho biết: Trong những tháng gần đây, kim ngạch xuất khẩu sang các nước này tăng mạnh. Trong 8 tháng đầu năm 2008, công ty đã xuất khẩu được 29.244 tấn cá, trị giá trên 55 triệu USD, tăng 154% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Tình hình xuất khẩu tôm vẫn tiếp tục tăng trưởng, song mức tăng không cao bằng con cá tra, cá ba sa. Thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam là Nhật Bản. Trong 9 tháng qua, Nhật Bản nhập khẩu tôm Việt Nam hơn 350 triệu USD, tăng 5%. Công ty cổ phần thủy sản Minh Phú (Cà Mau) là doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam trong năm 2007 (đạt 12.223 tấn, trị giá hơn 148 triệu USD). Trong tháng 9-2008, sản lượng tôm xuất khẩu của công ty tăng 10%. Lũy kế trong 9 tháng đầu năm 2008, công ty đã xuất khẩu đạt 9.306 tấn, trị giá 107,4 triệu USD.

Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản khu vực ĐBSCL cho biết, tuy năm nay gặp nhiều khó khăn nhưng khả năng kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng cao. Nguyên nhân do sản lượng tôm, cá dồi dào, những thị trường mới nhập khẩu mạnh.

NHƯNG GIÁ CỔ PHIẾU GIẢM...

Dù tình hình xuất khẩu thủy sản khả quan, kim ngạch xuất khẩu tăng, nhưng giá cổ phiếu của các doanh nghiệp chế biến thủy sản lại giảm mạnh. Vào thời điểm này năm ngoái, giá cổ phiếu (CP) các doanh nghiệp thủy sản niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán phổ biến từ 60.000-70.000 đồng/CP, còn trên thị trường OTC, giá CP doanh nghiệp thủy sản cũng đạt đến 45.000-65.000 đồng/CP. CP thủy sản từng là CP “nóng” nay đã giảm giá mạnh, còn ở mức giá 20.000-30.000 đồng/CP, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái, cá biệt có mã giảm giá 70-80%...

Công ty cổ phần Nam Việt (An Giang), mã chứng khoán ANV, là doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, cá ba sa dẫn đầu Việt Nam năm 2007 (83.086 tấn, hơn 182 triệu USD). Từ đầu năm đến nay, công ty xuất khẩu đạt trên 200 triệu USD, lãi hàng trăm tỉ đồng. Tuy nhiên, giá cổ phiếu ANV chưa đến 30.000 đồng/CP (ở mức 28.800 đồng/CP ngày 17-10-2008). Được biết, ANV đã chính thức giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) vào ngày 7-12-2007 với giá 117.000 đồng/CP.

Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (Đồng Tháp) mã chứng khoán VHC, xếp thứ 3 về xuất khẩu cá tra, cá ba sa năm 2007, đã niêm yết trên HOSE vào ngày 24-12-2007 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 62.000 đồng/CP. Hiện nay, giá VHC dao động trên dưới 26.000 đồng/CP. Giá CP của Công ty cổ phần thủy sản Minh Phú, mã chứng khoán MPC, cũng thuộc hàng “top” của doanh nghiệp xuất khẩu tôm vào năm trước, nhưng năm nay lại tuột xuống còn 13.200 đồng/CP (giá ngày 17-10-2008).

Vào thời điểm này năm ngoái, giá CP của Công ty cổ phần thủy sản Bạc Liêu, mã chứng khoán BLF, giao dịch trên thị trường OTC dao động quanh mức 23.000-25.000 đồng/CP. Nhưng hiện nay, khi đã niêm yết trên Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HASTC), giá BLF giảm xuống còn 11.800 đồng/CP. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần thủy sản Bạc Liêu, Nguyễn Thị Thu Hương, cho biết: Giá CP của BLF giảm do tình hình chung của thị trường chứng khoán Việt Nam và do lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2008 giảm so với cùng kỳ năm trước, dù tình hình sản xuất kinh doanh của BLF vẫn tốt. Doanh thu bán hàng 6 tháng đầu năm đạt gần 107 tỉ đồng, tăng 142,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận 6 tháng chỉ đạt 703 triệu đồng, bằng 20,6% so với cùng kỳ năm 2007.

Các doanh nghiệp thủy sản chưa niêm yết, đang giao dịch CP trên thị trường OTC cũng chung tình cảnh như vậy. Giá CP của Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ (Caseamex) vào thời điểm này năm ngoái giao dịch ở mức 60.000-65.000 đồng/CP nhưng nay chỉ còn 22.000-25.000 đồng/CP. Giá CP của Công ty cổ phần chế biến thủy sản và xuất nhập khẩu Cà Mau (Camimex) cũng giảm từ 45.000-50.000 đồng/CP xuống còn 17.000 đồng/CP. Công ty cổ phần chế biến thủy sản Út Xi (UTXI), giá CP giảm từ 55.000-60.000 đồng/CP xuống còn trên dưới 20.000 đồng/CP...

Vì sao có tình trạng trên? Cả doanh nghiệp thủy sản và nhà đầu tư cho rằng: Tuy kim ngạch xuất khẩu tăng nhưng do chi phí và lãi suất ngân hàng tăng cao, làm lợi nhuận giảm, doanh nghiệp khó có thể chia cổ tức mức 30-40% như trước đây. Vì thế, CP thủy sản không còn hấp dẫn như năm trước. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán chung giảm giá mạnh cũng làm CP thủy sản tuột giá theo. Tuy nhiên, một số nhà đầu tư CP thủy sản ở Cần Thơ vẫn lạc quan cho rằng khi tình hình ổn định, khủng hoảng tài chính thế giới đi qua, lãi suất ngân hàng trong nước giảm, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sẽ tăng tốc, CP thủy sản sẽ bật dậy.

Bài, ảnh: QUANG HẢI

Chia sẻ bài viết