11/05/2008 - 23:12

Vì sao đội mũ bảo hiểm vẫn bị chấn thương sọ não ?

Từ tháng 9-2007, dự án “Vai trò của cộng đồng trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông và sơ cấp cứu nạn nhân tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn TP Cần Thơ” do Trung tâm Cấp cứu đa khoa Bệnh viện Monges - Thụy Sĩ tài trợ (gọi tắt là Dự án) bước vào giai đoạn thu thập số liệu. Trường Cao đẳng Y tế TP Cần Thơ nhận nhiệm vụ tổng hợp tình hình cấp cứu TNGT ở các cơ sở y tế trong thành phố. Kết quả cho thấy, mặc dù người điều khiển xe mô tô đã đội mũ bảo hiểm, nhưng số nạn nhân bị chấn thương sọ não do TNGT ngày càng tăng. Vì sao như vậy?

Nhức nhối TNGT!

Thống kê của Dự án từ 13 cơ sở y tế, gồm các bệnh viện: Bệnh viện Đa khoa (BVĐK Trung ương Cần Thơ, BVĐK TP Cần Thơ, BV Nhi đồng, BV Tai - Mũi - Họng, BV Mắt- Răng - Hàm Mặt, BV 121 (QK9) và 7 trung tâm y tế của 7/8 quận, huyện (trừ quận Ninh Kiều) cho thấy: tháng 9-2007 có 44 ca bị TNGT nặng trên tổng số 412 ca nhập viện, tháng 10-2007 số liệu này thể hiện 76/739. Tháng 12-2007 là thời điểm thành phố tập trung tuyên truyền, kiểm tra và xử phạt những người sử dụng phương tiện mô tô tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm thì có đến 186 ca TNGT nặng trên tổng số 1.065 trường hợp bị TNGT phải nhập viện, tỷ lệ 17%. Từ tháng 1-2008 đến nay, tỷ lệ người bị TNGT nặng luôn ở mức trên 20% trên tổng số trường hợp TNGT phải nhập viện.

  Điều dưỡng BVĐK Trung ương Cần Thơ chăm sóc cho anh L.H.K., 26 tuổi (ở Bình Minh, Vĩnh Long) nhập viện ngày 16-4-2008, bị dập phù não rải rác đã trải qua 2 lần phẫu thuật- Ảnh chụp sáng 18-4-2008 tại Khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức BVĐK Trung ương Cần Thơ.
Tại Bệnh viện 121, trong tháng 1 và tháng 2 -2008 không có ca bị chấn thương sọ não do TNGT, sang tháng 3-2008 lại tiếp nhận đến 12 ca. Trong đó, có 1 ca tử vong và 5 ca nguy kịch phải mở nội khí quản và chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh). Ông Huỳnh Văn Bảy, 59 tuổi ở thị trấn Trà Lồng, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, đã tử vong tại Bệnh viện 121 lúc 7 giờ ngày 11-4-2008. Bà Nguyễn Thị A, vợ ông Bảy, khóc tức tưởi nói: “Khoảng 2 giờ sáng 4-4-2008, chồng tôi đi canh vuông tôm mướn cho người ta. Vừa ra khỏi nhà thì bị một người bỏ mối thịt chạy ngược chiều đâm vào. Khi gia đình tôi hay tin chạy tới trên đầu ổng còn đội mũ bảo hiểm, nhưng chiếc mũ đã bị nứt. Tui quá hối hận vì đã chọn mua mũ bảo hiểm giá rẻ bán ở lề đường”.

Tại BVĐK Trung ương Cần Thơ, trong tháng 4-2008, đã có 3 ca tử vong vì chấn thương sọ não do bị TNGT. Tất cả đều có chung đặc điểm: là nam giới, dưới 30 tuổi, bị tai nạn sau 21 giờ và có ... dùng rượu bia, khi tai nạn xảy ra công an ghi nhận tại hiện trường “mũ bảo hiểm đã văng khỏi đầu nạn nhân”. Điều đáng nói, nhiều trường hợp khi bị TNGT do đội mũ bảo hiểm kiểu có vành nên phần mặt bị xây xát nghiêm trọng, như trường hợp Dương Thị M.P. 21 tuổi, sinh viên Trường Đại học Cần Thơ, được đưa vào BVĐK Trung ương Cần Thơ vào trưa 15-4-2008 trong tình trạng mất máu nghiêm trọng, hôn mê do bị vỡ gan, vỡ xương mặt. Nguyễn Thị H. Th. (người đưa M.P. vào bệnh viện) nói: “Do M.P. từ trong hẻm phóng xe ra nên va mạnh vào chiếc xe tải nhỏ, khi tai nạn xảy ra M.P. có đội mũ bảo hiểm loại có vành và vẽ hoa văn”.

Bác sĩ Trần Huỳnh Đào, Trưởng khoa Phẫu thuật- Gây mê hồi sức của BVĐK Trung ương Cần Thơ, cho biết: “Các trường hợp tử vong đều bị dập phù não rải rác. Khi đưa vào bệnh viện, bệnh nhân đã bị hôn mê sâu. Qua tìm hiểu, thân nhân của nạn nhân cho biết, nạn nhân có đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Nhưng nếu mũ bảo hiểm có chất lượng chịu lực và đội đúng kỹ thuật thì vùng đầu nếu bị chấn thương cũng không đến nỗi trầm trọng như vậy!”.

Chất lượng mũ bảo hiểm: S.O.S!

Ngày 25-9-2007, Quản lý thị trường TP Cần Thơ đã kiểm tra chi nhánh Công ty TNHH BT, ở phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều. Tại đây, cơ quan chức năng phát hiện 77 mũ bảo hiểm hiệu Yamaha và 200 vỏ cứng dù đã gắn chữ “CS” (đạt tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm). Nhưng cơ sở sản xuất này không đăng ký tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, đã bị Quản lý thị trường xử phạt hành chính 26 triệu đồng. Ông Lâm Ngọc Thuận, Chi cục Phó Chi cục Quản lý thị trường TP Cần Thơ - người ký quyết định xử phạt hành chính đối với Chi nhánh Công ty TNHH BT - lo lắng nói: “Doanh nghiệp này cho biết chỉ mới đi vào sản xuất, nhưng thực tế số mũ bảo hiểm không đạt chất lượng doanh nghiệp đã đưa ra thị trường, cơ quan chức năng khó có thể kiểm tra, thu hồi”.

Vấn đề chất lượng mũ bảo hiểm, ông Nguyễn Minh Thế, Chánh Thanh tra Sở Khoa học Công nghệ TP Cần Thơ cho biết: “Đầu tháng 4-2008, Bộ Khoa học-Công nghệ đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra quản lý chất lượng mũ bảo hiểm theo Công điện số 1317/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (ban hành ngày 14-9-2007). Hội nghị công bố trên thị trường cả nước hiện có 55% mẫu mũ bảo hiểm không đạt chất lượng, tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với thị trường mũ bảo hiểm chung ở TP Cần Thơ. Trong đợt kiểm tra liên ngành TP Cần Thơ thực hiện vào tháng 1-2008, kiểm tra 6 thương hiệu mũ bảo hiểm có đăng ký Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam, đang lưu hành trên thị trường TP Cần Thơ thì có đến 5 thương hiệu không đạt chất lượng về độ bền va đập và hấp thụ xung động, tỷ lệ lên đến 83%”. Theo ông Thế, tình trạng mũ bảo hiểm kém chất lượng đang phát sinh nhiều hơn do bộ phận người tiêu dùng có xu hướng chọn hàng giá rẻ, chọn mũ bảo hiểm có kiểu dáng cách điệu không đảm bảo an toàn. Tình trạng này, cơ quan chức năng khó có thể hạn chế bằng giải pháp kiểm tra, xử phạt.

Giải pháp bền vững

Để hạn chế tác hại do TNGT, từ tháng 6-2007, Giám đốc Công an TP Cần Thơ và Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ đã ký kết kế hoạch liên ngành số 48/KHLN CATP-SYT, quy định: Từ tháng 9-2007, hằng tháng các cơ sở y tế trong TP Cần Thơ phải báo cáo tình hình cấp cứu TNGT cho Trường Cao đẳng Y tế TP Cần Thơ, nhằm làm cơ sở triển khai Dự án.

Chủ nhiệm Dự án là Thượng tá Nguyễn Thị Ngọc Đẹp, Phó Giám đốc Công an TP Cần Thơ, cho biết: “TP Cần Thơ ở vị trí trung tâm ĐBSCL, mật độ dân số ngày càng đông, công tác quản lý trật tự an toàn giao thông muốn đạt hiệu quả cao cần phải có sự phối hợp của nhiều ngành. Mục tiêu của Dự án này là tuyên truyền hướng dẫn cho người dân am hiểu về những yếu tố nguy hại đến tính mạng khi tham gia giao thông, như: lái xe không chấp hành quy định an toàn giao thông, không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không đúng kỹ thuật. Quá trình thực hiện gồm: tổ chức các lớp đào tạo kiến thức về an toàn giao thông và kinh nghiệm cấp cứu người bị TNGT (trường hợp địa bàn xảy ra TNGT ở xa bệnh viện, người bị tai nạn chấn thương nặng phải được sơ cứu ban đầu nhằm giảm thiểu tình trạng mất máu hay bị nhiễm trùng vết thương). Lực lượng cộng tác viên tham gia dự án là thành viên các đoàn thể quần chúng tại cơ sở, nhằm tạo hiệu quả vết dầu loang. Dự kiến năm 2009, Dự án sẽ triển khai ra cộng đồng”.

Bác sĩ Tôn Thất Khải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế TP Cần Thơ, thành viên của Dự án, cho biết: Qua phân tích số trường hợp TNGT được cấp cứu tại các bệnh viện, vấn đề được đặt ra là tại sao người tham gia giao thông bằng xe mô tô đã đội mũ bảo hiểm, nhưng tình trạng bị chấn thương sọ não vẫn ở mức cao. Phía Trung tâm Cấp cứu đa khoa Bệnh viện Monges đã đề nghị chính quyền thành phố nên có giải pháp quản lý nghiêm ngặt về chất lượng mũ bảo hiểm. Vì khuôn khổ dự án chỉ có thể tuyên truyền cho người dân ý thức đội mũ bảo hiểm đúng kỹ thuật, chấp hành quy định an toàn giao thông và xử lý sơ cứu TNGT. Dự án sẽ không đạt hiệu quả tốt nếu như người dân sử dụng mũ bảo hiểm kém chất lượng”.

Tình trạng gia tăng số người bị TNGT làm chấn thương sọ não là tiếng chuông cảnh báo người dân phải đội mũ bảo hiểm đúng kỹ thuật và chọn mua mũ bảo hiểm chất lượng. Vào ngày 4-2-2008, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 05/2008/NQ-CP chỉ đạo “Đối với người tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy xử phạt hành vi đội mũ bảo hiểm không cài quai như hành vi không đội mũ bảo hiểm”. Vấn đề còn lại là trách nhiệm phối hợp, kiểm tra xử phạt nghiêm của các cơ quan chức năng để mục tiêu giảm thiểu tác hại của TNGT đạt hiệu quả thiết thực.

Bài, ảnh: Đ. KHÔI

Chia sẻ bài viết