18/01/2008 - 22:53

Kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm ở một số nhà hàng, khách sạn, khu du lịch

Vi phạm tràn lan

Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trong dịp Tết Nguyên đán và Năm Du lịch Quốc gia Mekong-Cần Thơ 2008, ngày 7-1-2008 đoàn kiểm tra liên ngành VSATTP TP Cần Thơ đã tiến hành kiểm tra các nhà hàng, khách sạn, khu du lịch lớn trên địa bàn thành phố.

* KIỂM TRA LÀ PHÁT HIỆN VI PHẠM

Ông Đàm Hồng Hải, Thanh tra VSATTP, Sở Y tế, Phó đoàn kiểm tra liên ngành VSATTP, cho biết: “Đoàn liên ngành của thành phố chỉ kiểm tra các nhà hàng, khách sạn, khu du lịch, cơ sở sản xuất lớn. Đoàn kiểm tra VSATTP tuyến quận, huyện, xã, phường sẽ kiểm tra các cơ sở còn lại. Đợt này, UBND thành phố và Sở Y tế chỉ đạo tập trung kiểm tra các nhà hàng, khách sạn và khu du lịch để phục vụ cho Năm Du lịch Quốc gia Mekong-Cần Thơ 2008”.

Thực tế kiểm tra cho thấy vẫn còn rất nhiều cơ sở kinh doanh vi phạm các quy định. Chẳng hạn Nhà hàng, khách sạn P.Đ (tiêu chuẩn 3 sao) phòng ăn và nhà bếp sạch sẽ, không phát hiện thực phẩm hết hạn sử dụng. Tuy nhiên, giấy chứng nhận tập huấn ATVSTP hết hạn từ ngày 21-9-2007, thùng chứa thức ăn thừa (để trong nhà bếp) không có nắp đậy. Đặc biệt, nơi đây không có tủ lưu mẫu thực phẩm. Khi ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng khoa VSATTP, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố hỏi: “Nhà hàng không có tủ lưu mẫu thực phẩm, lỡ có ngộ độc xảy ra lấy mẫu đâu để đối chứng ?” - vị đại diện nhà hàng chỉ biết im lặng.

Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại Nhà hàng, khách sạn P.Đ, quận Ninh Kiều. 

Ở Nhà hàng T.B.D, đường Nguyễn Thị Minh Khai, nhà bếp khang trang, sạch sẽ. Tuy nhiên, đoàn kiểm tra phát hiện trong nhà bếp có 3 hộp bơ thực vật hết hạn sử dụng từ 28-11-2007. Trong nhà bếp có rất nhiều tủ đựng thực phẩm, nhưng thực phẩm sống-chín vẫn bảo quản lẫn lộn và có khá nhiều ruồi, không có tủ lưu mẫu thực phẩm. Giấy tập huấn chứng nhận VSATTP của nhà hàng này cũng hết hạn. Đại diện nhà hàng lý giải: “Do bếp của nhà hàng mới sửa chữa xong đưa vào sử dụng được 1 tháng nên lu bu không phát hiện ra thiếu sót. Chúng tôi mua cho nhà bếp nhiều tủ để bảo quản thực phẩm sống, chín riêng... nhưng không hiểu sao nhà bếp lại để như vậy”.

Tại khách sạn A.C, đường Châu Văn Liêm, chén bát được nhà bếp chất trong thùng nhựa để dưới gầm bàn, hai gói gia vị lẩu thái Knorr quá hạn sử dụng, chỗ nấu ăn bừa bộn. Giải thích lý do vì sao có hai gói gia vị hết hạn sử dụng. Bà Lê Thị Thúy Hằng, phụ trách khách sạn cho biết: “Chúng tôi mua thực phẩm, đồ gia vị ở các công ty có hóa đơn tài chính. Nhưng do mua số lượng nhiều nên không kiểm tra hết”. Khi nhà hàng xuất trình hóa đơn tài chính, đoàn kiểm tra mới phát hiện thêm trong hai gói gia vị có một gói đã hết hạn sử dụng ngay từ ngày mua. Ngoài ra, giấy chứng nhận tập huấn ATVSTP, giấy khám sức khỏe của nhân viên khách sạn này đã hết hạn.

Ở nhà hàng C.T (cũng nằm trên đường Châu Văn Liêm) không có tủ lưu mẫu thực phẩm, đoàn kiểm tra phát hiện 10 lọ gia vị, phụ gia và củ cải muối không rõ nguồn gốc, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Khi hỏi, người phụ trách nhà bếp giải thích: “Chúng tôi mua hàng ở công ty, có hóa đơn. Không biết đây là hàng cấm, nấu ăn hoài mà đâu thấy ai bị gì đâu?”. Ông Nguyễn Hữu Tuấn nói: “Có khi thực phẩm không gây ngộ độc cấp tính nhưng gây ngộ độc mãn tính như gây suy gan, thận... chính vì không thấy rõ tác hại nên cơ sở rất chủ quan”.

Ở các khu du lịch, tình trạng cũng chẳng khá hơn, vi phạm VSATTP vẫn xảy ra. Chẳng hạn tại Khu du lịch M.K (Công ty TNHH Du lịch sinh thái M.K), xã Mỹ Khánh, đoàn kiểm tra phát hiện phụ gia (thuốc bắc) không rõ nguồn gốc, xuất xứ; bánh phồng tôm Sa Đéc, trên bao bì chỉ có số điện thoại, không có địa chỉ. Còn Khu Du lịch T.T ở phường Phước Thới, quận Ô Môn vi phạm sử dụng gia vị quá hạn...


* BAO GIỜ HẾT CẢNH “NÉM ĐÁ AO BÈO”?

Tính đến ngày 15-1-2008, đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra khoảng 25 nhà hàng, khách sạn, khu du lịch, cơ sở sản xuất. Đa số các cơ sở đều vi phạm. Ông Ngô Hùng Ca, Chánh Thanh tra Sở Y tế, Trưởng đoàn kiểm tra VSATTP, cho biết: “Sau 1 tuần đầu kiểm tra, chúng tôi họp đoàn xem xét sơ bộ các lỗi vi phạm của các cơ sở. Trong 7 cơ sở có đến 5 cơ sở vi phạm với nhiều hình thức khác nhau.

Trên thực tế, rất nhiều thực khách chủ quan cho rằng các nhà hàng, khách sạn lớn thì vi phạm về VSATTP ít. Nhà hàng N.K có nhiều gián trong tủ chứa gia vị, quán ăn S.Đ (đường Mậu Thân) có nhiều ruồi. Thậm chí có cơ sở “ba không”, tức là không có giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP, chưa khám sức khỏe nhân viên, cũng không có giấy tập huấn VSATTP... nguy cơ lây lan những bệnh truyền nhiễm rất lớn nhưng vẫn hoạt động. Theo ông Ngô Hùng Ca: “Đáng lo ngại là các nhà hàng, khách sạn thường có các đám tiệc lớn, phục vụ rất nhiều thực khách. Nhưng chủ các cơ sở lại ít quan tâm tìm hiểu VSATTP, không có người phụ trách khâu nhập thực phẩm, bảo quản thực phẩm, lưu mẫu thực phẩm... qua đợt kiểm tra lần này, chúng tôi nhắc nhở các cơ sở, chỉ ra cho họ thấy những điểm hạn chế để khắc phục, chứ không “vạch lá tìm sâu” để phạt. Sau đợt kiểm tra này, chúng tôi tiếp tục tổ chức đi phúc tra xem các cơ sở có sửa đổi hay không”.

Mỗi năm, đoàn kiểm tra liên ngành thực phẩm đi kiểm tra các cơ sở 3 lần: Tháng hành động vì chất lượng VSATTP, Tết Nguyên đán, Tết Trung thu. Ngoài ra còn có các đợt kiểm tra theo chuyên đề, có sự chỉ đạo từ Bộ Y tế: phòng chống dịch, thực phẩm công nghệ (như các đợt kiểm tra thực phẩm chức năng, sữa vừa rồi). Như vậy một năm tối thiểu cũng có 4-5 lần kiểm tra. Nhưng không hiểu sao những trường hợp vi phạm VSATTP vẫn còn và những lỗi vi phạm này giống hệt như những lần kiểm tra trước: thực phẩm không rõ nguồn gốc, quá hạn, cấm sử dụng, vệ sinh không ngăn nắp; giấy tập huấn chứng nhận VSATTP, khám sức khỏe hết hạn. Phải chăng vì chủ cơ sở chủ quan, chạy theo lợi nhuận trong khi người dân còn thiếu hiểu biết, còn ngành chức năng thì ít xử phạt nên không có tính răn đe (?).

Ông Ngô Hùng Ca cho rằng: “Không phải cứ xử phạt nhiều mà vi phạm ít đi. Quan trọng nhất là làm cho chủ các cơ sở, người dân hiểu được tác hại của thực phẩm kém chất lượng. Hiện nay, lực lượng phụ trách VSATTP còn quá mỏng, đặc biệt ở tuyến quận, huyện, xã, phường nên công tác tuyên truyền kiểm tra chưa được thường xuyên, liên tục”.

Bài, ảnh: Huệ Hoa

Chia sẻ bài viết