18/10/2021 - 14:37

Về nơi sâu đậm tình người 

Ở huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi có tới 2 di tích lịch sử liên quan đến Đường Hồ Chí Minh trên biển, đó là: Điểm cập Tàu không số C41 tại thôn An Thổ, xã Phổ An và điểm cập Tàu C43B tại thôn Quy Thiện, xã Phổ Khánh. Đến đây, chúng tôi được nghe những câu chuyện cảm động về tình cảm của người dân Quảng Ngãi đối với các chiến sĩ tàu Không số. 

Ký ức không quên

Trong ngôi nhà nhỏ ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu (huyện Bình Sơn), ông Võ Văn Cầu nay đã ngoài 80 tuổi, sức khỏe cũng yếu rồi. Ấy vậy mà khi nhắc lại kỷ niệm với chiến sĩ tàu Không số, ông hào hứng khoe:  "Ngày ấy, tôi làm hoa tiêu cho tàu Không số khi qua vùng biển này đấy!".

Năm 1966, ông Cầu là chiến sĩ Đại đội trinh thám HB-18. Khi đó, ông và nhiều đồng đội được phân công đến nhà vận động người dân khu vực Sa Kỳ-Ba Làng An (thuộc địa phận xã Bình Châu) di dời để khơi thông luồng lạch. Dù không biết mục đích để làm gì, nhưng người dân ai cũng vui vẻ nhận lời vì họ ngầm hiểu việc làm của mình đang giúp ích cho cách mạng.

Ông Cầu nhớ như in những ngày chiến đấu ác liệt để Tàu C41 cập bến cung cấp vũ khí, thuốc men cho tiền phương. Đêm 26/11/1966, sau 17 ngày hành trình từ bến K20, trải qua vô vàn khó khăn, Tàu C41 cùng 15 cán bộ, chiến sĩ chở theo 59 tấn vũ khí đã đến Đức Phổ. Đây là bãi ngang nên tàu phải vào lúc nước cường mạnh, nhanh chóng thả hàng xuống nước rồi ra ngay trong đêm.

Hoàn thành nhiệm vụ, Tàu C41 quay ra thì bị mắc cạn. Phía ngoài khơi có tàu địch hoạt động, để giữ bí mật, chi ủy và chỉ huy Tàu C41 hội ý quyết định hủy tàu. Mọi người được lệnh rút lên bờ, còn Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh và Máy trưởng Phan Nhạn ở lại châm ngòi nổ bộc phá, rút sau. Chờ đã quá thời gian mà không thấy bộc phá nổ, trời lại sắp sáng, Thuyền phó Dương Văn Lộc và thủy thủ Trần Nhợ cùng lao ra khỏi chỗ ẩn nấp để bơi trở lại tàu kiểm tra. Hai người vừa ra tới mé nước thì bộc phá nổ làm rung chuyển mặt biển phá tan Tàu C41. Sức công phá của thuốc nổ làm cả 2 đồng chí và 3 du kích địa phương ở gần đó hy sinh cùng với con tàu.

13 cán bộ, chiến sĩ Tàu C41 còn sống đã được quân và dân địa phương che giấu, chăm sóc, sau đó theo đường Trường Sơn trở ra miền Bắc.

Sau lần đó, ông Cầu còn được giao nhiệm vụ xuống tàu đánh cá của ngư dân ra đảo Lý Sơn để liên lạc với tàu Không số, rồi làm “hoa tiêu” cho tàu vào cửa Sa Kỳ. Thực hiện nhiệm vụ này cùng ông còn có 5 đồng đội nữa. Thế nhưng, không ai biết tên ai, họ chỉ gọi nhau bằng mật danh với số hiệu từ 1 đến 6, ông Cầu mang mật danh số 4.

Một hôm, ông Cầu và đồng đội đã liên lạc được với Tàu không số. Ngay tức thì, họ dẫn tàu vào bến Sa Kỳ. Thật không may bị tàu địch phát hiện. Liền sau đó, tàu chiến, máy bay địch sử dụng hỏa lực cày nát vùng biển Sa Kỳ. Đội của ông buộc phải chạy qua thôn Tân Mỹ (nay thuộc xã Đức Lợi, huyện Mộ Đức), hai ngày sau mới tìm đường trở về.

Quân dân sát cánh

Bức thư bác sĩ Đặng Thùy Trâm gửi đồng chí Lưu Công Hào sau khi ra Bắc

Trong cuốn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm có ghi: “Vậy là chiều nay các anh lên đường để lại cho mọi người một nỗi nhớ mênh mông giữa khu rừng vắng vẻ... Những chiếc ba lô vụng về may bằng những tấm bao Mỹ đã gọn gàng trên vai, mọi người còn nấn ná đứng lại bắt tay chào mình một lần cuối...”. Những người được nhắc đến ấy chính là các chiến sĩ của Đoàn tàu Không số mà bác sĩ Trâm đã gặp vào năm 1968.

Cuối tháng 2 năm ấy, tàu Không số mang mật danh C43B do Thuyền trưởng Nguyễn Đức Thắng, Chính trị viên Trần Quốc Tuấn cùng 2 thuyền phó Nguyễn Xuân Thơm và Nguyễn Văn Đức chỉ huy được giao nhiệm vụ chở 37 tấn vũ khí vào bến Ba Làng An (thôn Quy Thiện, xã Phổ Hiệp, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi).

Đêm ngày 29/2, khi còn cách bến tầm 12 hải lý thì Tàu C43B bị 6 tàu chiến và máy bay trực thăng của địch bao vây, bắn phá. Cán bộ, chiến sĩ Tàu C43B đánh trả quyết liệt, khiến 1 máy bay địch bị rơi, 1 tàu và 1 máy bay khác bị thương. Lợi dụng thời cơ, tàu ta quyết phá vòng vây nhưng không thành. Suốt mấy tiếng chiến đấu quyết liệt, tàu ta bị găm thủng nhiều chỗ; nhiều đồng chí bị thương nặng. Chỉ huy tàu quyết định cho mọi người khẩn trương rút lên bờ và hủy tàu. 3 đồng chí là Vũ Văn Ruệ, Võ Nho Tòng và Phạm Văn Kiểm đã anh dũng hy sinh.

Cùng lúc ấy, lực lượng du kích Quy Thiện nhanh chóng phát động toàn dân đi cứu bộ đội; đồng thời bố trí các mũi sẵn sàng chiến đấu, chuẩn bị cứu thương và hầm bí mật.

Khi trời dần sáng tỏ, mẹ Nguyễn Thị Rân phát hiện một anh thương binh (Thuyền phó Thơm) đang cố lết vào đống rơm. Mẹ gọi binh vận đưa anh đi trốn ngay. Cách đó không xa, địch đang lùng sục khắp làng, điên cuồng xả súng vào từng bụi rậm.

Tại một vườn mía, chị Nguyễn Hồng Phượng vừa đi, vừa gọi khẽ: "Các anh ơi, còn sống thì theo tôi về với cách mạng". Vậy là chị nghe được câu trả lời yếu ớt của anh Lưu Công Hào. Anh Hào bị thương nặng ở phần bụng. Chị tất tả dìu anh đi về hầm bí mật. Bước chân của chị ngã dúi khi tiếng xích xe tăng địch nghiến ầm ầm như đuổi theo sau lưng 2 người.

Đầu làng là ngọn núi Dâu, trên đỉnh có căn cứ của Mỹ. Nhận định các chiến sĩ của ta sẽ nhằm hướng núi, cấp ủy thôn Quy Thiện phân công Đội thiếu niên đánh lạc hướng địch (giả đi xin đồ hộp) và chăn bò để áp sát căn cứ núi Dâu tìm các anh. Chú bé Trương Đình Đức đã chui khắp các bụi mía, vạch từng đống lá khô để tìm bộ đội. Cuối cùng, cậu tìm được 10 chiến sĩ bị thương.

Gia đình ông Thưởng nằm sát bên lùm tre. Tại đây có 7 căn hầm bí mật kiên cố ẩn dưới lùm tre um tùm. 14 chiến sĩ tàu còn sống của Tàu C43B đã được bà con đưa về đây. Hàng ngày, bà con thay nhau cảnh giới và chăm sóc.

Những cán bộ, chiến sĩ Tàu C43B chụp ảnh lưu niệm năm 1968. Ảnh: TL

Suốt một tuần sau đó, địch điên cuồng tìm kiếm chiến sĩ cách mạng. Nhờ sự bảo vệ của cán bộ và nhân dân địa phương, 14 chiến sĩ vẫn an toàn tuyệt đối. Sau đó, du kích địa phương cùng quân chủ lực vừa chiến đấu vừa nghi binh địch đưa những đồng chí bị thương vượt quốc lộ 1, xuyên rừng lên trạm xá dân y huyện Đức Phổ ở căn cứ Ba Tơ, nơi có bác sĩ Đặng Thùy Trâm đang làm việc để điều trị.

Đậm sâu nghĩa tình

Ngày Tàu C43B bị sự cố, các chiến sĩ phải ở lại trên đất Quảng Ngãi trong suốt một tháng trời. Cho đến tận bây giờ trong tâm trí cựu chiến binh Lưu Công Hào (thành viên Tàu C43B), tấm lòng của nhân dân Quảng Ngãi vẫn thật sâu đậm. Hạt gạo hồi đó nhân dân Quảng Ngãi làm ra phải đánh đổi không chỉ bằng mồ hôi mà là bằng máu bởi cứ đến mùa lúa chín, địch lại càn qua đốt sạch ruộng lúa. Gạo để dành trong mỗi gia đình rất ít. Dù vậy, bà con vẫn nhịn ăn để nuôi bộ đội. Khi rời Quảng Ngãi ra Bắc, các chiến sĩ còn được bà con cho thêm gạo để ăn dọc đường.

Ông Hào rơm rớm nước mắt khi nhắc đến hạt gạo và tình người Quảng Ngãi: “Những ngày ở đây, chúng tôi được ăn toàn gạo ngon. Thấy lạ, chúng tôi tìm hiểu thì mới biết rằng, các mẹ, các chị ăn toàn củ mì để ra đồng, nhường cơm ngon cho thương binh”.

Ông còn kể thêm câu chuyện về một người mẹ già lên thăm thương binh bê theo một trái bí chừng 5kg đi bộ từ xã Phổ Cường (huyện Đức Phổ) lên tận xã Ba Khâm (huyện Ba Tơ). Thấy người mẹ hái bí, con gái của mẹ hỏi: “Quả bí còn non, mẹ hái chi sớm vậy?”. Bà mẹ quả quyết: “Quả bí mà còn nói non với già, thế xương máu của các chiến sĩ dành cho đất nước có non có già không con?”. Nghĩa cử của hậu phương giản dị là thế mà sao xúc động vô cùng...

Năm 2006, cựu chiến binh Lưu Công Hào được gặp lại những người ở Đức Phổ đã cứu, chăm sóc mình năm 1968. Ảnh: CH

Ông Lê Văn Khương, nguyên là y sĩ cùng công tác với bác sĩ Đặng Thùy Trâm năm nay cũng ngoài 80 tuổi kể: “Hồi đó thiếu thuốc men và cả lương thực. Chị Trâm cùng chúng tôi phải về đồng bằng tìm mọi cách mua thuốc và cõng gạo lên để nuôi và cứu chữa anh em thương binh. Ở bệnh xá hơn một tháng, sức khỏe hồi phục, anh em tàu Không số lại vượt Trường Sơn ra Bắc. Trước ngày lên đường, bác sĩ Trâm và các bác sĩ, y tá đã thức nhiều đêm khâu những mảnh dù của Mỹ thành ba lô, túi xách, ruột tượng và chuẩn bị áo quần, gạo, muối, thuốc men cho mọi người đi đường.

Cựu chiến binh Lưu Công Hào chia sẻ: Vùng đất cách mạng Quảng Ngãi trong mắt tôi là những ký ức đẹp khó quên... Ngày 3/8/2016, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh cho 2 điểm cập Tàu không số C41 (tại An Thổ, Phổ An) và C43B (tại Quy Thiện, Phổ Khánh). Di tích lịch sử này là một trong những lời nhắc nhớ thế hệ trẻ hôm nay về những tháng ngày chiến đấu chống quân thù cam go, rất đỗi oai hùng của những chiến sĩ tàu Không số và cả dân tộc Việt Nam.

Phúc Vinh (Báo Hải quân Việt Nam)

Chia sẻ bài viết