01/01/2008 - 22:35

Về làng ngêu Thới Thuận

Huyện Bình Đại của tỉnh Bến Tre có diện tích bãi nghêu tự nhiên khá lớn. Riêng xã Thới Thuận có bãi nghêu dài gần 10 cây số, là “nguồn sống” của nông dân nơi này.

Từ thị trấn Bình Đại, huyện Bình Đại, chúng tôi đi thêm trên 10 cây số nữa là đến bãi nghêu. Bãi nằm sát biển có diện tích 900ha, phía đất liền giáp xã Thới Thuận, phía Tây Nam giáp cửa sông Ba Lai và phía Đông Nam là biển Đông. Anh Lê Văn Quang, Phó Chủ nhiệm HTX Rạng Đông, cho biết: nghêu Thới Thuận được khai thác từ những thập niên 90 của thế kỷ 20. Ngày 2-7-1997, HTX Rạng Đông được thành lập để khai thác nghêu. Năm 1999, tổng doanh thu bãi nghêu này đạt gần 15 tỉ đồng/năm đến những năm 2006-2007, doanh thu tăng hơn gấp đôi, trên 30 tỉ đồng, nuôi sống gần 2.000 hộ của Thới Thuận.

Khai thác nghêu khi thủy triều xuống.  

Chúng tôi đến bãi nghêu vào ngày thu hoạch. Tuy nắng gắt, gió lạnh của biển thổi vào nhưng nhìn cảnh bắt nghêu đông người rất vui. Người bắt nghêu rất cực do phải ngâm mình dưới nước biển; dính cát sình và nắng nóng đổ xuống bãi nghêu. Chị Lê Thị Bạc (45 tuổi), một trong những phụ nữ cào nghêu thâm niên, cho biết: Một tháng khai thác bãi nghêu 2 lần (1 lần từ 3-5 ngày), mỗi ngày, ba mẹ con của chị cào khoảng 5-6 thùng nghêu (thùng 20kg; 1kg/11.000đ), thu nhập khoảng 200.000đ, sống tạm được. Dân cào-chập đa phần là phụ nữ, mỗi ngày ngâm mình hàng giờ liền dưới nước, ngầu đục của biển, da dẻ khô sạm, quắt queo. Cái sợ nhất của người bắt nghêu là gặp những con sâu lông; cá ngát. Vì lỡ dính sâu lông thì tay chân của người cào nghêu ngứa gãi cho rướm máu vẫn bị ngứa, còn lỡ bị cá ngát đâm thì chỗ bị đâm sưng tấy, ung mủ, gây bệnh ...

Anh Lê Văn Quang cho biết, sau khi bán nghêu tiền được chia đồng đều cho xã viên. Một người được nhận trên 2,8 triệu đồng/năm, tính ra trung bình 1 hộ (4 nhân khẩu) nhận 11,7 triệu đồng/năm. Hiện tại, HTX có 1.697 hộ dân nhận tiền ăn chia như vậy. Có khoảng 1.000 lao động thường xuyên trên bãi nghêu. Theo anh Quang, năm 2006, 1 lao động bắt nghêu thu nhập khoảng 3,8 triệu đồng/năm. Đến ngày thu hoạch nghêu, mỗi hộ xã viên được HTX phát 1 phiếu thu hoạch (xem như là tấm vé để được phép xuống bãi nghêu bắt nghêu). Nếu hộ nào không có người đi thu hoạch có thể bán phiếu này lại cho lao động cần có việc làm, với giá 40.000 đồng/phiếu. Anh Nguyễn Văn Tùng, 39 tuổi, ngụ tại ấp 1, xã Thới Thuận, huyện Bình Đại cho biết, anh thường mua thêm 1 phiếu của những hộ xã viên khá giả, không có người đi bắt nghêu, bán lại phiếu. Hai vợ chồng anh 2 phiếu, bắt được 6 thùng nghêu (mỗi thùng 20kg), bán được 180.000 đồng, sau khi trừ chi phí, anh chị thu nhập mỗi người 60.000 đồng/ngày.

Cũng theo anh Quang, nghêu ở Thới Thuận được Viện Nghiên cứu Thủy sản II (Bộ Thủy sản) đánh giá là nghêu có chất lượng tốt, địa phương đang xúc tiến xây dựng thương hiệu nghêu Bến Tre. Khi khai thác, người dân vùng này chỉ sử dụng bàn cào thủ công có lưỡi như lưỡi dao, có tay cầm để cào nghêu và bắt có chọn lọc để nghêu nhỏ phát triển.

HTX có đội bảo vệ chuyên trách khoảng 50 người để bảo vệ bãi nghêu. HTX đưa ra nội quy (có họp dân thống nhất ý kiến) là cấm khai thác nghêu bằng phương tiện cơ giới (cào lớn, cào máy) ảnh hưởng môi trường sống tự nhiên của nghêu. Trong lúc thu hoạch nghêu, nếu ai tự ý mang nghêu về nhà (bất kể số lượng nhiều hay ít) nếu bị phát hiện sẽ bị HTX và chính quyền địa phương lập biên bản xử lý. Nhờ vậy, nhiều người có ý thức bảo vệ bãi nghêu này.

HTX cũng tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện tại địa phương. Anh Lê Văn Quang cho biết: HTX trích quỹ giúp địa phương sửa chữa cầu đường; xây trường, nghĩa trang... Đặc biệt, chỉ tiêu hàng năm của HTX là cất 1 nhà tình nghĩa; 5 nhà tình thương. Năm 2007, HTX xây dựng các tụ điểm văn hóa cho các ấp của xã Thới Thuận.

Nông dân Thới Thuận gắn với đời nghêu tuy cực mà vui. Vui nhất là nghêu trúng mùa, trúng giá. Con nghêu đã nuôi sống họ từ bấy lâu nay nên người dân vùng này vừa khai thác, vừa bảo tồn để nghêu phát triển.

Bài, ảnh: THÀNH ĐƯỢC

Chia sẻ bài viết