09/09/2012 - 08:51

Vè địa danh - một mảng đẹp của tình yêu quê hương, xứ sở của người Nam bộ

Trong một lần về huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, tôi được nghe các vị cao niên ở địa phương đọc những bài vè về quê hương, xứ sở. Đây là một nội dung khá mới trong loại hình dân gian vè Nam bộ. Cũng cách thể hiện “có ca có kệ”, những câu vè địa danh như những trang sử ghi lại lịch sử hình thành và phát triển của mỗi vùng đất, xóm làng.

Theo cuốn Văn học dân gian Việt Nam do Giáo sư Đinh Gia Khánh chủ biên: “Vè có nghĩa là lời nói có vần”. Trong lời ăn tiếng nói hằng ngày, bà con Nam bộ rất thích lối nói có vần, nhịp nhàng, đối xứng, ví von nhưng dễ nhớ, dễ thuộc.

Về nội dung, vè được chia làm nhiều thể loại như: vè thế sự; vè động – thực – vật; vè nói dóc, nói ngược; vè phê phán, châm biếm thói hư tật xấu; vè kháng chiến... Mảng vè địa danh tuy rất ít xuất hiện nhưng lại mang đậm hơi thở và tình cảm của người dân địa phương. Trong cuốn “Văn học dân gian Sóc Trăng” do Giáo sư Chu Xuân Diên chủ biên và từ nguồn sưu tầm điền dã, chúng tôi nhận thấy có khoảng 12 bài vè địa danh khá độc đáo. Bước đầu tìm hiểu, chúng tôi tạm chia những bài vè địa danh theo 4 nội dung cơ bản.

Sự hình thành kinh Giải phóng được kể lại bằng bài vè khá độc đáo. 

Vè địa danh trước hết mang nội dung giải thích lịch sử tên gọi quê hương xứ sở của mình. Trong đó phải kể đến bài “Vè Kinh Giải phóng” mà chúng tôi sưu tầm được ở Trường Lạc (Ô Môn, TP Cần Thơ). Bài vè kể lại sự kiện bà con đào con kinh tắt nối Trường Lạc ra Vòng Cung để đưa quân và vận chuyển đạn dược. Nhưng ngày đầu tiên đào đã bị Biệt kích Ô Môn đánh hơi biết nên cho quân đóng chặn, bao vây. Có 11 người đã hy sinh ngay tại bờ kinh mới đào này. Trong đó, có 4 người đã chết vẫn bị chúng mổ bụng lấy gan, mật. Bi hùng là vậy nên khi con kinh thông dòng, bà con đặt tên là kinh Giải phóng. Bài vè có vần điệu khá hay: “Nghe vẻ nghe ve/ Bà con lắng nghe/ Tôi đọc bài vè/ Của rạch Trà Luộc/ Rạch cong đuôi chuột/ Trổ tuốt Rạch Tra/ Có nhiều ngã ba/ Miễu Trắng ngó qua/ Ngã ba Giải Phóng/ Kinh đào thông thống/ Phóng giáp kinh Đình/ Nghị quyết đồng tình/ Đào kinh chống Mỹ/ Bấm tay tính kỹ/ Năm sáu mươi mốt/ Hai lăm tháng tư/ Nông dân vui cười/ Cùng nhau xuống vá/ Thằng giặc bắn phá/ Lừa lúc canh ba/ Đặt lọp chận ta/ Sáng ra mặt nổi/ Súng cối nổ đùng/ Hướng lộ Vòng Cung/ Càn lùng bắn giết/ Quân ta quyết liệt/ Chạm súng chống càn/ Bảo vệ địa bàn/ Dân công tránh né/ Rút thoát lọt kẻ/ Kẹt số chém vè/ Giặc đè mổ bụng/ Con số tính chung/ Là mười một bạn/ Kinh đào còn cạn/ Quyết tử hoàn thành/ Ngày nay thành danh/ Con kinh Giải Phóng”.

Nội dung thứ hai trong vè địa danh là phác họa hoàn cảnh, điều kiện sống của một vùng đất ở một thời điểm nhất định. Địa danh Cống Đôi ở xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng, một thời đường đi cách trở, đời sống bà con còn khá cơ cực. Bà con đã cảm thán đặt bài vè: “Cống Đôi là xóm ngặt nghèo/ Một giờ đi chợ như mèo mắc mưa/ Hai giờ đi chợ lưa thưa/ Kẻ xách giỏ xách kẻ thì tay không/ Chắp tay sau đít đi vào mà coi/ Một lít mười tám đồng thôi/ Còn hai đồng đi mua mắm ruốc chạy nhông về nhà/ Đổ nồi, đổ gạo cái xòa/ Chụm bè lá chuối thật là khổ ghê...” (“Vè Xóm Cống Đôi”).

Tuy nhiên, không chỉ có những khó khăn, cực nhọc trong cuộc sống thường ngày, tác giả dân gian còn gửi gắm trong từng câu vè nỗi niềm hân hoan khi đất nước thanh bình, xóm làng thôi tiếng súng, người dân tay cuốc tay cày tăng gia sản xuất. Những bài vè này thể hiện sự lạc quan, tin tưởng của tác giả dân gian. “Bài vè trong ấp Ninh Thới” (xã Thới An Hội, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) miêu tả cảnh buôn bán của một tiệm tạp hóa khi đất nước mới vừa độc lập: “Nghe vẻ nghe ve/ Tôi đặt bài vè/ Trong ấp Ninh Thới/ Vừa mới độc lập/ Có chú Hai Tây/ Mua bán loay hoay/ Làm giàu mau lẹ/ Tạp hóa tuy nhẹ/ Nhưng vốn đã nhiều/ Người có biết điều/ Bao giờ bán mắc/ Chị em đi tắt/ Đến đó mà mua...”.

Một nội dung khá đặc biệt mà dường như chỉ có vè địa danh mới có là miêu tả những con người cụ thể với những cá tính, tính tình khác nhau được tác giả dân gian thể hiện theo kiểu “tốt khen xấu chê”. Điều này chứng tỏ lối sống bộc trực, ăn ngay nói thẳng của người Nam bộ nói chung, người miền Tây nói riêng. Tuy nhiên, dẫu có phê phán đả kích thì trong những câu vè vẫn là lối góp ý chân tình, “nói thấy sai để sửa” nên thuyết phục. Theo khảo sát trong số 12 bài vè địa danh mà chúng tôi sưu tầm, có đến 11 bài vè bao hàm nội dung này. Bài “Vè Ấp Vĩnh Khánh” miêu tả tướng đi, cách nói năng “đặc trưng” của một số nhân vật ở địa phương rất thú vị: “Hay nói lăng xăng/ Là cô Hai Yến/ Người làm biếng nói/ Là vợ Ba Tia/ Ăn nói tía lia/ Là bà Mười Tược/ Tướng đi phường phược/ Là bà Năm Hai/ Tướng đi bai bai/ Là cô Ba Mấy/ Tướng đi hây hẩy/ Là cô Hai Chân...”. Những người đàn ông hay đánh vợ, cờ bạc, rượu chè liên miên cũng là “nhân vật” trong những bài vè. Tác giả dân gian thể hiện bằng thái độ bông đùa, cười cợt nhưng cũng lên án sâu cay những thói hư tật xấu ấy: “Uống rượu như điên/ Thằng Hai Thổ Lác/ Chửi vợ tan nát/ Là ông Mười Sùng/ Làm bộ anh hùng/ Một mình hai vợ/ Đánh bài thiếu nợ/ Vợ bỏ đi luôn/ Hắn ngồi u buồn/ Rủ thêm thằng Chọi/ Cụt giò lọt thọt/ Ăn cắp bình ky...” (“Bài vè trong ấp Ninh Thới”).

Nội dung cuối cùng trong vè địa danh là ca ngợi vẻ đẹp của quê hương, thể hiện tình yêu của người dân với quê hương, xóm làng, nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình. Đó là sự tri ân những người đã góp công khai phá, lập làng dựng xóm và xây dựng, bảo vệ xóm làng. Điển hình như bài “Vè Kinh Giải phóng”, đó là một bản bi hùng ca ca ngợi những người con Trường Lạc đã đổ máu đào để con kinh được thông dòng, cho từng chuyến tiếp lương tải đạn mau đến nơi, tránh được tai mắt kẻ thù. Bài vè còn là bản tố cáo đanh thép với những kẻ mất hết tính người móc ruột moi gan của đồng bào.

***

Không gian trong mỗi bài vè địa danh khuôn hẹp trong một xóm, ấp hay vùng đất với những nhân vật vốn là “người thật, việc thật” được thể hiện qua lăng kính của tác giả dân gian. Tuy nhiên, qua cách kể vần điệu, mỗi nhân vật đều có sức sống, sức đại diện cho một tầng lớp, một lối sống nhất định trong xã hội. Nét độc đáo trong vè địa danh là nghệ thuật kết hợp giữa hiện thực và văn học, cái thật và sự ví von, bông đùa khiến mỗi câu chuyện, mỗi nhân vật sống động như người nghe đang chứng kiến. Cũng nhờ vậy mà tạo nên nét vui tươi hóm hỉnh trong mỗi bài vè.

Vè địa danh có cách thể hiện đúng mô típ của vè dân gian với cách mở đầu quen thuộc như: “Nghe ve nghe vè/ Bà con lắng nghe/ Tôi đọc bài vè...” hay “Nghe vẻ nghe ve/ Nghe vè Xóm Củi...”... Hình thức trình bày thường là 4 chữ (“Chửi vợ tan nát/ Là ông Mười Sùng...”) hoặc theo thể thơ lục bát. Tuy nhiên, cũng có một số bài vè thể hiện theo cách biến thể, không theo một quy tắc nhất định. Ví dụ như bài “Vè Ấp Tai Trâu”, mở đầu bằng cách trực diện giới thiệu địa phương “Từ đầu cầu xóm ấp Tai Trâu/ Ai mà có tịch kết câu vô vè...”. Dù là thơ lục bát hay câu 3, 4, 5 chữ thì vè địa danh không quá tuân thủ cách gieo vần mà chủ yếu là giai điệu, miễn sao nghe “xuôi tai” là được.

Ngôn ngữ trong vè địa danh tự nhiên, tựa như lời ăn tiếng nói của người bình dân. Đặc biệt là cách nói táo bạo, không kiêng dè mang phong cách riêng của người Nam bộ đã thổi vào những bài vè một sức sống riêng. Cách dùng từ giàu hình ảnh, lạ lẫm, rặt Nam bộ khiến người nghe thích thú. Hẳn nhiều người thắc mắc những tướng đi “phường phược”, “bai bai”, “hây hẩy”... là như thế nào. Từ đó mà vè địa danh tạo được sức hấp dẫn cho người nghe.

***

Về châu thổ Cửu Long, nghe những câu vè địa danh để thêm hiểu và yêu vùng đất này. Vè địa danh như mạch nước ngầm âm thầm chảy qua không gian và thời gian, ghi lại từng dấu mốc của mỗi vùng đất con người. Đọc vè địa danh còn để cảm cái tình, cái nghĩa của thế hệ tiền nhân với quê hương, xứ sở.

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Tài liệu tham khảo:

- Văn học dân gian Sóc Trăng, Chu Xuân Diên chủ biên, NXB TP Hồ Chí Minh, 2002.
- Văn học dân gian Việt Nam, Đinh Gia Khánh chủ biên, NXB Giáo dục, 2005.

Chia sẻ bài viết