26/04/2018 - 14:26

Vẻ đẹp Việt Nam trong “Từ những miền quê” 

Vẻ đẹp về những vùng đất, con người và phong tục tập quán được truyền tải qua loạt ký sự “Từ những miền quê” một cách chân thực và đầy cảm xúc. Chương trình phát sóng lúc 14 giờ hằng ngày trên kênh VTV1.

Mỗi chương trình là những câu chuyện kể trong 15 phút, đong đầy cảm xúc về đất và người nông thôn Việt Nam. Ở đó có những con người luôn cố gắng gìn giữ nếp xưa, những nghề truyền thống và tinh túy gia truyền; cũng không thiếu những người dùng trí tuệ để đưa đặc sản quê nhà trở thành thương hiệu.

Ông Nguyễn Văn Mọi kể lại những khó khăn mà nông dân phải đối mặt trong “Những chùm nho dưới nắng”. 

Tháng 4, chương trình có  những câu chuyện từ những miền quê trải dài Bắc, Trung, Nam. Đó là “Vị ngọt trên đồng quê” ở Hòa Bình với diện tích trồng mía lớn nhất miền Bắc, chuyện lập nghiệp của nhóm cử nhân trẻ ở Quảng Nam trong “Rau hữu cơ Gò Nổi”, hay hành trình vượt khó trở thành thương hiệu Việt của ông Nguyễn Văn Mọi trong “Những chùm nho dưới nắng” Ninh Thuận, “Chuyện gia đình làm bánh tét lá cẩm” với thương hiệu ẩm thực nổi tiếng Cần Thơ, chuyện giữ nghề “Cốm làng Thạc” Hải Dương… Mỗi ký sự là lời thủ thỉ của các nhân vật về hành trình giữ nghề và làm nên thương hiệu.

Trong “Những chùm nho dưới nắng”, lão nông Nguyễn Văn Mọi (xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận) không chỉ cho khán giả thưởng thức không gian rộng lớn của vườn nho trĩu quả; mà còn thấm thía những giọt mồ hôi và nước mắt của ông cùng những người nông dân xứ Ninh Thuận thức trắng đêm chong đèn cho vườn nho trong những tháng năm còn thiếu thốn, nghèo nàn kỹ thuật, công nghệ. Còn có câu chuyện nghị lực của nhóm bạn trẻ làm giàu trên quê hương từ nghề nông, với đại diện là Nguyễn Tấn Pháp (xã Điện Phong, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Anh cùng những cộng sự tạo nên thương hiệu “Rau hữu cơ Gò Nổi” được tiêu thụ trải dài từ Đà Nẵng đến TP Hồ Chí Minh. Học hỏi kinh nghiệm từ thế hệ trước và vận dụng những kiến thức đã học, nhóm Nguyễn Tấn Pháp nghiên cứu tạo phân sinh học từ vỏ đậu phộng. Họ xay nhuyễn, hong khô, ép vỏ đậu phộng thành bã và tạo bánh dầu. Bánh dầu này kết hợp với cây lá keo (keo dậu) tạo nên hỗn hợp hữu cơ rất tốt cho rau cải. Rau hữu cơ Gò Nổi được trồng tự nhiên và không dùng hóa chất, đã trở thành thương hiệu cho tinh thần cầu thị, sáng tạo và yêu quê hương của những người trẻ.

Những câu chuyện của “Từ những miền quê” nhẹ nhàng, xoay quanh nghị lực và hoài bão của những người con gắn bó với quê hương, đem đến cho khán giả truyền hình chương trình ý nghĩa.

Bảo Lam

Chia sẻ bài viết