Những ngày tháng 8, chúng tôi từ TP Bến Tre theo tỉnh lộ 885 về Giồng Trôm viếng đền thờ và lăng mộ của anh hùng chống Pháp - Lãnh Binh Nguyễn Ngọc Thăng, dân gian thường gọi Lãnh Binh Thăng.
Đền thờ Lãnh Binh Nguyễn Ngọc Thăng.
Đền thờ Lãnh Binh Thăng nằm cách tỉnh lộ 885 chừng 100m, có diện tích 362m2. Bước vào cổng chính, sẽ bắt gặp bình phong có phù điêu “Long mã phụ Hà đồ”. Phía bên phải là một cây bồ đề cổ thụ rợp mát. Đền thờ được kiến trúc theo phong cách truyền thống Nam Bộ, có ba gian, hệ thống cột, kèo, đòn tay, rường rui bằng danh mộc; nội thất tạo tác từ gỗ quý. Bàn hương án được chạm hình hoa lá, chim muông, linh thú, sơn son thếp vàng, bên trên là bài vị và di ảnh của Lãnh Binh Thăng. Bên cạnh, còn có tờ chứng nhận của Bộ Lại năm 1923, công nhận những chức vị mà các vua nhà Nguyễn đã phong cho ông như “Nhứt hạng Phán sự” kiêm “Thị giảng học sĩ”. Lăng mộ của Lãnh Binh Thăng cách đền thờ khoảng 500m. Khu mộ nằm sâu khoảng 400m tính từ tỉnh lộ 885 theo hướng chính Đông.
Đến đền thờ, khách sẽ được nghe những câu chuyện hào hùng về Lãnh Binh Thăng, thuộc tướng của Bình Tây Đại Nguyên Soái Trương Định, tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp ở vùng Gia Định - Tân An - Gò Công. Ông sinh năm 1798 tại ấp Giồng Keo, làng Mỹ Thạnh, huyện Tân An, nay là xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, trong một gia đình trung nông gốc Ngũ Quảng vào Nam khai hoang lập nghiệp lâu đời.
Nguyễn Ngọc Thăng thời niên thiếu thông minh, cương trực, thượng võ. Năm 20 tuổi, ông chiêu mộ dân binh, chỉ huy, tổ chức công cuộc khai khẩn đất hoang, lập đồn điền, mở mang vùng Mỹ Lồng - Lương Quới thuộc huyện Giồng Trôm ngày nay. Về sau, ông vào quân ngũ, được triều đình thăng Cai cơ trông coi quân đồn điền, đến năm 1848 thì đảm nhiệm chức Lãnh binh ở phủ Tân An thuộc Gia Định thành.
Năm 1859, thực dân Pháp vây hãm thành Gia Định, Lãnh Binh Thăng đem quân cứu viện nhưng chưa kịp đến nơi thì thành Gia Định bị hạ. Hộ đốc thành là Võ Duy Ninh tuẫn tiết. Lãnh Binh Nguyễn Ngọc Thăng lui về trấn giữ đồn Cây Mai. Tại phòng tuyến Cây Mai, ông ngăn chặn nhiều cuộc tấn công của địch. Sau đó rút quân về Gò Công để mưu sự lâu dài.
Khi về Gò Công dưới sự chỉ huy của Trương Định, ông tiếp tục lãnh đạo nghĩa quân chiến đấu chống Pháp ở vùng Tân An - Gò Công. Ngày 24-2-1860, ông cùng Nguyễn Tri Phương chỉ huy quân đồn điền (dân binh) tấn công quân Pháp tại đồn Chí Hòa nhưng không thành công. Tháng 7-1860, ông chỉ huy 2.000 quân đánh vào đồn Cây Mai. Nhận thấy giặc Pháp hành quân đi giày da mà vùng này lại có rất nhiều cây mù u, ông cho quân dân hái trái mù u rải trên đường, rồi phủ lá khô lên. Giặc đạp mù u trượt té, quân ta xông ra tấn công khiến chúng bị thiệt hại nặng. Trong một trận đánh trên sông Bảo Định (Chợ Gạo), quân của Lãnh Binh Thăng đã tiêu diệt trung tá chỉ huy Bourdais.
Rạng sáng ngày 20-8-1864, một tên phản bội dẫn quân địch tập kích, đánh úp căn cứ, chủ tướng Trương Định hy sinh, Lãnh Binh Thăng tiếp tục lãnh đạo nghĩa quân chống Pháp. Thời gian đó, chỉ còn lại ba lực lượng kháng Pháp hoạt động: Thiên Hộ Dương chiến đấu ở chiến khu Tháp Mười, Trương Quyền (con trai Trương Định) ở vùng Tây Ninh, Nguyễn Ngọc Thăng ở vùng cận duyên hải Tân An - Gò Công.
Ngày 27-6-1866, trong một trận đánh ác liệt với quân Pháp trên sông Soài Rạp, ông bị trúng đạn hy sinh. Thi hài ông được nghĩa quân đưa về quê hương tại Mỹ Lồng. Sau khi ông mất, vua Tự Đức có phong sắc, áo, mão và một thanh gươm. Trải qua thời gian và những cuộc chiến tranh, di vật ở nơi thờ của ông bị hư hỏng và thất lạc.
Lễ giỗ ông được tổ chức hằng năm vào ngày 15 tháng 5 âm lịch, người dân các nơi đổ về đền thờ tưởng niệm một người anh hùng dân tộc đã kháng chiến chống Pháp ngay từ những ngày đầu thực dân đặt chân đến Nam Bộ. Trong tâm thức dân gian, những vị anh hùng có công giữ nước còn được xem là thần của làng, nên đền thờ ông cũng được xem là ngôi đình làng. Năm 1997, đền thờ được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, được trùng tu khá quy mô.
Về thăm Bến Tre trong những ngày lịch sử, du khách có dịp tham quan khám phá những di tích lịch sử giữa miền sông nước hữu tình và nghe nhiều câu chuyện đã trở thành huyền thoại.
Bài, ảnh: ĐẶNG HOÀNG THÁM