25/09/2022 - 07:57

Vật nuôi và các loài cây đồng hành cùng cư dân thời khẩn hoang 

ĐBSCL thời khẩn hoang là vùng đất mênh mông, hoang hóa, có rất nhiều sông rạch tự nhiên cùng đầm lầy lau sậy, tràm, mắm... cũng như vô vàn thú dữ. Trong môi trường thiên nhiên khắc nghiệt đó, đồng hành cùng cư dân khai hoang vùng Tây Nam Bộ là những vật nuôi và các loài cây đã trở thành hình ảnh mang tính biểu tượng.

Chó theo chân lão nông ra đồng. Ảnh: DUY KHÔI

Chó theo chân lão nông ra đồng. Ảnh: DUY KHÔI

Đầu tiên phải nói đến loài vật trung thành, thông minh là chó. Trong đời sống lao động sản xuất từ xưa đến nay và trong tâm thức của người Việt, chó là con vật thủy chung, gần gũi. Điều này được thể hiện ở một trong những bức tranh nổi tiếng của cố họa sĩ Tô Dự là "Người đi mở cõi", tái hiện hình ảnh người đi khai hoang thuở xưa bơi xuồng giữa mênh mông lau sậy, có một chú chó ngồi sau xuồng như trợ thủ đáng tin cậy. Chó giúp chủ rất nhiều việc như trông nhà cửa, săn bắt. Trong văn hóa tâm linh ở một số nơi, loài vật này còn được thờ cúng tại các đền thờ, miếu mạo. Ở Chùa Cầu (Hội An), Chùa Dơi (Sóc Trăng) có thờ Linh Cẩu Đại Tướng Quân. Còn giống chó ở đảo Phú Quốc, Kiên Giang được xếp vào quý hiếm, gắn liền với truyền thuyết về khuyển vương xa xưa trên đảo.

Một con vật không thể thiếu trong lao động, sản xuất của tiền nhân là trâu. Cùng với cây lúa, trâu gắn liền với nền văn minh lúa nước Việt Nam. Trong các cuộc di dân, khai khẩn đất phương Nam, con trâu đã theo lưu dân đến miền đất mới. Đầm lầy, sông nước, nóng ẩm, mưa nhiều nơi đây thích hợp với những đặc điểm sinh học của loài vật này. Từ đó loài trâu phát triển khỏe mạnh, giúp lưu dân cày bừa, vận chuyển công cụ lao động cũng như nông sản. Đến nay vẫn còn nhiều dấu tích, câu chuyện cho thấy sự gắn bó mật thiết của loài trâu trong đời sống xưa. Trong tiếng Việt thì trâu con gọi là nghé và địa danh Bến Nghé ngày nay vẫn còn ở TP Hồ Chí Minh. Cố nhà văn Sơn Nam, được mệnh danh là nhà Nam Bộ học, kể về cuộc sống của những nông dân miền Nam vào đầu thế kỷ XX qua tác phẩm "Mùa len trâu". "Len" trong tiếng Khmer có nghĩa là "đi tự do" và "len trâu" có nghĩa là thả cho trâu tự do đi kiếm ăn, bởi mùa nước nổi ở ĐBSCL các sinh hoạt canh tác ruộng đồng tạm thời ngưng nghỉ. Người ta phải len trâu khá xa để tìm nguồn lương thực cho trâu.

***

Về thực vật, có thể điểm qua 3 loại cây gắn bó mật thiết với cư dân miền Tây từ thời khẩn hoang cho đến ngày nay là: tre, dừa và dừa nước.

Trong tập quán lâu đời của người Việt, ở nông thôn hầu nhà nào cũng có trồng tre sau vườn, bên hè, ranh đất, dọc theo lối đi, đường làng, thôn, ấp… Cây tre có rất nhiều công dụng, hữu ích. Tre được dùng làm nguyên vật liệu chính để dựng nên một ngôi nhà. Trong sinh hoạt, những vật dụng như thúng, rổ, nia, sàn… đến bàn, ghế, giường, tủ... được làm bằng tre. Trong sản xuất, tre là nguyên liệu để làm nên các dụng cụ đánh bắt thủy hải sản. Y học cổ truyền cũng dùng lá tre chữa một số bệnh. Măng tre là một trong những thực phẩm gắn liền văn hóa ẩm thực vùng đất này. 

Còn cây dừa xuất hiện phổ biến ở ĐBSCL từ lâu đời, vì loài cây này có khả năng thích nghi cao, phát triển tốt ở nhiều vùng đất có thổ nhưỡng khác nhau: mặn, ngọt, lợ. Đồng thời, cây dừa từ gốc tới ngọn, đều hữu dụng. Đầu tiên, nước dừa là thức uống giải khát phổ biến, cũng có thể dùng làm dịch truyền. Phần cơm dừa là nguyên liệu quan trọng trong văn hóa ẩm thực miền Nam, nhất là khi vắt lấy nước cốt dừa. Lá dừa được dùng làm mái che, làm một số loại giỏ đựng đồ và làm chổi dừa. Gỗ dừa có thể dùng làm đồ mỹ nghệ hoặc làm vật liệu cho một số công trình xây dựng. Phần lõi trong thân cây dừa còn gọi là củ hũ dừa, cũng được dùng làm món ăn. 

Trong khi đó, dừa nước sống mạnh mẽ, xanh tốt ven sông rạch miền Tây Nam Bộ. Lá dừa nước dùng để lợp nhà, chòi, trại. Cọng dừa nước sau khi đã róc sạch lá, đem phơi săn cứng lại, đan bện làm vạt ngủ, kệ, bàn… Trái dừa nước có cơm như cơm dừa. Trích từ cuống hoa dừa nước, ta có thể chưng cất thành mật đường.

Có thể thấy vai trò của 3 loài cây trên trong quá trình xây dựng một căn nhà ngày xưa như sau: đắp nền bằng đất cao hơn mực nước lớn hàng năm, nện cho dẽ và có thể rải muối hột cho mối không làm tổ, để ít nhất là một mùa mưa. Trong thời gian chờ đất đủ thời gian làm nền nhà thì chuẩn bị các loại tre. Nếu chọn tre mỡ thì phải đem ngâm dưới bùn ít nhất 6 tháng tránh mọt. Tre mỡ được chọn làm nhà vì thịt dày, giao lóng, cây cao to. Tre già, sau khi ngâm "tới nước" thì xài có đến 50 năm chưa hư; hoặc tre xiêm già đốn tươi, làm ngay không mối mọt, nhưng hơi nhỏ cây. Các loại tre khác như mạnh tông, tre gai, tre tầm vông, tre lồ ồ... đều có những ưu điểm riêng - người cất nhà tùy thích sử dụng. Ở những căn nhà như trên, tre được làm đòn tay, làm nẹp, mầm, vách khá chắc chắn. Dừa già có thể đốn trước đó vài tháng, sau đó được cưa, đốn, đẽo, gọt phù hợp với quy cách cột, xiên, kèo. Dừa già làm nhà, nếu có cho "ăn dầu trai" (thoa, tẩm dầu) sẽ rất bền với thời gian. Lá dừa nước được đốn trước chừng một tháng, róc, chằm thành miếng lợp ngang thành nhiều ly (nếp) hoặc xé đôi lợp xuôi theo mái nhà. Lạt buộc lợp nhà lấy từ đọt cờ bắp (đọt cây lá non chưa nở). Dây cột đầu kèo, "con sẻ" (là thanh tre cứng bằng ngón tay cái, đút ngang giữa lỗ cột và kèo) cũng từ các loại cây trên.

Thuở khẩn hoang với muôn vàn khó khăn gian khổ, nhưng tiền nhân ta đã cần cù, sáng tạo, dần dần chinh phục, thích nghi với thiên nhiên, môi trường. Từ đó gây dựng, bồi đắp nên miền đất phương Nam trù phú để lại cho đời sau. Trong công cuộc ấy, không thể thiếu hình ảnh vật nuôi, loài cây gắn bó thân thiết với cư dân đất phương Nam ngày ấy và vẫn còn trong đời sống, tâm thức văn hóa bây giờ.

ĐẶNG HOÀNG THÁM

Chia sẻ bài viết