13/06/2015 - 06:45

Vàng trong cát và nhà tù Côn Đảo!

Có người cho rằng Côn Ðảo đâu có thắng cảnh đẹp mà đến tham quan. Trong khi nhiều cựu tù Côn Ðảo lòng thiết tha muốn trở lại "chiến trường" xưa mà không thể - vì nhiều lý do, trong đó có lý do sức khỏe. Riêng tôi, đã một lần có dịp đến đây, được lắng nghe và lặng người trước những hạt vàng còn lẫn sâu trong cát!

Bài 1: MÁU VÀ THƠ

Trải lịch sử 113 năm (1862-1975), Nhà tù Côn Ðảo đã có hàng triệu lượt chiến sĩ yêu nước và cách mạng Việt Nam bị đày ải. Trong đó, gần 20.000 người nằm lại... Hàng chục ngàn người trở về đời thường với tấm thân tàn phế, mang bệnh nan y. Ðặc biệt, khoảng 18.000 hài cốt không xác định được tuổi tên, quê quán lẫn chỗ nằm trên đảo!

MÁU XƯƠNG & CHỨNG TÍCH...

Theo "Lịch sử đấu tranh của các chiến sĩ yêu nước và cách mạng Nhà tù Côn Ðảo (1862-1975)" (tái bản lần thứ hai), cuộc trỗi dậy ngày 28-6-1862 do thủ lĩnh Nguyệt cầm đầu. Ông Nguyệt quê Chợ Quán - Sài Gòn, tập hợp số tù nhân mới bị Pháp bắt đưa ra đảo, phối hợp với hàng trăm tù nhân cũ của triều đình Nhà Nguyễn cùng một số người dân, nhanh chóng san bằng Nhà tù Côn Đảo vừa mới hình thành.

Đến thăm di tích Bãi Sọ Người - nghĩa địa đầu tiên của Nhà tù Côn Đảo, tôi được biết thêm: Sau cuộc khởi nghĩa, số nghĩa binh này không tìm được phương tiện vượt đảo, nên vào rừng... Nửa tháng sau, chúa đảo Felix Roussel tổ chức càn quét, khủng bố trên đảo. Cuộc săn lùng thảm sát kéo dài 13 ngày (từ 13 đến 25-7-1862), có hơn 100 người chết và 20 người bị bắt. Chúng buộc 20 tù nhân này đào một hố to vùi lấp xác chết trên đồi cát, sau đó cho chôn sống cả 20 người ấy.

Từ tháng 6-1863, là người "kế vị", chúa đảo Bizot cho xây dựng lại nhà tù. Tù nhân bị lao động khổ sai ở các sở tù khắp nơi quanh đảo, phục vụ việc tái lập nơi giam giữ mới. Còn gì đau đớn hơn khi người tù phải vắt kiệt sức, đổ nhiều máu xương, có khi mất cả mạng - để xây nên ngục tù giam giữ chính thân mình! Phong trào đấu tranh của người tù tiếp tục diễn ra. Địch tiếp tục đàn áp khốc liệt, đẫm máu hơn. Và người tù vẫn phải lao động khổ sai, tham gia vào tất cả công việc mở rộng, kiên cố hóa nhà tù, khu công sở, và các công trình...

Đó là Banh (trại giam) I, hình thành từ 1862, được xây kiên cố từ 1889 đến sau 7 năm thì hoàn thành. Kế Banh I là Banh II (xây năm 1916). Cả 2 Banh này nằm tại trung tâm thị trấn. Năm 1925, Banh III tiếp tục được xây dựng, cách 2 Banh trước non cây số. Do số tù nhân ngày một tăng, Pháp lại cho xây dựng Banh III phụ vào năm 1930. Mười năm sau, chúng lại cho xây khu biệt lập, được mệnh danh Chuồng cọp Pháp - nằm trong khu vực Banh III và Banh III phụ. Với tổng diện tích mặt bằng gần 5.500m2, Chuồng cọp Pháp gồm 120 phòng giam, 60 phòng tắm nắng - chia đều thành 2 khu. Phía trên 120 phòng giam là giàn song sắt kiên cố, riêng 60 phòng tắm nắng thì không có mái che. Gọi là phòng "tắm nắng", thực chất đó là nơi hành hạ, phơi nắng tù nhân...

Ngoài ra, còn nhiều trại giam phụ rải rác ở các sở tù để giam giữ những người tù khổ sai đang hành dịch, như: Sở Muối, Sở Lưới, Sở Rẫy, Sở Chuồng bò, v.v... Riêng ở Sở Chuồng bò, ngoài các phòng giam còn có Hầm phân bò (xây dựng năm 1930), sâu 3m, chứa phân và nước dội chuồng bò, dùng để tra tấn người tù.

Không thể không kể đến Cầu tàu 914 phía trước "dinh" chúa đảo (tọa lạc trên con đường chính hiện mang tên Tôn Đức Thắng, được xây dựng lại, đẹp nhất đảo). Cầu tàu này khởi công xây dựng năm 1873, toàn bằng đá hộc to, nặng được khai thác, vận chuyển về từ núi Chúa. Cầu tàu dài hơn 100m, hình thành bởi máu xương, sinh mạng của 914 tù nhân - do lao động quá nặng nhọc trong điều kiện bị hối thúc, đánh đập tàn nhẫn. Chính con đường ven biển dài khoảng 2km chạy qua trước dinh chúa đảo cũng do tù nhân làm, kéo dài nhiều năm liền - vẫn bằng đá chuyển về từ núi Chúa, trong điều kiện lao động vô cùng khó nhọc, hiểm nguy!

Và, Cầu Ma Thiên Lãnh, xây dựng năm 1930 - chỉ là 2 mố cầu mới được xây dựng xong, đã có hơn 350 người chết do lao động khổ sai trong địa thế cheo leo, hiểm trở, lại đói, khát, bị cây đổ, đá đè, cùng với dư thừa đòn roi của bọn cai tù! Từ khi Cách mạng Tháng Tám thành công, công trình này bỏ dở...

Tất cả, tất cả cơ ngơi của Nhà tù Côn Đảo đều thấm đẫm máu xương của bao thế hệ người tù!

Sáng sớm ở Cầu tàu 914.

THÂN Ở TRONG LAO...

113 năm Nhà tù Côn Đảo cũng chính là chiều dài lịch sử đấu tranh của những sĩ phu yêu nước và chiến sĩ cách mạng Việt Nam. Trong đó, giai đoạn trước năm 1930, bên cạnh phong trào đấu tranh bằng bạo lực, còn phong trào đấu tranh có vẻ hòa bình hơn - thông qua các hình thức sinh hoạt của "Thi đàn Côn Đảo". Theo tư liệu lịch sử, phong trào này đã góp phần tôi luyện, bồi dưỡng chí khí, hoài bão của những người tù tâm huyết, đồng thời tạo được mối đồng cảm, gắn kết giữa các chí sĩ yêu nước và các nhà cách mạng...

Ngoài phong trào sinh hoạt thơ văn nói chung, các chí sĩ yêu nước còn có những buổi sinh hoạt đánh giá lại quá trình hoạt động, phác thảo kế hoạch tương lai... Dẫn đến kết quả, nhiều người tự hoàn thiện mình, củng cố quyết tâm dấn sâu hơn vào con đường cứu nước...

Bài thơ "Ðập đá Côn Lôn" của cụ Phan Châu Trinh đã ra đời trong bối cảnh ấy - khi cụ bị giặc Pháp đày ải, lao động khổ sai ở khu đập đá Banh I năm 1908:

Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn
Lừng lẫy làm cho lở núi non
Xách búa đánh tan năm bảy đống
Ra tay đập vỡ mấy trăm hòn
Tháng ngày bao quản thân sành sỏi
Mưa nắng càng bền dạ sắt son
Những kẻ vá trời khi lỡ bước
Gian nan chi kể chuyện con con.

Ngoài ra, cụ Phan còn có bài thơ chữ Hán "Khẩu chiếm đi đày Côn Lôn" mà cụ Huỳnh Thúc Kháng đã dịch như sau:

Xiềng gông cà kệ biệt đô môn,
Khẳng khái ngâm nga lưỡi vẫn còn
Ðất nước đắm chìm nòi giống mỏn
Thân trai nào sợ cái Côn Lôn.

Cụ Huỳnh Thúc Kháng là chí sĩ - học giả người Quảng Nam. Năm 1900 ông thi đỗ Giải Nguyên; 4 năm sau đỗ Hoàng Giáp (khi 28 tuổi). Ông không ra làm quan, là bạn thâm giao với các cụ Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu. Trong 13 năm đi đày ở Côn Đảo (1908-1921), ông đã sáng tác những vần thơ bày giãi nỗi niềm:

Non nước một vùng trông đẹp mắt
Bệnh sầu trăm mối chất thành vền

và khẳng định sắt son lòng yêu nước:

Cuộc thế, cờ luôn xoay nước mới
Lều non, tre vẫn giữ màu tươi

(Trích "Làm xâu ở Cỏ Ống", bài 3)

Theo Nguyễn Thanh Vân, người sưu tầm, chú thích 100 bài thơ của những người tù Côn Đảo và gom in chung vào tập 1 "Thơ từ ngục tù Côn Đảo" (do Ban Quản lý Di tích lịch sử Côn Đảo thực hiện) thì, không chỉ làm thơ, cụ Huỳnh còn chép gom thi và chuyện của một ít bạn chính trị phạm trong thời gian cụ bị đày ra Côn Đảo thành tập "Thi tù tùng thoại". Nguyên văn tập thơ này viết bằng chữ Hán, về sau được dịch ra chữ quốc ngữ.

Hay như ông Lã Xuân Oai (sinh năm 1838), quê Nam Định, đỗ cử nhân năm 1864, sang năm sau thì đỗ phó bảng. Là tuần phủ Lạng Sơn, khi Pháp xâm lăng nước ta, thành thất thủ, ông chạy sang Trung Quốc, sau trở về tích cực hoạt động cứu nước. Những năm 1885-1888, ông thường xuyên liên lạc với nhóm nghĩa quân Nguyễn Thiện Thuật tiến đánh giặc Pháp nhiều nơi. Đầu năm 1889, ông bị giặc bắt và kết án đày Côn Đảo. Rồi ông mất tại đây vào tháng 10-1890.

Một trong các kỷ vật của ông để lại cho gia đình và hậu thế là tập thơ "Côn Ðảo thi tập". Trong đó có bài "Tức cảnh ở giữa biển", in trong "Thơ từ ngục tù Côn Ðảo" tập 1:

Mượn sức con tàu chạy
Giúp ta vượt biển xanh
Ðứng, đi chân vướng nặng
Sóng gió lòng không kinh

Nhà tiên tặng quả quý
Nước ngoài dâng ngọc quỳnh
Ngày mai tới CÔN ÐẢO
Khắp chốn gió xuân xinh

1889
Lã Xuân Oai

Tác giả Nguyễn Thanh Vân cho biết, ""Côn Ðảo thi tập" là một tập thơ nhật ký đi đày và bị đày ở Côn Đảo của Lã Xuân Oai. Từ cửa biển Hải Phòng ra đi; ghé lại Quảng Nam; bị thẩm vấn ở Gia Định; ung dung trên tàu giữa sóng gió; chịu muôn nỗi cực khổ với tinh thần lạc quan, thanh thản ở đảo. Ngoài 70 bài thơ Đường luật chữ Hán, "Côn Ðảo thi tập" còn có 5 bài thơ Nôm và 2 bài phú Nôm. Qua những cảnh vật, những tình huống được phản ánh, tập thơ là cả tấm lòng của tác giả đối với quê hương và những người thân thích yêu thương... với khí phách kiên cường, tâm hồn lạc quan, trong sáng... "Côn Ðảo thi tập" may nhờ có một tù nhân trân trọng giữ gìn để trao lại cho hậu thế".

Bài, ảnh: NHƯ BĂNG

Bài 2: VẦNG DƯƠNG TRONG NGỤC THẤT!

Chia sẻ bài viết