|
Ông Nguyễn Văn Kha (ở phường Trà An, quận Bình Thủy) và những kỷ vật về Chiến dịch Điện Biên Phủ. |
Tháng 11-1953, Bộ Chỉ huy quân viễn chinh Pháp đã cho quân nhảy dù chiếm Điện Biên Phủ và xây dựng nơi đây thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được bố trí thành 3 phân khu với 49 cứ điểm, tập trung 16.200 quân tinh nhuệ nhất của Pháp ở Đông Dương. Cùng với hệ thống hỏa lực mặt đất khá mạnh, Tướng Nava, Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương, xem Điện Biên Phủ như “một pháo đài không thể công phá”, là nơi thu hút để tiêu diệt bộ đội chủ lực của ta. Trước tình hình đó, ngày 6-12-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng họp, quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ và thông qua phương án tác chiến, thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh...
Bài 1: Tất cả cho chiến dịch toàn thắng
Theo thống kê của Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Bộ Tổng tư lệnh đã huy động gần 300.000 bộ đội chủ lực, dân công, thanh niên xung phong
tham gia chiến dịch. 60 năm trôi qua, những chàng trai, cô gái tuổi mười tám - đôi mươi năm nào nay đã bước qua tuổi 80, nhưng hồi ức về Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn nguyên vẹn, sống động như ngày nào
Dốc toàn lực cho chiến dịch
Cuối năm 1953, ông Lê Duy Mạc (ở khu vực 6, phường Trà Nóc, quận Bình Thủy) tham gia thanh niên xung phong ở đội 34, Đại đội 264. Từ Thanh Hóa, đơn vị ông Mạc hành quân hơn một tháng trời mới tới được ngã ba Cò Nòi (Sơn La) - một trong những trọng điểm bị địch đánh phá ác liệt thời điểm này. “Lần đầu tiên tôi đi xa và trải qua muôn vàn khó khăn, gian khổ. Đường đi toàn đèo dốc, ăn uống rất kham khổ nhưng thế hệ thanh niên thời đó đi Chiến dịch Điện Biên Phủ hăng hái lắm. Mỗi ngày, đại đội của tôi đi khoảng 30 cây số đường đồi núi
” - ông Mạc bồi hồi nhớ lại. Ánh mắt, giọng nói của ông khiến cho người nghe cảm nhận: Với ông, Điện Biên là mảng hồi ức thiêng liêng với nhiều câu chuyện khó thể nào quên. Như chuyện đơn vị ông sau một ngày hành quân vất vả, đêm dừng lại mắc mùng nghỉ tại một cánh rừng thì có 2 đồng chí bị cọp vồ ăn thịt, hay chuyện mọi người chia nhau từng ngụm nước hiếm hoi vì muốn có nước uống, phải lội mất cả ngày lên đến đỉnh đèo Pha Đin hiểm trở để lấy nước mang về...
Theo lời ông Mạc, thời kháng chiến chống Pháp, thanh niên xung phong toàn là nam nên được phân công các nhiệm vụ, như: dẫn đường cho dân công, bảo vệ kho tàng, ngụy trang nơi đóng quân
Ông Mạc được giao nhiệm vụ canh gác, đảm bảo việc cung cấp lương thực, thực phẩm vào chiến trường không bị gián đoạn. Ông kể: “Lúc đó, giặc Pháp oanh tạc bằng máy bay dữ lắm, nhiều hôm phải thức trắng đêm bảo vệ kho tàng, không để bị phá hủy. Công việc của tôi vẫn không cực nhọc bằng lực lượng dân công. Bố và cô tôi đều tham gia dân công. Bố tôi chở gạo bằng cái xe đạp thồ, mang gạo nhiều đến nỗi kết thúc chiến dịch, ông được đơn vị tặng luôn cả cái xe
”.
|
Đại tá Võ Tá Thông (thứ ba từ trái sang) và đồng đội trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. |
Trong cuộc trò chuyện với tôi, ông Mạc nói rất ít về mình mà cứ say sưa kể về lực lượng dân công - những người đi phía sau nhưng đã góp phần rất lớn trong thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Những người đã viết nên huyền thoại bằng đôi dép lốp cao su, chiếc xe đạp chở 200-300 kg gạo... Trên 261.500 dân công từ người Kinh đến đồng bào các dân tộc Thái, Mường
đã chung tay, kề vai đưa hàng hóa lấp đầy những kho tàng để đảm bảo vật chất, lương thực cho chiến dịch. Nhiều người trong số đó đã nằm lại trên cánh rừng - cạnh kho tàng ông Mạc đứng gác- vì sốt rét, vì bị thú dữ tấn công
Ông Mạc xúc động: “Dân công thì đi vận chuyển hàng ngày đêm. Cơm nước chỉ dám nấu ban đêm vì máy bay địch quần quá. Tôi đã chứng kiến nhiều nữ dân công tranh thủ lúc nghỉ ngơi vào rừng kiếm củi rồi giẫm phải bom bi, thương tích đầy mình. Thương lắm!”.
Bước sang giai đoạn 2 của Chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ đội ta bị thương nhiều nên gần 40 cán bộ, bác sĩ, sinh viên Trường Quân y sĩ Việt Nam đóng ở Thái Nguyên được điều động vào chiến trường để thành lập Đội Phẫu thuật tiền phương, đóng cách mặt trận chính khoảng 8 km. Đại tá Võ Tá Thông, nguyên Giám đốc Bệnh viện Quân y 121 (Quân khu 9), lên đường sang Điện Biên cùng với các thầy, như: Giáo sư (GS) Tôn Thất Tùng, GS Đỗ Xuân Hợp... Đại tá Võ Tá Thông nhớ lại: “Nói là bệnh viện dã chiến chứ thật ra chẳng có gì vì lúc đó quá thiếu thốn dụng cụ y tế, thuốc men. Nơi phẫu thuật của chúng tôi được che chắn bằng lá cọ, thuốc gây mê thì sử dụng Ête, kháng sinh vẫn còn dùng loại viên. Đội phẫu thuật có khoảng 100 người gồm bác sĩ, y sĩ, y tá, cứu thương nhưng vẫn làm việc không xuể
”. Nhắc chuyện xưa, ông cứ bùi ngùi thương những người lính Điện Biên. Ông không sao quên cảnh hàng trăm bộ đội bị thương sọ não, bụng, lồng ngực, gãy xương đùi, cột sống
đều tập trung ở bệnh viện dã chiến này, trước khi đưa về hậu phương cách đó gần 30 km. Thương binh đông nhưng không có giường nên y bác sĩ phải để các anh nằm trên cán, sạp rồi đặt trong các hốc núi, khe đá. Do thiếu thuốc men, cộng với điều kiện vệ sinh ở vùng rừng núi quá kém nên việc cứu chữa cho thương binh rất khó khăn. Thời điểm ác liệt nhất của chiến dịch, Đội Phẫu thuật tiền phương tiếp nhận trên 100 ca thương binh/ngày từ tiền tuyến chuyển về. Thương binh cũ, thương binh mới nằm chen chúc trong những khu rừng.
Trong hoàn cảnh khó khăn ấy, các y bác sĩ đã đóng góp nhiều sáng kiến hay. Chẳng hạn như trước tình trạng vết thương của nhiều thương binh xuất hiện dòi, đơn vị dùng thuốc Quinacrine pha với nước rồi thấm bông gòn để rửa vết thương, kết quả rất hiệu nghiệm. Sau nhiều lần phẫu thuật cho bộ đội bị thương nặng ở đầu, GS Tôn Thất Tùng, Chỉ huy Đội Phẫu thuật tiền phương, đã nghĩ ra sáng kiến dùng đèn cầy đốt một cây que thạch anh rồi chấm vào vết thương để cầm máu. Đại tá Võ Tá Thông cho biết: “Chúng tôi đều được quán triệt rằng chăm sóc thương binh là một nhiệm vụ quan trọng, đóng góp thắng lợi cho chiến dịch nên rất cố gắng sáng tạo, suy nghĩ ra cách chăm sóc, cứu chữa tốt nhất”.
Đảm bảo bí mật, bất ngờ
Ông Nguyễn Văn Kha (ở phường Trà An, quận Bình Thủy) là một trong số ít người từng tham gia chiến đấu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ hiện còn sống tại thành phố Cần Thơ. Ông Kha đi bộ đội năm 1950, làm liên lạc tại Cục Quân giới đến năm 1952 thì được đơn vị cử đi học ở Trường Sĩ quan Lục quân 1 (đóng ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc). “Tôi đang học chính trị ở trường thì có lệnh sang Quảng Tây học ngành pháo cao xạ với gần 20 đồng chí nữa. Sau một năm học tập, chúng tôi được đưa về Việt Nam trên chiếc xe kín bít bùng. Đi tới đèo Pha Đin mới biết mình đã về Việt Nam” - ông Kha kể. Tháng 11-1953, đơn vị của ông Kha (Tiểu đoàn 394, Trung đoàn 367) được lệnh tham gia cho Chiến dịch Trần Đình (mật danh của Chiến dịch Điện Biên Phủ), kéo pháo vào trận địa. Ông Kha cho biết: “Kéo khẩu pháo nặng tới 2,4 tấn đi trên đường dốc cao nhưng chỉ có 7 pháo thủ, 1 khẩu đội trưởng và 200 bộ binh thôi”. Trong quá trình gian nan ấy, đôi tay cán bộ, chiến sĩ kéo pháo đều chai sần. Có người đã hy sinh khi dây tời kéo pháo đứt, như trường hợp của Anh hùng Tô Vĩnh Diện - người bạn học chung trường cùng ông Kha.
Sau một thời gian dài chuẩn bị, các đại đoàn của ta đã ở vị trí tập kết, sẵn sàng nổ súng. Tuy nhiên, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã quyết định đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” trước sự tăng cường hệ thống phòng ngự của địch. Vì vậy, pháo vừa kéo vào trận địa thì được lệnh của Bộ Chỉ huy chiến dịch kéo ra, chờ lệnh. Ông Kha kể tiếp: “Có một hôm, đồng chí tiểu đoàn trưởng đến và hô “tất cả báo động, pháo thủ trở về vị trí”. Tôi cứ tưởng sắp được chiến đấu bèn nhảy lên bệ pháo rồi quay nòng pháo, báo cáo chuẩn bị xong. Bất ngờ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến”. Sau khi thăm hỏi tình hình sức khỏe cán bộ, chiến sĩ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp căn dặn: “Các đồng chí vừa học ở bên kia về nên tuyệt đối giữ bí mật. Dù phải ở đây bao lâu, dù có bị địch đánh một hai quả pháo cũng không để lộ trận địa. Cứ để mặc chúng, ta phải đảm bảo yếu tố bí mật, bất ngờ. Chúc các đồng chí khỏe!”.
Chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn vào ngày 13-3 nhưng 4 khẩu đội pháo cao xạ 37mm của đơn vị ông Kha vẫn nằm ở bìa rừng vì chưa được lệnh tấn công. Hôm các lực lượng của ta đánh đồi Độc Lập, các đơn vị pháo cao xạ được lệnh tiếp cận trận địa đánh địch với sự hỗ trợ của lực lượng dân công. Biết ta có pháo cao xạ, địch cho pháo kích và máy bay ném bom nhằm hủy diệt trận địa pháo này. Cả khẩu đội của ông Kha hy sinh chỉ còn mình ông sống sót nhưng thương tích đầy người.
Đêm 1-5, quân ta bước vào đợt tổng công kích tiêu diệt toàn bộ địch ở Điện Biên Phủ. Pháo binh của ta với số lượng khoảng 261 khẩu pháo các loại, cối các loại đã chi viện cho bộ binh đánh các cứ điểm: C1, C2, A1, A2, 505, 506
Lúc này, đơn vị của ông Kha tiến vào đầu sân bay Mường Thanh để bắn khống chế máy bay của địch tiếp viện. Tại đồi A1, dưới sự hỗ trợ của pháo binh, quân ta ào ạt xông lên tiêu diệt các lô cốt và dùng 1 tấn thuốc nổ phá các hầm ngầm sau nhiều ngày chiến đấu ác liệt, buộc chỉ huy và 400 tên địch phải xin đầu hàng. 17 giờ 30 phút ngày 7-5-1954, ta chiếm sở chỉ huy của địch, bắt sống Tướng Đờ Cát cùng toàn bộ Bộ Tham mưu và binh lính Pháp tại Điện Biên Phủ. Lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” của Quân đội ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch
Sau 56 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên, bắn rơi 62 máy bay, thu 64 ô tô và toàn bộ vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng của địch. Ông Nguyễn Văn Kha chia sẻ: “Có thể nói, pháo cao xạ 37mm, pháo 105mm
đã góp phần quyết định thắng lợi của Điện Biên Phủ vì sự bất ngờ như lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp căn dặn chúng tôi trước ngày mở màn chiến dịch. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm sụp đổ mọi cố gắng của Pháp trong chiến tranh ở Việt Nam
”.
Bài, ảnh: PHẠM TRUNG
Bài 2: QUÂN DÂN TÂY NAM BỘ “CHIA LỬA” VỚI ĐIỆN BIÊN PHỦ