Văn Thánh Miếu Vĩnh Long được Bộ Văn hóa công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia theo Quyết định số 0557/QÐ ngày 25-3-1991. Hiện di tích tọa lạc tại đường Trần Phú, phường 4, thị xã Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.
Văn Xương Các.
Văn Thánh Miếu Vĩnh Long được xây dựng muộn, so với Văn miếu Trấn Biên (Biên Hòa - Đồng Nai, được xây dựng năm 1715) và Văn miếu Gia Định (1825). Đây còn là công trình được xây dựng trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt.
Nguyên là vào năm Tự Đức thứ 14 (1862), ba tỉnh miền Đông Nam kỳ lần lượt vào tay thực dân Pháp. Lúc bấy giờ tỉnh Vĩnh Long cũng lọt vào tay giặc nhưng theo Hòa ước Nhâm Tuất (1862) thì Pháp phải trả tỉnh lại cho triều đình Huế. Do đó, sĩ phu ở các tỉnh Biên Hòa, Gia Định và Định Tường đã rầm rộ “tỵ địa” về Vĩnh Long. Quan Đốc học Vĩnh Long là Nguyễn Thông đã chọn nơi rộng rãi gần tỉnh thành Vĩnh Long để tập hợp họ lại, tổ chức ôn tập chờ ngày thi. Mặc dù đang sống trong cảnh dầu sôi lửa bỏng nhưng giới sĩ phu thời bấy giờ đã gấp rút xây dựng Văn Thánh Miếu bên cạnh nơi họ ôn tập. Tuy danh nghĩa là đề cao Nho giáo nhưng thực chất là xây dựng một điểm hoạt động văn hóa đề cao các bậc tiền hiền và giáo dục lòng yêu nước. Công trình này khởi công từ mùa đông năm Giáp Tý (1864) và hoàn thành vào mùa thu năm Bính Dần (1866).
|
Gian thờ cụ Võ Trường Toản ở Văn Xương Các. |
Sau khi hoàn thành, giới quan lại sĩ phu đã thành lập Hội Văn Thánh Miếu để trông nom việc cúng tế. Hội cũng tạo được ruộng đất hương hỏa và xin cấp miếu phu quét dọn hằng ngày. Thế nhưng chỉ có mấy tháng sau thì quân viễn chinh Pháp lại đem chiến thuyền uy hiếp và chiếm thành Vĩnh Long lần thứ hai. Sau đó, Pháp lấy cớ thiếu gỗ xây dựng Dinh tham biện, nên định phá Văn Thánh Miếu. Lúc đó, ông Bá hộ Trương Ngọc Lang được đồng bào đề cử đứng ra “tranh thủ” với quân viễn chinh giữ lại công trình. Từ đó đến nay, Văn Thánh Miếu Vĩnh Long được trùng tu, tôn tạo các công trình phụ vào các năm 1872, 1903, 1914, 1933, 1963 và gần đây nhất là năm 1994(1).
Mặc dù trải qua những thăng trầm của lịch sử, biến đổi của thời gian nhưng đến nay Văn Thánh Miếu Vĩnh Long vẫn bảo tồn giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc, mà tiêu biểu là tinh thần hiếu học, đề cao sự học của người dân Nam bộ. Nội dung tấm bia dựng ngay giữa thần đạo, phía trước chính điện đã thể hiện rõ điều này:
“Lớn thay đạo đức Khổng Phu Tử. Vì trời đất lập ra “Tâm”. Vì sanh dân lập ra “Mạng”. Vì thánh trước nối sự học đã dứt. Vì muôn đời mở ra cuộc thái bình cho nên các đời vua thờ phụng cúng tế không bao giờ bỏ hẳn.
Hoàng triều ta kính thầy trọng đạo. Xét theo thời xưa bày ra cách dạy. Ban đầu ở kinh đô có lập ra một tòa đền gọi là “Đại Thành Điện” thể chế rất tôn nghiêm. Vài năm trở lại đây, kính trọng đạo học nuôi dạy nhơn tài chẳng ít.
Xứ Nam kỳ lục tỉnh, địa thế xa cách gần ba ngàn dặm và lại mở mang sau hết. Đức Hiển tôn Hoàng đế ta trị vì năm Ất Vị thứ 25, quan trấn thủ doanh Trấn Biên Nguyễn Phan Long, quan Ký lục Phạm Khánh Đức mới lập ngay ở phủ Phước Long một tòa miếu vũ, thờ đức Tiên sư Khổng Tử, rồi từ đó mỗi khi gặp tiết xuân thu hai lần cúng tế thì ở thành Gia Định có phái bên văn một quan lớn đi với quan Đốc học và các thân sĩ đến đó hành lễ.
Qua triều Minh Mạng năm thứ 6 (1826) mới lại cất riêng thêm một tòa Văn miếu nữa, ở về huyện Bình Dương mà các trấn lúc bấy giờ chưa có. Song mỗi lần đến kỳ thi khóa, học trò ở các trấn tề tựu về đó như mấy nhóm, áo khăn chỉnh chiện, tụng đọc nghê nga, và như có gặp nhằm lễ “Thích điện” các trò cũng đều được đến dự. Đường cả non cao, có chỗ tới lui chiêm ngưỡng. Kịp đến sau Lục tỉnh sửa đổi tên lại, thì bổn tỉnh Vĩnh Long mới chọn được một sở đất ở tại làng Tân Sơn để cất miếu thờ. (...) Lại ở ngoài tường, bên tả gần sông, có dựng một cái thơ lâu, để làm nơi chứa sách, cho tiện lúc hội hiệp đọc sách làm văn.
Ôi! Hai chái ngồi hầu, muôn đời tôn chuộng, xem trông bắt chước, có chỗ sẵn sàng. Mà sự dạy dỗ của thánh nhơn bắt đầu nên cho mình, rồi sau mới nên cho vật. Còn sự học hành của chúng ta, thì gốc ở nơi mình mà phải ra sức làm cho nên việc. Lại có kẻ văn chương thật rõ rệt mà chẳng quan tâm đến sự dạy dỗ cho đời, tuy có giỏi, cũng không ích”(2).
Mặt trước Văn Thánh Miếu Vĩnh Long hướng ra sông Long Hồ, lối vào là cổng tam quan xây theo lối cổ lâu có ba tầng mái. Qua cổng là thần đạo hướng thẳng chính điện với hàng cây sao cổ thụ. Trước chính điện, giữa thần đạo có tấm bia do cụ Phan Thanh Giản chấp bút. Tổng cộng trong văn miếu có ba tấm bia mang giá trị ghi dấu các thời kỳ lịch sử gắn với Văn Miếu. Ngoài bia Phan Thanh Giản còn có bia ghi việc trùng tu miếu năm 1903, bia ghi công bà Trương Thị Loan (con gái ông Trương Ngọc Lang) đã có công hiến đất làm hoa lợi hương hỏa. Trong miếu có nhiều cặp liễn đối và hoành phi mang giá trị lịch sử văn hóa và cho thấy lòng hiếu học của dân chúng Nam kỳ. Chính điện làm theo kiểu trùng thiềm điệp ốc. Trước sân chính điện có hai ngôi miếu gọi là Tả Vu và Hữu Vu. Trong khuôn viên Văn Miếu có hai cái hồ trồng sen có tên là Nhật Tinh và Nguyệt Anh nhưng qua thời gian nay đã cạn. Phía bên phải hướng từ cổng vào có dựng một “Tân Đình” (1869) để thờ cụ Phan Thanh Giản. Năm 1872, ông Trương Ngọc Lang dựng bia đặt tên là Tụy Văn Lâu (lầu nhóm họp giới văn nhân tài tử), sau đổi tên là Văn Xương Các (Gác Văn Xương).
Văn Xương Các kiến trúc theo kiểu trùng thiềm điệp ốc. Phía trên gác là nơi chứa sách và thờ Văn Xương Đế Quân (vị tinh quân chủ quản việc học hành thi cử). Tầng dưới Văn Xương Các là nơi dành cho trí thức ngồi đàm đạo và là nơi đặt khánh thờ những trí thức có tầm ảnh hưởng đối với sĩ phu Nam kỳ. Phía ngoài trước sân có đặt hai khẩu súng thần công đã gỉ sét vì sự bào mòn của thời gian, ghi dấu một thời tranh đấu của nhân dân ta(3).
Trong Văn Thánh Miếu có rất nhiều hoành phi, câu đối do các nhà hảo tâm ở khắp nơi hiến cúng. Trong đó có câu đối của Thượng thư Cao Xuân Dục cúng năm 1913 khi ông đến Vĩnh Long:
“Xuân thu hà đẳng càn khôn, đạo tại Ngũ Kinh song nhật nguyệt.
Thù Tứ biệt thành vũ trụ, đồ qua Lục Tỉnh nhất cung tường”.
Nghĩa:
“Đời Xuân Thu trời đất bậc nào, đạo ở năm kinh đôi nhật nguyệt.
Sông Thù, Tứ, cõi bờ riêng đó, đường qua sáu tỉnh một cung tường”.
Hằng năm, tại Văn Thánh Miếu Vĩnh Long ngày lễ lớn là Tế Khổng Tử vào ngày Xuân Đinh và Thu Đinh. Tại Văn Xương Các, mỗi năm có hai lễ cúng tế: Lễ giỗ cụ Phan Thanh Giản vào ngày 4 và 5 tháng 7 âm lịch và Lễ truy điệu chung các quan quân cựu trào có công và bỏ mình vì tổ quốc vào ngày 12 và 13 tháng 10 âm lịch(4).
Như vậy, Văn Thánh Miếu Vĩnh Long trên danh nghĩa là đề cao Nho giáo nhưng thực chất đây là nơi sinh hoạt của những sĩ phu yêu nước, nhằm đề cao học phong nước nhà. Việc di dời mộ cụ Võ Trường Toản khỏi vùng đất của kẻ thù chiếm đóng đã chứng minh cho điều này. Tháng 3 âm lịch năm Đinh Mão (1867), nho sĩ Lục tỉnh chủ trương dời hài cốt của cụ Võ Trường Toản, người thầy chung của trí thức Nam kỳ, từ Bình Dương (Gia Định) về cải táng tại thôn Bảo Thạnh (huyện Bảo An, Vĩnh Long - nay thuộc Bến Tre). Việc dời mộ cụ Võ Trường Toản ngoài mục đích không để Thầy nằm trên đất giặc chiếm mà còn có ý nghĩa “Trùng minh chính học, tục trụy tự” (Làm sáng chính học, nối mối đứt) như cụ Nguyễn Thông bài tỏ và việc xây Văn Thánh Miếu Vĩnh Long là nằm trong chủ trương ấy(5).
Văn Thánh Miếu Vĩnh Long được xây dựng còn nhằm đề cao sự học, bởi vì chỉ có sự học mới lâu dài, giúp cho xã hội ổn định như mở đầu bài văn bia đã nói: “Trời giúp dân ở hạ giới nên khiến cho kẻ lên làm vua để cai trị, có kẻ ra làm thầy để dạy dỗ. Lòng trời biết thương yêu dân, ban ân huệ cho dân, thật là châu đáo. Duy sự cai trị thì chỉ thấy ở lúc bấy giờ, mà sự dạy dỗ thì lưu truyền đến muôn đời”(6).
--------------------
(1) Ban Tuyên giáo tỉnh Vĩnh Long (2003), Tìm hiểu văn hóa Vĩnh Long (1732-2000), Nxb Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, tr.240-241.
(2) Dẫn theo Phan Thị Minh Lễ - Chương Thâu (Biên soạn) (2005), Thơ văn Phan Thanh Giản, Nxb Hội Nhà văn, tr.880-882.
(3) Nguyễn Đông Triều - Phan Mạnh Hùng (2016), Tìm trong di sản văn hóa phương Nam, Nxb Văn hóa - văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, tr.15-17.
(4) Ban Tuyên giáo tỉnh Vĩnh Long, Sđd, tr.243
(5) Nguyễn Đông Triều - Phan Mạnh Hùng, Sđd, tr.19
(6) Phan Thị Minh Lễ - Chương Thâu, Sđd, tr.880.
HUỲNH HÀ