26/12/2007 - 21:35

Thực hiện cải cách hành chính trên địa bàn TP Cần Thơ năm 2007

Vẫn nhiêu khê thủ tục về thuế, đất đai, kỷ cương hành chính

Thành ủy, UBND thành phố chọn năm 2007 là năm đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thu hút đầu tư với phương châm hướng đến sự hài lòng cao nhất của người dân và doanh nghiệp. Nhiều giải pháp đã được UBND thành phố đề ra, nhằm thực hiện nhanh, mạnh, hiệu quả công tác cải cách hành chính. Tuy nhiên, trong thực tế, người dân và doanh nghiệp vẫn chưa hài lòng…

Hộ khẩu: “thân thiện” với dân hơn

Những năm gần đây, việc cấp hộ khẩu luôn được xem là vấn đề “nóng” của người dân trên địa bàn thành phố, nhất là người dân vùng quy hoạch và ở hai Nông trường Sông Hậu, Cờ Đỏ. Theo Thượng tá Nguyễn Công Hảo, Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính – Trật tự xã hội Công an TP Cần Thơ, nguyên nhân chậm trễ trong cấp hộ khẩu cho người dân do thủ tục vướng mắc, chưa nhất quán và chịu ảnh hưởng của việc thực hiện quy hoạch xây dựng của thành phố.

Đến năm 2007, tình hình này đã được UBND thành phố, Công an TP Cần Thơ chỉ đạo giải quyết rốt ráo. UBND thành phố đã có nhiều cuộc họp với các sở, ngành liên quan tìm biện pháp tháo gỡ. Công an TP Cần Thơ đã chỉ đạo công an các quận, huyện rà soát, xem xét cụ thể từng trường hợp để giải quyết hộ khẩu theo đúng quy định Luật Cư trú. Theo đó, đối với những khu quy hoạch chưa có quyết định triển khai thực hiện, sẽ giải quyết đăng ký hộ khẩu; những quy hoạch có quyết định thu hồi đất đang triển khai sẽ hướng dẫn cho người dân đăng ký tạm trú. Riêng đối với quy hoạch đã có quyết định thu hồi đất nhưng chậm triển khai thực hiện, ngành công an sẽ đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét quyết định, đảm bảo nhu cầu hộ khẩu của người dân trên địa bàn. Chủ trương này thực sự là “chiếc chìa khóa” mở rộng cánh cửa hộ khẩu cho người dân, nhất là người dân vùng quy hoạch. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, ngành công an thành phố đã tiếp nhận, giải quyết hơn 30.000 hồ sơ đăng ký hộ khẩu, trong đó có hơn 5.000 sổ hộ khẩu được cấp, nhiều nhất là quận Ninh Kiều và huyện Vĩnh Thạnh. Trong số này, có khoảng 500 sổ hộ khẩu đã được cấp cho người dân trong vùng quy hoạch, dự án tại Cồn Khương, đường Nguyễn Văn Cừ nối dài, dự án xây dựng Trường Đại học Y Dược TP Cần Thơ... mà trước chưa giải quyết. Ông Nguyễn Văn Tùng, ở phường An Khánh, nói: “Nhà tôi nằm trong dự án Khu dân cư của Liên minh Hợp tác xã TP Hồ Chí Minh. Nhiều năm trước, tôi đã tới lui xin cấp hộ khẩu nhưng không được giải quyết. Đến tháng 9-2007, công an khu vực đến tận nhà hướng dẫn lập thủ tục. Sau 7 ngày nộp hồ sơ, tôi đã được cấp sổ hộ khẩu. Có sổ hộ khẩu, gia đình được vào đồng hồ điện, nước, đăng ký chứng minh nhân dân... tháo gỡ một phần khó khăn trong cuộc sống thường nhật”.

Thủ tục đất đai, thuế: Lòng vòng, nhiều “cửa”:

Người dân chờ giải quyết hồ sơ hộ khẩu tại Đội hộ khẩu (Công an quận Ninh Kiều).  

Theo kết quả khảo sát của Chương trình Hỗ trợ khu vực Tư nhân Việt Nam tại TP Cần Thơ, hiện nay, khi giải quyết thủ tục đất đai, doanh nghiệp thành phố Cần Thơ vẫn phải qua nhiều “cửa”, kéo dài thời gian chờ đợi, tốn kém chi phí. Cụ thể: Để hoàn tất thủ tục đất đai, doanh nghiệp phải qua các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tài chính để giới thiệu địa điểm đất đai, xác định quy hoạch, thực hiện các thủ tục giao đất, thu hồi đất... Bình quân thời gian hoàn tất thủ tục đất đai đối với mỗi dự án mất từ 10 đến 16 tháng.

Tại nhiều lần hội thảo về đơn giản hóa thủ tục đất đai do Chương trình Hỗ trợ khu vực Tư nhân Việt Nam tại TP Cần Thơ tổ chức, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường – cơ quan có trách nhiệm trong thực hiện giao đất cho doanh nghiệp vẫn không đưa ra được thời gian chính xác trả kết quả giao đất gắn liền với giải phóng mặt bằng cho doanh nghiệp. Ông Thiều Quang Thái, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, thừa nhận: “Hiện nay, thủ tục đất đai còn phức tạp, rườm rà, chồng chéo và thiếu tính minh bạch, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình đầu tư thực hiện dự án trên địa bàn thành phố. Đặc biệt là thủ tục giao đất gắn với việc bồi thường giải tỏa, giải phóng mặt bằng; cho thuê đất. Vì thế, Sở chưa thể đưa ra cam kết về thời gian chính thức sẽ hoàn tất thủ tục này”.

Thủ tục thuế cũng là lĩnh vực được “xếp hạng” cao nhất về... than phiền của doanh nghiệp, chủ yếu là thủ tục lòng vòng, kéo dài, thiếu nhất quán, căn cứ tính thuế không kịp thời, bất hợp lý. Nhiều doanh nghiệp đã nộp đủ thuế rồi, lại có giấy đòi nộp bổ sung; cùng một diện tích đất nhưng mỗi lần áp thuế mỗi mức, mức lần sau cao gấp 5 – 7 lần mức áp trước đó. Không những thế, theo khảo sát trong doanh nghiệp TP Cần Thơ của Chi nhánh Phòng Công nghiệp Việt Nam tại TP Cần Thơ (VCCI), có tới 43,25% doanh nghiệp cho rằng “thương lượng” với cán bộ thuế là điều tất yếu trong hoạt động kinh doanh. Ông Vũ Tất Dậu, Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng Cần Thơ, kiến nghị: “Thành phố cần xem xét lại toàn bộ quy trình tính thuế, nhất là các cơ sở thực tế để áp thuế đối với doanh nghiệp”.

Kỷ cương hành chính: Nhiều nơi còn “lỏng”

Tại báo cáo tổng kết công tác CCHC năm 2007, UBND thành phố đã thừa nhận mặt yếu kém trong thực hiện công tác này là kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm. Nhiều nơi tiếp và giải quyết công việc của người dân còn chưa thỏa đáng, chậm trễ hoặc tự đặt ra thủ tục, gây phiền toái người dân và doanh nghiệp. Thậm chí, có nơi còn tự “cho phép” mình không tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính dù điều đó là trái quy định của pháp luật. Điển hình như việc UBND huyện Thốt Nốt tự ý ngưng không cho đăng ký kinh doanh nhà trọ vì sợ... khó quản lý, trong khi đây là địa bàn có nhu cầu rất lớn về chỗ trọ cho công nhân lao động làm việc tại các công ty trên địa bàn. Người dân đã phải kiến nghị đến Tổ liên ngành tiếp nhận giải quyết vướng mắc về thủ tục hành chính (gọi tắt là Tổ liên ngành), sự việc mới được khai thông.

Tuy nhiên, không phải tất cả các sở, ngành đều quan tâm đến sự “thúc đẩy” của Tổ liên ngành này. Chẳng hạn, khi tiếp nhận kiến nghị của hơn 10 doanh nghiệp về thủ tục, chính sách tính thuế, tính tiền sử dụng đất không nhất quán; giải quyết cấp giấy đỏ chậm trễ, phiền hà ở huyện Cờ Đỏ... Tổ liên ngành đã nhiều lần chuyển phản ánh này đến cơ quan có trách nhiệm, nhưng hiện vẫn chưa nhận được câu trả lời. Đồng chí Nguyễn Khải Hoàn, Tổ trưởng Tổ liên ngành, cho biết: “Tất cả những phản ánh, kiến nghị của người dân đến Tổ liên ngành đều là những bức xúc, cần sớm được giải quyết. Việc một số sở, ngành liên quan chưa thực sự quan tâm giải quyết thấu đáo đã ảnh hưởng đến niềm tin của người dân về kỷ luật, kỷ cương hành chính”.

***

Trao đổi về biện pháp khắc phục yếu kém, đẩy mạnh CCHC năm 2008, đồng chí Phạm Phước Như, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, cho biết: “Năm 2008, thành phố Cần Thơ xác định cải cách thủ tục hành chính là công tác trọng tâm, với giải pháp đột phá là thực hiện cơ chế “một cửa liên thông” đối với một số lĩnh vực có nhiều bức xúc như đất đai, xây dựng. Thành phố tăng cường chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý mạnh những địa phương, đơn vị tự đặt thêm thủ tục hành chính để làm khó người dân. Đây là những vấn đề đã đặt ra trong năm 2007 nhưng chưa thực hiện được”.

Bài, ảnh: NGUYỄN THANH

Chia sẻ bài viết