16/06/2019 - 14:02

Văn học thiếu nhi – Một khoảng trống cần lấp đầy 

Cùng bàn về thực trạng sáng tác và quảng bá tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi hiện nay, phóng viên Báo Cần Thơ xin giới thiệu lược ghi ý kiến của nhà nghiên cứu lý luận phê bình văn học Nguyễn Văn Hòa.

Thiếu nhi đọc sách tại một cuộc triển lãm do Thư viện TP Cần Thơ tổ chức. Ảnh: DUY KHÔI

Văn học thiếu nhi là một bộ phận không thể tách rời của văn học dân tộc. Tuy nhiên, văn học thiếu nhi hiện nay so với mảng văn học viết cho các độ tuổi khác đang là một khoảng trống lớn cần phải lấp đầy.

Sáng tác văn học cho thiếu nhi là một công việc cực kỳ công phu. Nhà văn bên cạnh tài năng và những phẩm chất cần có của người viết, họ còn phải là người am hiểu tâm lý, sự phát triển của trẻ, hiểu biết một cách sâu sắc những vấn đề mình viết, mình phản ánh và chuyển tải một cách linh hoạt. Làm sao tác phẩm vừa gây được sự hứng khởi, thích thú với trẻ vừa có tác dụng giáo dục, bồi bổ, nuôi dưỡng tâm hồn cho các em.

Tôi xin mạnh dạn chỉ ra thực trạng của văn học thiếu nhi hiện nay:

- Dòng văn học này chưa có đội ngũ thật sự gọi là chuyên nghiệp theo đúng nghĩa để sáng tác cho lứa tuổi thiếu niên. Những người viết chuyên nghiệp thì quá ít. Bởi đa phần các nhà văn, những người viết cho lứa tuổi này họ viết chỉ như là cuộc dạo chơi.

- Các cây bút trẻ có phần “choáng” trước những cây đa cây đề - những tên tuổi nổi tiếng với những tác phẩm giá trị trong nền văn học viết cho thiếu nhi. Chẳng hạn như “Dế Mèn phiêu lưu ký”, “Truyện nỏ thần”, “Cỏ dại” của Tô Hoài; “Quê nội” của Võ Quảng; “Kính vạn hoa” của Nguyễn Nhật Ánh; “Góc sân và khoảng trời” của Trần Đăng Khoa...

- Các Hội Văn học nghệ thuật địa phương chưa quan tâm đúng mức đến lực lượng sáng tác văn học thiếu nhi và tác phẩm dành cho thiếu nhi.

- Các cuộc thi về văn chương cũng ít chú trọng đến mảng văn học này. Thi thoảng trong các cuộc thi ấy, chỉ lác đác xuất hiện một vài tác phẩm đạt giải viết cho thiếu nhi. Rất ít nơi nhận hỗ trợ in ấn; công tác quảng bá tác phẩm văn học viết cho thiếu nhi cũng chưa nhiều nếu không muốn nói là còn quá mỏng.

- Trên các Báo, tạp chí cũng hiếm khi đăng các tác phẩm viết cho thiếu nhi. Nếu có cũng chỉ vào ngày Quốc tế Thiếu nhi, Trung thu hoặc “phần đất” ít ỏi trên 1 số trang báo Tết. Một vài tờ báo, tạp chí dành cho lứa tuổi như: Áo Trắng, Mực Tím, Nhi Đồng, Thiếu nhi dân tộc, Văn học và Tuổi trẻ, Văn học và Tuổi thơ... cũng chỉ tập hợp những cây bút quen thuộc.

- Các tác phẩm văn học nước ngoài chiếm một số lượng lớn trong các nhà sách. Các tác phẩm văn học thiếu nhi trong nước trở nên "lép vế".

- Chúng ta vẫn thường hay “đổ tội” cho các em nhỏ là chưa có thói quen và sự đam mê đọc sách. Nhưng thực tế là chưa có nhiều sách hay để gây tò mò, hứng thú cho các em. Hằng năm, số lượng đầu sách thiếu nhi xuất bản còn quá khiêm tốn so với các đầu sách khác.

- Chúng ta chưa tổ chức được nhiều trại sáng tác và những cuộc thi - giải thưởng cho văn học thiếu nhi, chưa có nhiều những dự án hỗ trợ, hợp tác cho lực lượng những cây viết cho lứa tuổi này một cách bài bản, có quy mô và thường xuyên.

- Còn thiếu những tác phẩm mang dấu ấn vùng miền và những tác phẩm mang hơi thở, dấu ấn thời đại. Các tác giả thể hiện thái độ nhập cuộc nửa vời, chậm trễ trong việc phản ánh và truyền tải hiện thực. Các tác giả vẫn xoay quanh những đề tài quen thuộc, chưa có nhiều tìm tòi, phát hiện và đột phá mang tính hấp dẫn. Các nhà văn chưa thực sự thâm nhập để nắm bắt và phản ánh hiện thực thời đại một cách mau lẹ mang tính thời sự.

- Văn học thiếu nhi rất cần những “bà đỡ” mát tay để cho ra đời những tác phẩm văn học chất lượng, nhất là các nhà xuất bản, phát hành sách. Một mặt, phải có chính sách phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, khuyến khích, thu hút tác giả sáng tác cho thiếu nhi. Cần có Quỹ sáng tác dành cho văn học thiếu nhi để hỗ trợ, in ấn, quảng bá kịp thời.

Văn học thiếu nhi không chỉ là câu chuyện của riêng các em mà còn là những câu chuyện mang những vấn đề lớn của xã hội. Tuy nhiên, trong thực tế sáng tác, một số nhà văn lại luôn đề cao vấn đề này dẫn đến tác phẩm trở nên khô khan, giáo điều thiếu đi sự hồn nhiên, trong trẻo. Để sáng tác cho thiếu nhi, để có tác phẩm hay thì nhà văn phải cần đến sự kết hợp của nhiều yếu tố, trong đó có các yếu tố cơ bản như tính hồn nhiên, ngây thơ; tính giàu hình ảnh, vần điệu và nhạc điệu; tính ngắn gọn, rõ ràng; yếu tố truyện trong thơ, yếu tố thơ trong truyện và những bài học nhân văn nhẹ nhàng và sâu lắng được rút ra từ tác phẩm sau khi trẻ đọc.

PV (ghi)

Chia sẻ bài viết