12/03/2023 - 07:30

Văn hóa là nguồn lực, động lực phát triển TP Cần Thơ
Bài 2: Bài toán bảo tồn, phát huy di sản văn hóa 

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Ngay từ Sắc lệnh số 65/SL - Sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước ta về bảo tồn di sản văn hóa, do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 23-11-1945 (từ năm 2005 ngày này được Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy làm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam), đã khẳng định: “Bảo tồn cổ tích là công việc rất quan trọng và cần thiết trong công cuộc kiến thiết nước Việt Nam”. Đó cũng là kim chỉ nam trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa ở TP Cần Thơ, tạo nguồn lực nội sinh để phát triển.

Văn hóa Tây Đô

Nghề làm bánh tráng Thuận Hưng (quận Thốt Nốt) vừa được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nghề làm bánh tráng Thuận Hưng (quận Thốt Nốt) vừa được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), TP Cần Thơ hiện có 38 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng, trong đó có 14 di tích cấp quốc gia và 24 di tích cấp thành phố. Ngoài ra, còn có 1 công trình văn hóa tín ngưỡng là Đền thờ Vua Hùng TP Cần Thơ (quận Bình Thủy) và 1 công trình văn hóa tưởng niệm là Đền thờ Châu Văn Liêm (huyện Thới Lai). Các loại hình di sản văn hóa phi vật thể ở Cần Thơ được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Văn hóa Chợ nổi Cái Răng, Lễ hội Kỳ yên Đình Bình Thủy, Hò Cần Thơ, Hát ru của người Việt ở Cần Thơ, Nghề làm bánh tráng Thuận Hưng, cùng với 20 tỉnh, thành phố Nam Bộ, TP Cần Thơ đang gìn giữ và thực hành nghệ thuật Ðờn ca tài tử Nam Bộ, đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Toàn thành phố có 116 loại hình di sản văn hóa phi vật thể được ghi nhận.

Hầu hết các di tích, công trình văn hóa đều được phân cấp quản lý. Bảo tàng TP Cần Thơ trực tiếp quản lý Di tích cấp quốc gia Khám Lớn Cần Thơ (quận Ninh Kiều), Công an TP Cần Thơ quản lý Di tích cấp thành phố Trận Lê Bình (quận Cái Răng). Các di tích đã được xếp hạng còn lại do quận, huyện quản lý. Có 5/9 quận, huyện thành lập Ban Quản lý di tích là Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Thốt Nốt và Phong Điền. Các quận, huyện có đội ngũ thuyết minh viên phục vụ tại các di tích thường xuyên là Ninh Kiều, Thốt Nốt, Bình Thủy, Cái Răng, Phong Điền, Thới Lai và Cờ Đỏ. Hầu hết các di tích đã được xếp hạng đều được đầu tư xây dựng. Giai đoạn 2016-2022, có 26/38 lượt di tích được trùng tu với tổng kinh phí trên 160,5 tỉ đồng, trong đó nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa là 2,7 tỉ đồng, ngân sách nhà nước gần 135 tỉ đồng, còn lại hơn 23,2 tỉ đồng từ nguồn xã hội hóa.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở VHTT&DL thành phố, thông tin: Bảo tàng thành phố đã thực hiện 19 dự án bảo tồn và phát huy đối với các loại hình di sản phi vật thể. Qua đó, các loại hình di sản như các nghi lễ truyền thống của đồng bào Khmer, âm nhạc truyền thống của đồng bào Hoa, các lễ hội, sinh hoạt văn hóa... được ghi nhận, bảo tồn xứng đáng và phù hợp.

Thực trạng phát huy

Thực trạng bảo tồn văn hóa hiện nay cho thấy 3 xu hướng: bảo tồn di sản tốt, nhưng không khai thác được giá trị kinh tế; khai thác giá trị kinh tế tốt, nhưng bảo tồn di sản chưa tốt; hài hòa giữa bảo tồn di sản với phát triển kinh tế - xã hội. Thực tế TP Cần Thơ, có thể nhận định thành phố đang ở xu hướng thứ nhất. Ông Nguyễn Khánh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ, đánh giá: Thành phố rất quan tâm bảo tồn di sản văn hóa thông qua công tác nghiên cứu, sưu tầm; gìn giữ, bảo quản hiện vật, trưng bày, triển lãm, phối hợp tổ chức lễ hội... Tuy nhiên, một số hoạt động chưa phát huy hiệu quả gắn với phát triển du lịch.

Thực tế, tiến độ số hóa di sản ở Cần Thơ đang khá chậm. Nhiều địa phương trong cả nước thực hiện triển lãm trực tuyến, trưng bày trực tuyến 3D, số hóa hiện vật... nhưng Cần Thơ khá im ắng. Cách đây hơn 4 năm, Bảo tàng TP Cần Thơ chủ trì thực hiện đề tài khoa học “Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và quảng bá Bảo tàng TP Cần Thơ” nhưng đến nay website của Bảo tàng TP Cần Thơ còn khá đơn điệu, ít nội dung và rất ít cập nhật. Giám đốc Sở VHTT&DL Nguyễn Minh Tuấn cho biết: Sở đã dự thảo kế hoạch của UBND thành phố về thực hiện chương trình số hóa di sản văn hóa TP Cần Thơ giai đoạn 2023-2030, hiện đang lấy ý kiến đóng góp, dự kiến trình UBND thành phố ban hành trong tháng 6-2023.

Nhiều di tích ở Cần Thơ thiếu hoặc không có người phụ trách thuyết minh tại điểm. Việc sưu tầm hiện vật trưng bày trong di tích cũng chưa phong phú, có nhiều di tích chỉ có một số hiện vật, còn lại chủ yếu là hình ảnh. Việc lấy di sản làm du lịch phải là quá trình nhuần nhuyễn, liên hoàn - “văn hóa trong du lịch” và “du lịch văn hóa”, nhưng du lịch di sản ở Cần Thơ chưa làm được điều này. Ở góc nhìn văn hóa, ông Nguyễn Thanh Thuận, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Đồng Tháp, cho rằng: “Không hẳn di tích nào cũng làm du lịch. Khi làm, cần có nghiên cứu cụ thể từng loại hình di tích như kiến trúc nghệ thuật, lịch sử, cách mạng, tín ngưỡng dân gian... để xác định rõ, cái nào ưu tiên bảo tồn, cái nào có thể đầu tư khai thác du lịch”. 

Chuyện bảo tồn và phát huy di sản Văn hóa Chợ nổi Cái Răng

Chợ nổi Cái Răng thu hút lượng du khách khá cao nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết trong bảo tồn và phát triển.

Chợ nổi Cái Răng thu hút lượng du khách khá cao nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết trong bảo tồn và phát triển.

Năm 2016, Văn hóa Chợ nổi Cái Răng được Bộ VHTT&DL đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. UBND TP Cần Thơ đã giao UBND quận Cái Răng chủ trì, phối hợp các ngành chức năng có liên quan triển khai Đề án “Bảo tồn và phát triển Chợ nổi Cái Răng”. Tuy nhiên, qua thời gian thực hiện đề án này đã nảy sinh không ít bất cập. Các hạng mục dường như chỉ dừng lại ở mức độ “vật thể” hơn là “phi vật thể”, nghĩa là chưa chú trọng các giá trị văn hóa phi vật thể - nhân tố chính kiến tạo nên giá trị văn hóa ấy. Đơn cử bảo tồn những nét sinh hoạt thường nhật, đời sống tinh thần, văn hóa dân gian của thương hồ.

Ông Nguyễn Khánh Tùng khẳng định: “Khó nhất là phải đặt lợi ích của thương hồ lên hàng đầu. Có thương hồ thì mới có chợ nổi”. Cần có cuộc khảo sát sâu về thực trạng, nhu cầu thực tiễn cuộc sống của thương hồ, yếu tố ảnh hưởng đến bà con. Mục tiêu là phải bảo tồn hoạt động văn hóa trên bến dưới thuyền, văn hóa mua bán trên sông và văn hóa chợ nổi. Việc khôi phục lại văn hóa chợ nổi như: đờn ca tài tử, tiếng rao hàng, lối hò đối đáp trên sông, kiến thức về các mô hình ghe, tàu để giao lưu, nói chuyện về văn hóa với du khách là rất cần thiết. Tái hiện phải đúng với chất gốc nhưng hòa quyện trong bối cảnh chợ nổi ngày nay. 

Ông Nguyễn Khánh Tùng còn chỉ ra 6 điểm “bất cập” của quản lý nhà nước trong bảo tồn và phát huy chợ nổi, mà đầu tiên là việc phân công nhiệm vụ sở, ngành, địa phương chưa chặt chẽ. Hiện nay vẫn chưa có cơ quan quản lý nhà nước nào quản lý phương tiện và hành khách từ điểm xuất phát đến chợ nổi và ngược lại. Thứ hai, tại Bến Ninh Kiều chưa có nhà điều hành trung tâm đúng nghĩa (như việc quản lý các nhà xe tại bến xe), nên các doanh nghiệp và chủ tàu đặt các quầy bán vé rải rác trong khuôn viên Bến Ninh Kiều; nên còn xảy ra chèo kéo, bắt khách. Thứ ba, một vài sự can thiệp của nhà nước chưa phát huy tích cực phục vụ phát triển Chợ nổi Cái Răng. Bên cạnh đó, việc “chi hoa hồng” (thỏa thuận giữa người bán, tiểu thương và tài công, hướng dẫn viên) khi cung cấp dịch vụ gây “đội giá” sản phẩm, làm giảm giá trị dịch vụ cho du khách. Thứ tư, trong thời gian qua chưa chú trọng đến công tác bảo tồn văn hóa chợ nổi. Thứ năm là công tác đầu tư cơ sở hạ tầng (thủy, bộ, bến bãi...) phục vụ phát triển du lịch còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác nghiên cứu và phát triển các sản phẩm, dịch vụ gắn với Chợ nổi cái Răng chưa được chú trọng quan tâm đúng mức. Cuối cùng là mời gọi nhà đầu tư vào bảo tồn và phát triển Chợ nổi Cái Răng chưa có nhà đầu tư lớn tham gia.

*   *   *

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, gắn với phát triển du lịch là định hướng đã được Đảng, Nhà nước ta xác định trong nhiều chủ trương, chính sách lớn. Việc đầu tư nguồn lực cho công tác này sẽ kéo theo sự phát triển kết cấu hạ tầng, sản phẩm, dịch vụ, gia tăng các dòng chảy thị trường, làm nên sự phát triển bao trùm cho địa phương.

Giải quyết mối quan hệ tương hỗ giữa bảo tồn di sản, giáo dục truyền thống và phát triển du lịch, Cần Thơ sẽ tiến đến mục tiêu trở thành thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước và là trung tâm vùng ĐBSCL về dịch vụ, thương mại, du lịch như đã nêu trong Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt.

Bài 3: Khơi thông dòng chảy công nghiệp văn hóa

Chia sẻ bài viết