21/02/2019 - 21:02

Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở Trà Vinh

Vẫn còn nhiều việc phải làm 

Qua 5 năm (2013-2018), thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, mặc dù nhiều địa phương trong tỉnh Trà Vinh đã hình thành được nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung trên các lĩnh vực cây màu, chăn nuôi, thủy sản… Tuy nhiên, vấn đề tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng liên kết, hiện còn nhiều hạn chế. Vai trò của các doanh nghiệp (DN) trong thực hiện liên kết khá “mờ nhạt” nên  sản xuất luôn bị động và nông dân thường thiếu thông tin về kết nối thị trường…

Thu hoạch lúa tại cánh đồng lớn ở xã Mỹ Chánh, huyện Châu Thành. Ảnh: Sơ Ma Lai

Thu hoạch lúa tại cánh đồng lớn ở xã Mỹ Chánh, huyện Châu Thành. Ảnh: Sơ Ma Lai

Thành công bước đầu

Toàn tỉnh Trà Vinh có khoảng 74.000ha đất sản xuất 3 vụ lúa trong năm, hơn 26.000ha trồng màu, cây công nghiệp và hơn 35.000ha nuôi trồng thủy sản. Qua 5 năm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp (2013-2018), toàn tỉnh đã chuyển đổi được 13.294ha đất trồng lúa sang các loại cây trồng, vật nuôi khác; hiệu quả của các loại hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất lúa tăng từ 1,5-4 lần so với chuyên trồng lúa. Hình thành được các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa tập trung, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trên thị trường.Trong đó có 27 điểm sản xuất lúa theo hình thức “Cánh đồng lớn” diện tích 4.330ha; sản xuất cây màu và cây công nghiệp ngắn ngày: mía 3.000ha, đậu phộng 3.000ha, bắp lai 2.000ha, dưa hấu 800ha, hành tím 180ha,… Vùng chuyên canh cây ăn trái tập trung: nhãn 700ha, chôm chôm 280ha, măng cụt 150ha, xoài 600ha, quýt đường 100ha, thanh long ruột đỏ 100ha, dừa sáp 160ha...

Chăn nuôi đã phát triển được 46 trang trại; hình thành được 4 khu chăn nuôi tập trung ở 2 huyện Châu Thành, Trà Cú chủ yếu là heo, dê và gà. 7 DN đầu tư chăn nuôi quy mô từ 500 con bò và 1.000 con heo thịt trở lên. Về thủy sản, từ năm 2013 đến nay, chuyển đổi hình thức nuôi tôm từ quảng canh sang nuôi thâm canh, bán thâm canh được 9.700ha; diện tích nuôi tôm nước lợ siêu thâm khoảng 200ha, tập trung ở các huyện Cầu Ngang, Duyên Hải, Trà Cú và thị xã Duyên Hải; duy trì được 5.750ha diện tích nuôi tôm sinh thái kết hợp với trồng rừng (huyện Duyên Hải và thị xã Duyên Hải); lúa – thủy sản 5.600ha (huyện Châu Thành, Cầu Ngang và Duyên Hải)...

Còn nhiều khó khăn

Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy, việc liên kết với DN tham gia tiêu thụ sản phẩm trong vùng chuyển đổi còn khá khiêm tốn. Ông Huỳnh Văn Thảo, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Trà Cú, cho biết: “Hiện nay việc liên kết giữa nông dân và DN chưa có tính bền vững. Nguyên nhân là do thị trường luôn biến động, người sản xuất chưa ứng dụng được công nghệ để giảm chi phí, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm... Bên cạnh đó, một số nông dân chưa xác định được tính lâu dài và lợi ích trong việc ký hợp đồng liên kết với DN. Từ đó, DN rất ngại khi ký liên kết bao tiêu sản phẩm do thiếu tính ổn định về sản lượng và giá, người sản xuất thường “phá rào” khi thị trường có biến động tăng cao về giá”.

Với diện tích cam sành trên 2.000ha ở huyện Cầu Kè, nhưng nhà vườn vẫn tự tìm thương lái để bán. Ảnh: Sơ Ma Lai

Với diện tích cam sành trên 2.000ha ở huyện Cầu Kè, nhưng nhà vườn vẫn tự tìm thương lái để bán. Ảnh: Sơ Ma Lai

Cùng với đó, hiện các DN trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh đa phần ở quy mô vừa và nhỏ; thiếu DN có năng lực tham gia liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ; chủ yếu dừng lại ở khâu liên kết để bán vật tư đầu vào. Trong khi đó, việc kêu gọi DN đầu tư vào lĩnh vực này gặp khá nhiều khó khăn do hiệu quả không cao. 

Các hình thức liên kết sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông sản còn ở quy mô nhỏ. Cụ thể, qua 5 năm tái cơ cấu nông nghiệp, về liên kết tiêu thụ của các DN, các công ty đã thực hiện “Cánh đồng lớn” với diện tích 3.600ha và 161ha lúa hữu cơ ở 2 xã Long Hòa và Hòa Minh (huyện Châu Thành); 6 DN hợp đồng thu mua 270ha bắp giống (1.600 tấn trái) và 20ha đậu bắp giống (khoảng 30 tấn); 139ha bắp nếp giống; 15ha ớt (khoảng 22 tấn); 1.620ha mía (thu mua 320.000–360.000 tấn mía nguyên liệu/năm); thu mua khoảng 200 tấn rau, củ quả/tháng (Công ty TNHH một thành viên Mekong Fresh). Trên cây ăn trái, bao tiêu sản phẩm dừa hữu cơ 150ha (xã Đại Phước, huyện Càng Long). Chăn nuôi thực hiện được 10 liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm (7 mô hình nuôi gà, 4 mô hình chăn nuôi heo) với đàn heo 2.000 con và đàn gà có mặt thường xuyên 36.000 con. Về thủy sản, HTX Dịch vụ thương mại Thủy nông Định An hợp tác liên kết sản xuất và thu mua cá lóc khoảng18ha...

Nói về những khó khăn và giải pháp trong “liên kết”, ông Đỗ Văn Khê, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh, cho biết: Cái khó hiện nay là nhiều nông dân chưa quen với việc sản xuất theo hợp đồng và tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất hàng hóa, chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt mà chưa thấy được lợi ích lâu dài về sản xuất, tiêu thụ ổn định... Đó là những khó khăn lớn nhất trong liên kết tiêu thụ nông sản của tỉnh.

Theo ông Đỗ Văn Khê, việc xây dựng nền sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh giai đoạn từ nay đến năm 2030 nhằm thực hiện hiệu quả chương trình tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng hiện đại, giúp nông dân sản xuất bền vững và tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích canh tác. Thời gian tới để mô hình sản xuất - tiêu thụ nông sản thông qua liên kết ngày càng phát triển và hiệu quả, đòi hỏi người dân phải thay đổi tư duy, nhận thức về phương thức sản xuất. Đồng thời, ngành nông nghiệp chú trọng hỗ trợ xây dựng mô hình kiểm soát theo chuỗi, tiến tới mục tiêu toàn bộ nông sản được kiểm soát chặt chẽ từ khâu “sản xuất, sơ chế đến tiêu thụ”.

Sơ Ma Lai

Chia sẻ bài viết