29/06/2009 - 08:47

Nông nghiệp-nông dân-nông thôn ở ĐBSCL

Vai trò HTX trong tạo việc làm và giảm nghèo

Mặc dù là khu vực giàu lúa gạo, tôm cá, trái cây... nhưng ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn còn nhiều hộ nghèo, chiếm gần 20% trong cả nước. Một trong những nguyên nhân là do thiếu việc làm. Nhiều ý kiến cho rằng, muốn tạo được việc làm và giảm được nghèo ở vùng ĐBSCL, thì phải phát triển Hợp tác xã (HTX). Và HTX phải đa dạng ngành nghề, mang lại hiệu quả kinh tế, để vừa phát triển bền vững vừa tạo việc làm, tăng thu nhập cho xã viên và người lao động.

Điều kiện để nông dân thoát nghèo

Hiện tại, số HTX chiếm tỷ lệ cao nhất của ĐBSCL là HTX nông nghiệp. Đây là lĩnh vực đang có nhiều thách thức, chịu ảnh hưởng và cạnh tranh quyết liệt nhất khi nước ta gia nhập WTO. Trong khi đó, tay nghề lao động chưa qua đào tạo nhiều và thu nhập thấp. Muốn tạo được việc làm và giảm được nghèo cho cộng đồng ở khu vực ĐBSCL, không có con đường nào khác hơn là phát triển HTX, mở rộng ngành nghề, giải quyết nhiều việc làm, đem lại hiệu quả kinh tế, cải thiện đời sống cho xã viên và người lao động.

GS-TS Võ-Tòng Xuân, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang, đã cho rằng: Nông dân ĐBSCL muốn thoát nghèo thì mỗi vùng cần tổ chức nông dân thành cụm liên kết hoặc liên hợp tác xã, phù hợp với tổng thể của vùng. Một loại liên kết thực sự vì tiến bộ và quyền lợi của nông dân, chứ không phải như các loại HTX nông nghiệp đã làm trước đây. Chấm dứt tình trạng nông dân cá thể, hoặc mạnh ai nấy lo. Gắn với mỗi vùng, nên ưu tiên xây dựng nhà máy chế biến hoặc sơ chế nông sản; có cơ chế cho người nông dân tham gia vốn vào nhà máy. Phải thấy rằng cụm sản xuất là loại hình doanh nghiệp của người nghèo.

Phó chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Hiên, chỉ ra: “Vấn đề đào tạo dạy nghề, con đường giải quyết nông nghiệp, nông thôn theo kinh nghiệm các nước đi trước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan chính là con đường HTX. Trong thời gian qua, hầu hết các HTX khu vực ĐBSCL được thành lập đều xuất phát từ nhu cầu xã viên có tiềm năng phát triển rất lớn, đã có một số mô hình HTX tốt tạo việc làm và xóa đói giảm nghèo, cần nhân rộng. Nếu phát triển HTX theo chiều sâu, đúng bản chất giá trị HTX, thì vai trò các HTX khu vực ĐBSCL vô cùng to lớn trong tạo việc làm và giảm nghèo.

HTX giày da Hừng Sáng, TP Cần Thơ. Ảnh: HUỲNH BIỂN 

Theo số liệu thống kê, ở ĐBSCL hiện có hơn 1.600 HTX và hàng chục ngàn tổ hợp tác giải quyết việc làm cho cả triệu lao động. Điều đó cho thấy, HTX là nơi giải quyết việc làm cho không ít lao động. Theo Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Tiền Giang Đỗ Thị Mỹ, nơi có 92 HTX thu hút 42.564 xã viên, tạo việc làm cho trên 10.000 lao động thường xuyên và khoảng 11.000 lao động thời vụ, với mức thu nhập bình quân 735.600 đồng/người/tháng: “Hoạt động của các HTX đã mang lại việc làm, tăng thu nhập cho người lao động góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, xóa đói giảm nghèo, đoàn kết tương trợ lẫn nhau’’. Bà Đỗ Thị Mỹ cho biết thêm, hoạt động của các HTX nhất là các HTX tiểu thủ công nghiệp (TTCN) đã thu hút được nhiều lao động, vừa tạo điều kiện tăng thu nhập cho xã viên, vừa tạo việc làm cho nhiều lao động. Các HTX TTCN và thương mại dịch vụ chỉ chiếm 28% tổng số HTX, nhưng lại tạo việc làm cho trên 64% lao động, trong đó trên 50% xã viên và 80% lao động nữ. HTX giải quyết nhiều việc làm như HTX đan len xuất khẩu Chiến Thắng thu hút 437 lao động...

Liên kết tiêu thụ sản phẩm

ĐBSCL đã xuất hiện nhiều mô hình HTX liên kết với các doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, mang lại tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp, khích lệ nông dân an tâm sản xuất và nhanh chóng thoát nghèo. Theo các nhà doanh nghiệp thì việc chọn các HTX, Tổ hợp tác để liên kết sản xuất sẽ tạo được sự an tâm hơn. Điển hình như: các HTX nông nghiệp và doanh nghiệp đang chủ động bắt tay nhau tạo ra những mô hình làm ăn có hiệu quả, hứa hẹn sẽ là một hướng đi bền vững đem về tiền tỉ cho nông nghiệp ĐBSCL.

Ở tỉnh Tiền Giang, HTX nông nghiệp Mỹ Thành (xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy) là điển hình về hiệu quả của cung cách làm ăn tập thể kiểu mới. Hình thành năm 2004 với 48 xã viên, đến nay HTX đã có 208 thành viên bao gồm cả nông dân xã Mỹ Thành Bắc, với tổng diện tích sản xuất là 180 ha. Tháng 9-2008, HTX đã thực hiện sản xuất lúa và chế biến gạo đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, sau khi vượt qua trên 250 chỉ tiêu bắt buộc. Hạt gạo GlobalGAP đã đi vào các siêu thị với nhãn mác “Gạo Tứ Quý”, được Công ty ADC bao tiêu sản phẩm, đảm bảo nông dân có lãi cao hơn 20% so với lúa cùng loại ngoài thị trường. Theo TS Lê Hữu Hải, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cai Lậy, HTX nông nghiệp Mỹ Thành là mô hình HTX kiểu mới thành công trên nhiều phương diện, từ định hướng sản xuất đúng đắn, gắn kết được “4 nhà” cùng xắn tay trên đồng ruộng, khẳng định được thương hiệu hạt gạo chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế về thực hành sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Đây là cơ hội lớn cho nhãn hiệu hàng hóa tập thể “Gạo chất lượng cao, an toàn Mỹ Thành được sản xuất theo quy trình an toàn” được quảng bá rộng rãi trong và nước ngoài. Hiện tại, Công ty TNHH ADC đã bao tiêu toàn bộ lúa của xã viên HTX với giá thường luôn cao hơn giá thị trường 20%.

Việc vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim tiên phong trong sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP đã mở ra triển vọng tươi sáng cho mặt hàng trái cây nói riêng, các mặt hàng nông sản nói chung trên bước đường chinh phục thị trường thế giới. Đây là lần đầu tiên mô hình HTX với nhiều nông dân đã liên kết với nhau để thực hiện thành công tiêu chuẩn này. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh thực trạng sản xuất trái cây của nhà vườn ĐBSCL còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, cách biệt khá xa so với các tiêu chuẩn của thế giới. Ông Nguyễn Văn Ngàn, Chủ nhiệm HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, cho biết: “Với diện tích sản xuất của nông hộ trong HTX nhỏ lẻ, phân tán, phổ biến 2 - 4 công (2.000 - 4.000m2); thói quen sản xuất cũ đã hình thành quá lâu, cho nên nhiều nhà vườn khó thay đổi ngay được. Mặt khác, cán bộ hướng dẫn kỹ thuật của HTX lại chưa có kinh nghiệm, lĩnh vực áp dụng còn quá mới mẻ... nên nhiều lúc, chúng tôi định buông xuôi. Nhưng nhờ sự động viên, khuyến khích của các cơ quan chuyên môn, cuối cùng, 19 hộ nông dân - xã viên của HTX cũng đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP”. Nhiều nông dân tham gia dự án này cho biết, áp dụng quy trình sản xuất mới, chi phí giảm so với trước 30- 50%, số lượng trái đạt chất lượng tăng từ 30- 70%, lợi nhuận tăng thêm 40%. Mới đây, HTX đã xuất khẩu được 50 tấn vú sữa Lò Rèn đạt tiêu chuẩn GlobalGAP sang thị trường Nga và Đức với giá trên 30.000 đồng/trái, tăng gần 1,5 lần so với trước đây. HTX hiện có trên 40ha vú sữa được trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP, dự kiến sẽ thu hoạch thêm gần 50 tấn để cung ứng cho hệ thống Metro Cash & Carry. Phó chủ nhiệm HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim Lê Văn Sơn cho biết: “Từ đây, vú sữa Lò Rèn có thêm cơ hội để viễn du đến thị trường Hoa Kỳ”. Được biết, tỉnh Tiền Giang đã lập dự án và xây dựng kế hoạch cụ thể để mở rộng và phát triển diện tích trồng vú sữa Lò Rèn của tỉnh đạt 5.000ha vào năm 2015.

Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, có HTX thủy sản Thới An ở quận Ô Môn, TP Cần Thơ đạt sản lượng nuôi cá chiếm tới 90% sản lượng toàn huyện. Trước đây HTX cũng lao đao vì khâu tiêu thụ sản phẩm, nhưng từ khi liên kết với Công ty Hùng Vương (Tiền Giang) HTX luôn đi vào sản xuất ổn định với sản lượng cung ứng theo đúng yêu cầu hợp đồng của công ty đề ra, từ đó đời sống của xã viên luôn ổn định và được nâng cao....

Có thể nói thực hiện sự liên kết giữa “2 nhà” DN và nông dân đậm nét nhất và hiệu quả nhất ở ĐBSCL là sản xuất cá tra. Hầu hết các DN xuất khẩu cá tra ở ĐBSCL hiện nay đều tự chủ nguồn nguyên liệu bằng cách ký hợp đồng liên kết với nông dân thông qua các HTX hoặc tổ hợp tác. Với cách làm này, các DN không lo thiếu nguyên liệu mà nông dân nuôi cá cũng không phải bỏ quá nhiều vốn đầu tư và không sợ bị thua lỗ. Để mô hình được nhân rộng và phát triển bền vững. Nhìn vào các mô hình làm ăn có hiệu quả trên, cho thấy các HTX và doanh nghiệp đã hội nhập được trong tư duy làm ăn mới. Nông dân vào HTX sẽ được tiếp cận với quy trình sản xuất mang tính khoa học cao, năng suất và đầu ra ổn định, doanh nghiệp thì tạo cho mình được một nguồn nguyên liệu và thị trường bền vững, đời sống xã viên HTX sẽ ngày càng được nâng cao. Vì vậy, hiện nay các doanh nghiệp kinh doanh hàng nông, lâm, thủy sản đều tìm đến các HTX để thực hiện hợp đồng liên kết, đầu tư cho sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Vì chỉ có HTX mới đủ điều kiện pháp lý ban đầu giúp các DN an tâm hơn trong đầu tư để tạo ra sản lượng hàng hóa chất lượng cao và ổn định... đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Thực tế cho thấy nơi nào có doanh nghiệp tiêu thụ hàng nông sản thì hàng nông sản nơi đó luôn sản xuất ổn định. Còn ở những nơi vắng bóng nhà doanh nghiệp, người nông dân phải tự bơi rất vất vả.

Các HTX nông, thủy sản ở khu vực ĐBSCL cho rằng thành lập HTX làm đầu mối tiêu thụ nông sản hàng hóa cho nông dân là hướng đi tất yếu, góp phần tạo việc làm và giảm nghèo cho nông dân đồng bằng- nhất là trong tình hình hội nhập kinh tế thế giới hiện nay. Tuy nhiên, hầu hết các HTX nông nghiệp ở ĐBSCL còn thiếu thông tin thị trường, chưa có khả năng tổ chức sản xuất theo đúng yêu cầu của các doanh nghiệp, siêu thị. Các HTX nông nghiệp cần được tập huấn về kỹ năng nghiên cứu thị trường, các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, đóng gói bao bì, thương hiệu... để tổ chức sản xuất hợp lý.

LÊ HIỀN (TTXVN)

Chia sẻ bài viết