11/05/2010 - 08:31

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào Dự thảo Luật Tố tụng hành chính

Ngày 10-5, tiếp tục phiên họp thứ 31, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, cho ý kiến vào Dự thảo Luật Tố tụng hành chính.

Về sự cần thiết ban hành Luật Tố tụng hành chính, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình cho biết, ở nước ta cho đến nay chưa có Luật Tố tụng hành chính mà mới chỉ có Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính. Pháp lệnh này được UBTVQH khóa IX thông qua ngày 21-5-1996, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-1996; được sửa đổi, bổ sung lần thứ nhất ngày 25-12-1998 và sửa đổi, bổ sung lần thứ hai ngày 5-4-2006.

Việc ban hành Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính và các pháp lệnh sửa đổi, bổ sung đã tạo điều kiện cho việc giải quyết các khiếu kiện hành chính, góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân; tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Với chính sách mở cửa, hội nhập quốc tế, cùng với việc Việt Nam đã là thành viên của nhiều điều ước quốc tế và đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thì việc pháp điển hóa các quy định của pháp luật tố tụng để giải quyết các khiếu kiện hành chính, cụ thể hóa các cam kết của Việt Nam là rất cần thiết... Vì vậy, việc xây dựng và ban hành Luật Tố tụng hành chính là văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực cao hơn thay thế Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, nhằm bảo đảm tính đồng bộ và thống nhất của hệ thống pháp luật, góp phần bảo vệ tốt nhất các quyền và lợi ích chính đáng của người dân là hết sức cần thiết.

Nhận xét về Dự thảo Luật, thay mặt Ủy ban Tư pháp của QH, Chủ nhiệm Lê Thị Thu Ba cho rằng, Dự thảo được chuẩn bị công phu trên cơ sở khảo sát, tổng kết thực tiễn giải quyết các vụ án hành chính và thi hành các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan đến lĩnh vực tố tụng hành chính; đã tổ chức tọa đàm, đánh giá tác động, rà soát các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có liên quan, nghiên cứu, tham khảo pháp luật của một số nước... Ủy ban Tư pháp cũng bày tỏ quan điểm đối với những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau như về khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án; điều kiện khởi kiện vụ án hành chính; thời hiệu khởi kiện; quyết định của Hội đồng xét xử sơ thẩm; thủ tục thỏa thuận trong tố tụng hành chính.

Cho ý kiến vào nội dung khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, đồng tình với quan điểm của Ủy ban Tư pháp, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên đề nghị quy định thẩm quyền của Tòa án theo phương án loại trừ. Tòa án có thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, trừ các quyết định hành chính, hành vi hành chính trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định và các hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan hành chính nhà nước. Đây là phương án phù hợp, không làm phát sinh quá nhiều việc cho Tòa án, vừa đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, vừa đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Tuy nhiên, một số thành viên UB đề nghị Ban soạn thảo làm rõ hơn về “các hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan hành chính nhà nước” không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án là những hành vi nào để tránh cách hiểu không thống nhất và khó vận dụng khi Dự thảo Luật được QH ban hành. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba nhấn mạnh, nhiệm vụ của Tòa hành chính là mở rộng thẩm quyền của người dân. Nên cho người dân được lựa chọn, được quyền kiện cơ quan hành chính cấp trên hoặc kiện ngay ra tòa nếu họ thấy quyền của họ bị xâm phạm. Việc ban hành Luật cần giúp giải quyết những bức xúc của người dân, tình trạng khiếu kiện đông người...

Về điều kiện khởi kiện vụ án hành chính, nhiều thành viên UB lựa chọn quy định tổ chức, cá nhân không đồng tình với quyết định hành chính, hành vi hành chính thì có thể khởi kiện vụ án hành chính, không đặt ra yêu cầu cá nhân, tổ chức đó phải khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu, thay vì phương án trước khi khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án phải qua thủ tục khiếu nại như quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo. Tổ chức, cá nhân lựa chọn việc khiếu nại tại cơ quan hành chính, khi hết thời hạn giải quyết theo quy định mà khiếu nại không được giải quyết hoặc được giải quyết nhưng họ không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc lần hai thì vẫn có quyền khởi kiện vụ án tại Tòa án. Quy định như vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi và mở rộng quyền khởi kiện vụ án tại Tòa án của tổ chức, cá nhân, đảm bảo quyền tự do lựa chọn cách thức giải quyết khiếu nại, khiếu kiện của công dân, phù hợp với xu hướng mở rộng thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện hành chính tại Tòa án và mở rộng dân chủ trong xã hội, giảm bớt áp lực cho cơ quan hành chính nhà nước.

Dự thảo Luật Tố tụng hành chính sẽ được trình QH cho ý kiến vào kỳ họp thứ 7 tới.

BÍCH THỦY (TTXVN)

Chia sẻ bài viết