06/08/2012 - 22:22

Ưu tiên đầu tư dự án hạ tầng thúc đẩy phát triển cả vùng

Mới đây, tại hội nghị triển khai thực hiện Quyết định số 638/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải vùng ĐBSCL đến năm 2015, định hướng đến 2020 do Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, Bộ GTVT tổ chức, đại diện các địa phương trong vùng nhìn nhận: kết cấu hạ tầng của vùng có sự tiến bộ vượt bậc, tuy nhiên để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới thì cần phải tập trung đầu tư nhiều hơn.

Nhiều dự án hạ tầng quy mô lớn đã hoàn thành

Theo báo cáo của Bộ GTVT trong giai đoạn 2005-2010 đã hoàn thành quy hoạch chuyên ngành đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng không và cụm cảng biển số 6.

Về thực hiện đầu tư: Đã hoàn thành nâng cấp QL1 từ Trung Lương-Cần Thơ quy mô 4 làn xe, tuyến cao tốc TPHCM-Trung Lương; một số đoạn trên các tuyến N2, QL50, QL80, QL 61, QL 62, QL 54, QL 53, QL91, QL57... đã hoàn thành tuyến đường và cầu như: Nam sông Hậu, Quản lộ Phụng Hiệp, cầu Mỹ Thuận, Cần Thơ, Hàm Luông, Rạch Miễu và đã khởi công đường hành lang ven biển phía Nam, đường Hồ Chí Minh.

Dự án nạo vét mở rộng kênh Quan Chánh Bố - một dự án bức thiết vực dậy tiềm năng phát triển cho cả vùng ĐBSCL (ảnh chụp vào tháng 7-2012). 

Về đường thủy nội địa: Đã hoàn thành nâng cấp hai tuyến đường thủy phía Nam: TPHCM-Kiên Lương và TPHCM - Cà Mau và đang thi công tuyến TPHCM – Hà Tiên, TPHCM-Bạc Liêu.

Về hàng hải: Đã xây dựng hoàn thành cảng An Thới, bước 1 giai đoạn 2 cảng Cái Cui; đã khởi công nạo vét luồng tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu qua kinh Quan Chánh Bố.

Về hàng không: Đã hoàn thành Sân bay Quốc tế Cần Thơ, nâng cấp sân bay Rạch Giá, Cà Mau và dự kiến cuối năm nay sẽ đưa sây bay Quốc tế Phú Quốc vào sử dụng; công bố quy hoạch sân bay Taxi tại An Giang.

Đa dạng hình thức đầu tư cho giai đoạn tiếp theo

Theo Quyết định 638/QĐ-TTg, trong giai đoạn 2012-2015 sẽ tiếp tục đầu tư 156 dự án phát triển hạ tầng cho cả vùng. Đối với dự án do Trung ương quản lý, nhu cầu vốn để hoàn thành 56 dự án khoảng 94.368 tỉ đồng. Trong đó có 32 dự án đang triển khai với nhu cầu vốn 55.532 tỉ đồng nhưng chỉ mới bố trí được 23.360 tỉ đồng, đã có nguồn hơn 8.400 tỉ đồng; 24 dự án chưa triển khai nhu cầu vốn gần 90.000 tỉ đồng nhưng chỉ xác định nguồn gần 19.000 tỉ đồng, chưa xác định nguồn 70.677 tỉ đồng.

Đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của các địa phương (chưa bao gồm 25 dự án của tỉnh Kiên Giang) là 131 dự án với nhu cầu vốn đến năm 2015 gần 70.000 tỉ đồng. Trong đó, nguồn địa phương là 15.545 tỉ đồng, đề nghị Trung ương hỗ trợ 42.387 tỉ đồng, phần còn lại dự kiến huy động từ nguồn BOT, BT...

Như vậy, tổng nhu cầu vốn đầu tư kết cấu hạ tầng cho vùng ĐBSCL giai đoạn 2012-2015 đã lên đến gần 160.000 tỉ đồng, đây là một con số không nhỏ. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, lưu ý với Bộ GTVT và các địa phương: Cả nước có rất nhiều dự án đầu tư hạ tầng bức thiết chớ không riêng gì các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Trong khi nhu cầu vốn khá lớn nhưng nguồn lực đầu tư có hạn thì cần thiết phải lựa chọn sắp xếp và phân kỳ đầu tư hợp lý để phát huy hiệu quả đầu tư. Đối với khu vực ĐBSCL trong giai đoạn hiện nay chỉ nên xem xét ưu tiên các dự án có tính chất thúc đẩy phát triển vùng. Phó Thủ tướng cũng đồng ý đề xuất của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông về việc nhân rộng hình thức đầu tư BOT, BT và thí điểm hình thức đầu tư hợp tác công tư (PPP), xem đây là một trong những nguồn lực quan trọng để phát triển kết cấu hạ tầng vùng ĐBSCL.

Theo ông Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, những dự án được xem là bức thiết nhất thúc đẩy phát triển cho cả vùng phải kể đến là Dự án luồng tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu; dự án nâng cấp mở rộng kênh Chợ Gạo, dự án mở rộng quốc lộ 91.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết để tháo gỡ khó khăn về vốn cho một số công trình quy mô lớn và có tính chất quan trọng của vùng, Bộ đã trình Chính phủ nhiều phương án huy động vốn. Cụ thể, đề xuất Chính phủ xem xét trích nguồn tích lũy trái phiếu chính phủ hoặc đầu tư BT cho dự án nâng cấp kênh Chợ Gạo; đầu tư BT trả sau 2020 cho dự án nạo vét kênh Quan Chánh Bố, đầu tư theo hình thức BOT cho dự án mở rộng QL 1A từ Hà Nội-Cần Thơ...

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, tuy kinh tế toàn cầu đang gặp những khó khăn chung nhưng vẫn còn không ít nhà đầu tư, tập đoàn kinh tế đang rất mạnh về tài chính và mong muốn đầu tư sinh lợi. Nhiều nhà đầu tư Nhật, Hàn Quốc, Úc có năng lực tài chính mạnh rất mong muốn được đầu tư theo PPP tại Việt Nam nhưng còn dò xét về cơ chế, chính sách, thủ tục đầu tư. “Nhà đầu tư sẽ sẵn sàng đầu tư khi chính sách đầu tư minh bạch, thủ tục dễ dàng và quan trọng là phải xử lý triệt để hành vi chạy giấy phép dự án rồi giao lại cho nhà đầu tư khác”, ông Đông nói.

Bài, ảnh: PHÚ KHỞI

Chia sẻ bài viết