Ban Tổ chức vừa phát động cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng” TP Cần Thơ (năm 2019-2020), tập trung 5 lĩnh vực: Đồ dùng học tập, phần mềm Tin học, sản phẩm thân thiện với môi trường, dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em, giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhiều năm qua, cuộc thi là sân chơi học thuật góp phần khơi dậy tiềm năng và phát huy tư duy sáng tạo, giúp các em hình thành và chinh phục ước mơ “nhà sáng chế tương lai”, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp sáng tạo trong giới trẻ.
Mô hình “Ô chữ thông minh” của nhóm học sinh Trường THCS Lê Bình, quận Cái Răng, là một trong năm mô hình, giải pháp đạt giải Nhất của cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng” TP Cần Thơ năm học 2018-2019.
Nhiều mô hình, giải pháp độc đáo
Tại Lễ tổng kết cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng” (năm 2018-2019) vừa qua, mô hình “Ô chữ thông minh” của nhóm 5 học sinh Trường THCS Lê Bình, quận Cái Răng, được nhiều thầy cô, học sinh đánh giá cao bởi tính thiết thực trong học tập. Đây cũng là 1 trong 5 giải pháp, mô hình xuất sắc đạt giải Nhất trong cuộc thi.Nguyễn Ngọc Gia Bảo, học sinh lớp 9, tác giả mô hình, chia sẻ: “Xuất phát từ thực tế nhiều bạn gặp khó khi học ngoại ngữ, em và các bạn trong nhóm thiết kế 1 bàn cờ gồm 225 ô bố trí ở 15 hàng dọc và 15 hàng ngang. Ví dụ để học tiếng Anh, người chơi sẽ để chữ cái vào một ô, sau đó người chơi kế tiếp sẽ trả lời bằng một từ tiếng Anh có chữ cái đầu tương ứng và được điểm”. Mô hình này vừa tạo cho học sinh học ngoại ngữ hoặc các môn xã hội khác, như: Lịch sử, Địa lý… thông qua trò chơi tương tự như trò chơi domino, nên tạo sự hấp dẫn cho học sinh. Điều đáng trân trọng là mô hình này được nhóm thiết kế trên cơ sở tận dụng các vật liệu phế thải (giấy, nhựa), qua đó tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh.
Hay như mô hình “Máy chạy bộ đa năng Mamut” của Nguyễn Đăng Khôi, Đào Lê Trọng Tình và Bùi Ngọc Phương Vy, học sinh Trường Tiểu học Kim Đồng (quận Ô Môn) đã đạt giải Ba cuộc thi. Nguyễn Đăng Khôi chia sẻ: “Trong lớp em có 1 bạn béo phì nên nhóm nảy ra ý tưởng sẽ thiết kế một máy chạy bộ tại nhà để giúp bạn giảm cân, vừa tiết kiệm chi phí”. Vật liệu làm máy cũng được nhóm tận dụng các thiết bị từ mô tô loại nhỏ, các loại đèn pin từ máy khoan hỏng, đèn led trong đồ chơi cũ và băng chuyền thì được làm từ ống nước PVC. Máy có hệ thống Module điều chỉnh tốc độ khi chạy, đồng hồ đo tốc độ và hệ thống đèn led nhấp nháy theo tiếng nhạc tạo sự hấp dẫn cho người tập. Bên cạnh đó, máy cũng giống như chiếc xe có thể di chuyển dễ dàng hoặc chở bạn bè dạo chơi trong công viên. Theo Khôi, việc thiết kế mô hình không ít lần gặp khó khăn, phải làm đi làm lại nhiều lần, nhưng nhờ vậy em có được trải nghiệm bổ ích, từ việc áp dụng kiến thức học được từ nhà trường đến thỏa niềm đam mê sáng tạo, sáng chế thiết bị hữu ích trong cuộc sống từ những vật dụng tái chế. Khôi bộc bạch: “Em ước mơ trở thành bác sĩ, vì vậy em mong tương lai sẽ thiết kế nhiều mô hình hữu ích để phục vụ bệnh nhân tốt hơn”.
Đẩy mạnh phong trào “Sáng tạo trẻ”
Theo bà Nguyễn Ý Nguyện, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP Cần Thơ, cuộc thi năm 2018-2019, có gần 700 hồ sơ dự thi, trong đó có 113 hồ sơ dự thi cấp thành phố. Nhiều đơn vị, trường học đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát động cuộc thi ở địa phương và cấp trường nên thu hút nhiều học sinh dự thi. Qua đó, đã xuất hiện nhiều mô hình, giải pháp sáng tạo, có tính ứng dụng cao, như: Xe lăn thông minh, trang web tham vấn học đường về chủ đề hướng nghiệp, sách hình nổi về quê hương em. Hay như các mô hình mang đến nhiều tiện ích trong học tập, như: Xe phân loại rác thải hiện đại, web chúng em cần bảo vệ…
Ông Huỳnh Văn Tây, Hiệu trưởng Trường THCS Hưng Phú (quận Cái Răng) cho biết, từ năm 2017 đến nay, trường đều tổ chức cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng” cấp trường. Để thu hút học sinh tham gia tốt cuộc thi, trường bố trí mỗi lớp có góc sáng tạo, góc học tập; phân công giáo viên bộ môn hướng dẫn học sinh thực hiện các mô hình, ý tưởng sáng tạo. 3 năm qua, học sinh trường đã thực hiện nhiều sản phẩm, mô hình sáng tạo, như: Mô hình nhà bằng tăm tre, quạt hơi nước tái chế từ thùng xốp, thùng rác thông minh, bếp gas cảm biến… Còn ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Thạnh, chia sẻ bên cạnh phân công giáo viên hướng dẫn, giúp đỡ học sinh phát triển các kỹ năng, các trường còn tổ chức cho học sinh tham quan thực tế những mô hình sáng tạo của trường bạn; tọa đàm, giao lưu, chia sẻ giúp học sinh có thêm kiến thức, kỹ năng để phát triển ý tưởng. Đồng thời, các trường cũng đẩy mạnh tuyên truyền, khơi dậy niềm đam mê sáng tạo cho học sinh.
Theo bà Nguyễn Ý Nguyện, để cuộc thi ngày càng hiệu quả, các cấp, các ngành liên quan, đoàn thể tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ cho các em phát triển ý tưởng sáng tạo; đồng thời, tạo cầu nối gắn kết những sản phẩm đạt giải có ý tưởng tốt với các chương trình ươm mầm sáng tạo hướng tới khởi nghiệp trong và ngoài thành phố. Qua đó, giúp các em có cơ hội đưa sản phẩm vào phục vụ học tập và đời sống xã hội, tạo sức lan tỏa trong phong trào “Sáng tạo trẻ”.
Bài, ảnh: TÚ ANH