11/11/2019 - 19:16

Đồng bằng Sông Cửu Long

Ứng phó khi sông thiếu nước, phù sa phục vụ sản xuất 

Theo các nhà nghiên cứu, mùa nước nổi năm nay, ĐBSCL lại gặp "lũ cạn", mực nước thấp hơn trung bình nhiều năm từ 1-2m. Từ đó, lượng phù sa, cát sông Mekong về đồng bằng rất thấp, không những ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp mà còn kéo theo nguy cơ sạt lở bờ sông, bờ biển rất lớn. Trước những những bất lợi này, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cần sớm nghiên cứu, triển khai các giải pháp phù hợp cùng với người dân ứng phó, hạn chế tối đa các thiệt hại có thể xảy ra…

Đất thiếu phù sa

Hàng ngàn năm trước, ĐBSCL được hình thành do phù sa, cát sông Mekong bồi đắp. Tuy nhiên, khoảng 25 năm trở lại đây, sạt lở ngày càng gia tăng nhanh hơn so với quá trình bồi, đắp của phù sa, cát sông Mekong. Qua theo dõi của nhiều nhà khoa học, từ năm 2005, đường bờ biển ĐBSCL đã chuyển từ tình trạng bồi lấn sang tình trạng sạt lở, thụt lùi. Hiện nay khoảng 66%, tức hơn một nửa chiều dài bờ biển đang sạt lở, có nơi mỗi năm thụt lùi đến 50m, bờ sông thì sạt lở khắp nơi kể cả sông lớn, sông nhỏ diễn ra trên diện rộng và không còn bình thường như trước.

Huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ xây dựng công trình phòng tránh sạt lở bờ kênh Cái Sắn.

Nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở là do thiếu cát, phù sa vì các đập thủy điện ở thượng nguồn chặn lại và do khai thác cát trên sông ở tất cả các quốc gia nằm trên lưu vực sông Mekong. Theo số liệu nghiên cứu của Ủy hội sông Mekong so sánh giữa năm 1992 với năm 2014 thì tải lượng phù sa mịn của sông Mekong về hạ nguồn đã giảm 50%, từ 160 triệu tấn/năm (năm 1992) xuống còn 85 triệu tấn/năm (vào năm 2014) và hiện nay lượng phù sa này càng giảm hơn do hình thành thêm các đập thủy điện...

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL, nhận định: "Nguyên nhân gốc rễ của sạt lở bờ sông là do thiếu phù sa và thiếu cát. Vì vậy, không có biện pháp nào ở nội tại ĐBSCL có thể giải quyết nguyên nhân gốc rễ của tình trạng sạt lở bờ sông. Việc thực hiện các công trình hay phi công trình cũng chỉ là chống đỡ chứ không thể làm ngừng tình trạng sạt lở được".

Theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL nên thực hiện các giải pháp trước mắt để hạn chế thiệt hại tài sản, tính mạng người dân, như: chỉ xây dựng công trình bảo vệ ở những nơi xung yếu như thành phố, những nơi tập trung dân cư cần phải tuyệt đối bảo vệ; đối với những vùng ven sông ở nông thôn, thưa dân cư thì cần chủ động di dời người dân khỏi những nơi có nguy cơ sạt lở cao; quản lý, quy hoạch khai thác cát theo liên kết vùng, liên tỉnh vì khai thác cát ở một nơi sẽ ảnh hưởng toàn bộ dòng sông ở phía dưới và toàn bộ bờ biển.

Đối với việc xây dựng công trình phải hết sức cân nhắc bởi rất tốn kém, chi phí xây dựng 1km bờ kè có thể lên đến cả trăm tỉ đồng. Nhà nước sẽ không có đủ kinh phí làm bờ kè chạy theo kịp tình hình sạt lở được, vì khi làm bờ kè chống sạt lở nơi này thì sẽ làm gia tăng sạt lở nơi khác và cần chi phí duy tu bảo dưỡng. Chưa dừng lại ở đó, công trình chống sạt lở có thể tạo cảm giác an toàn giả, người dân thấy an tâm xây dựng ra sát bờ kè, khi bờ kè sụp đổ sẽ thiệt hại lớn hơn…

Chủ động ứng phó thiếu nước

Các địa phương trong vùng ĐBSCL thực hiện nhiều giải pháp ứng phó với tình trạng thiếu nước, phòng ngừa khô hạn, xâm nhập mặn xuất hiện. Điển hình ở tỉnh Sóc Trăng, ngành chức năng chủ động triển khai nạo vét toàn bộ hệ thống kênh mương nhằm trữ nước, phục vụ sản xuất lúa và rau màu cho bà con nông dân. Ngoài ra, Sóc Trăng cũng đề nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí cho địa phương đẩy nhanh tiến độ kiên cố hóa hệ thống đê bao ven biển, ven sông. Ở TP Cần Thơ cũng đang gấp rút triển khai các dự án quy hoạch tài nguyên nước; điều tra cơ bản tài nguyên nước; lập danh mục hành lang bảo vệ nguồn nước, phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn thành phố đi vào nền nếp, hiệu quả.

 Ở Bến Tre, các huyện và sở ngành chức năng vận động toàn dân trữ nước mưa phục vụ cho sinh hoạt, để tiêu xài những tháng mùa khô, tránh lặp lại tình trạng thiếu nước ngọt như đợt hạn năm 2016. Tỉnh Bến Tre vừa mới đưa vào sử dụng hồ chứa nước ngọt được đầu tư ở huyện Ba Tri, với kinh phí xây dựng trên 85 tỉ đồng. Hồ chứa nước ngọt có chiều dài 7km, có sức chứa hơn 800.000m3 nước, đủ để phục vụ sinh hoạt, sản xuất trong khoảng 6 tháng mùa khô cho khoảng 200.000 người dân, hơn 13.000ha đất nông nghiệp tại 24 xã, thị trấn của huyện Ba Tri…

Theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, để tăng cường sức chống chịu của ĐBSCL trước tình trạng thiếu nước, các địa phương cần khôi phục không gian của dòng sông, để nước có thể vào lại ruộng đồng, bắt đầu bằng việc giảm bớt một vụ lúa trong mùa lũ ở Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười. Khi nước lũ vào được hai vùng này, vùng phía dưới sẽ bớt ngập, không còn đê bao khép kín, nước có thể vào vườn, ao, hồ và như vậy sang mùa khô đồng bằng sẽ bớt khô hạn, bớt xâm nhập mặn sâu vào nội đồng. Còn vùng ven biển nên chuyển sang hệ canh tác mặn, không nên cố ngọt hóa để canh tác lúa khắp nơi như trước nữa...

PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu về biến đổi khí hậu - Trường Đại học Cần Thơ, khuyến cáo: người dân vùng ĐBSCL cần phải thay đổi mô hình sản xuất cho phù hợp bằng việc tiết kiệm nước trong sản xuất; chuyển dần canh tác lúa từ 2 đến 3 vụ sang những hình thức canh tác đa canh trên cả 3 vùng sinh thái nước ngọt, nước lợ và nước mặn, tạo giá trị lợi nhuận cao hơn. Bên cạnh đó, phải ngưng ngay việc mở rộng diện tích đê bao, chỗ nào làm lúa không còn hiệu quả thì dần dần mở, bỏ đê bao; điều chỉnh lịch thời vụ; đẩy mạnh nghiên cứu tìm ra các giống cây con mới có thể chịu đựng được khô hạn, nhiễm mặn.

"Trong canh tác nông nghiệp, biện pháp tưới tiết kiệm nước sẽ là một giải pháp giúp nông dân giảm chi phí sản xuất và phù hợp với sự suy kiệt nguồn nước. Ngoài ra, các biện pháp tích trữ nước, thu gom nước mưa, phục hồi nước ngầm, bảo tồn các vùng đất ngập nước, nạo vét củng cố hệ thống kênh mương, xây dựng và khai thác các nguồn năng lượng tái tạo như gió, mặt trời, sinh khối, dòng chảy nhằm phục vụ sản xuất và sinh hoạt cũng cần được các cấp, các ngành, người dân quan tâm thực hiện"- PGS.TS Lê Anh Tuấn nhấn mạnh.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết