18/10/2009 - 09:25

BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TÁC ĐỘNG ĐẾN ĐBSCL

Ứng phó bằng sự thân thiện với môi trường

Chịu tác động của biến đổi khí hậu, lượng mưa trong mùa mưa hàng năm ở ĐBSCL nhiều hơn, gây ngập úng nhiều nơi, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt người dân. Trong ảnh: Sau trận mưa to, ngày 5-10-2009, đường Trần Văn Hoài, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ bị ngập sâu.

Biến đổi khí hậu đã và đang đặt ra không ít thách thức đối với nhiều khu vực, lãnh thổ, quốc gia. Tại Việt Nam, ĐBSCL là một trong những vùng được cảnh báo sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề do mực nước biển dâng cao. Ứng phó như thế nào để có thể bảo tồn và phát triển bền vững ĐBSCL là vấn đề được đề cập đến trong nhiều cuộc hội thảo. Tại Hội thảo “Về sự tổn thương, nguy cơ biến đổi khí hậu và chiến lược thích ứng ở TP Cần Thơ và tỉnh Trà Vinh” diễn ra vào đầu tháng 10-2009 tại TP Cần Thơ, các nhà khoa học và lãnh đạo địa phương đã nghiêm túc thảo luận những kinh nghiệm, giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu ở ĐBSCLtrong tương lai...

* Dự báo hiểm họa tương lai

ĐBSCL có diện tích hơn 3,9 triệu héc-ta, là vùng hạ lưu cuối cùng của sông Mê Công trước khi đổ ra biển, giàu có về nguồn lợi thủy sản. Dựa vào nguồn lợi tự nhiên này, ĐBSCL đã đẩy mạnh phát triển các hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Hiện, ĐBSCL đóng góp khoảng 50% tổng lượng lương thực, 90% lượng gạo xuất khẩu, 60% sản lượng thủy sản cho cả nước.

ĐBSCL còn là vùng đất ngập nước tự nhiên, đa dạng về mặt sinh học với hệ thống rừng đặc dụng và khu hệ núi đá vôi Kiên Lương - Hà Tiên (Kiên Giang). Tính đa dạng sinh học của ĐBSCL rất cao, phong phú cả về lượng và loài động, thực vật. Theo giáo sư tiến sĩ Đoàn Cảnh, nghiên cứu viên cao cấp, Viện Sinh học nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, mặc dù chưa được kiểm kê đầy đủ nhưng có thể khẳng định ĐBSCL cực kỳ đa dạng về mặt sinh học. Tuy nhiên, khu vực này lại đang đứng trước những hiểm họa do biến đổi khí hậu gây ra.

Báo cáo của Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường TP Cần Thơ cho thấy, trong vòng 30 năm qua, lượng nước trên sông Hậu giảm cả trong mùa khô và mùa lũ, trong khi mực nước biển tăng 3mm/năm. Trước đây, trong 100 năm mới có 1 cơn bão đổ vào ĐBSCL, nhưng thời gian gần đây, cứ 3 năm khu vực này đã có 1 cơn bão. Kết quả đo đạc của trung tâm vào năm 2004 còn phát hiện độ mặn 1/1000 đã xâm nhập sông Hậu, chỉ cách TP Cần Thơ 15 km. Ông Kỷ Quang Vinh, Giám đốc Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường TP Cần Thơ, cảnh báo: “Hằng năm, ĐBSCL đều có lũ về mang theo phù sa bồi đắp và nguồn lợi tôm cá. Nhưng, trong điều kiện nước mặn đã xâm nhập sâu vào nội địa kết hợp với nước biển dâng cao, ĐBSCL có nguy cơ hứng chịu những trận lũ mặn xảy ra. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nuôi trồng thủy sản và sản xuất nông nghiệp”.

Theo các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, Trường Đại học Cần Thơ, biến đổi khí hậu đang tác động đến đời sống con người và sinh vật ở TP Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung. Trong vòng 30 năm qua, nhiệt độ trung bình đã tăng 0,50C, khô hạn xảy ra từ tháng 1 đến tháng 5 hằng năm làm lượng nước sông Hậu không đủ cung cấp cho sản xuất nông nghiệp. Nhưng vào mùa lũ, nước lại ngập sâu hơn; mùa mưa thì lượng mưa nhiều hơn gây ngập úng. Sạt lở đất, lốc xoáy cũng đã xảy ra, gây thiệt hại không nhỏ. Điều đáng lo ngại hơn, biến đổi khí hậu đã được dự báo trước nhưng tác động cũng như mức độ thiệt hại chưa được lượng định chính xác. Mực nước biển dâng sẽ nhấn chìm nhiều vùng đất là điều có thể tiên đoán nhưng mức độ ngập, thời gian ngập úng cũng chưa thể xác định.

Theo một nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, ĐBSCL với địa hình trũng thấp, nước biển dâng có thể làm diện tích ngập, ngập sâu hơn 1m gia tăng đáng kể: 21% diện tích bị ngập nếu mực nước biển dâng 30cm; 54% nếu mực nước biển dâng 100cm. Tiến sĩ Trần Thanh Bé, Giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, Trường Đại học Cần Thơ, nhận định: “Ở kịch bản nước biển dâng 30cm, phần lớn các nơi nuôi trồng thủy sản có bờ bao của TP Cần Thơ sẽ bị ngập. Nước biển dâng 100cm, các quận, huyện ngoại thành như: Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh sẽ ngập toàn bộ. Đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, lượng mưa nhiều, nhiệt độ tăng không bị ảnh hưởng nghiêm trọng như mực nước biển dâng cao”.

* Gắn liền giữa bảo tồn và phát triển

Tại các cuộc hội thảo về biến đổi khí hậu, nhiều vấn đề đã được bàn thảo, như: lập kế hoạch hành động, giải pháp thích ứng, sống chung với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường... . Trong đó, bảo tồn để phát triển và phát triển để bảo tồn là giải pháp được nhiều nhà khoa học quan tâm. Sự đa dạng sinh học với nguồn tài nguyên sinh vật giàu có, hệ thống rừng đặc dụng không chỉ góp phần rất lớn trong việc cân bằng hệ sinh thái, giảm nhẹ thiên tai mà còn là nền tảng phát triển ĐBSCL.

Tại diễn đàn “Bảo tồn thiên nhiên và văn hóa vì sự phát triển bền vững ở ĐBSCL” (Diễn đàn Bảo tồn ĐBSCL) do Quỹ Quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên tổ chức tại TP Cần Thơ vào đầu tháng 6-2009, Giáo sư Đoàn Cảnh, nghiên cứu viên cao cấp Viện Sinh học Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, nhấn mạnh: “Để bảo tồn đa dạng sinh học, phải chuyển từ khai thác để phát triển sang bảo tồn để phát triển bền vững. Để làm được điều này, đòi hỏi phải có chiến lược quản lý tài nguyên nước và lưu vực sông cũng như sự phát triển các ngành, lĩnh vực. Trong đó, những việc quan trọng là: thúc đẩy bảo vệ rừng, sử dụng hợp lý đất đai, củng cố và quản lý tốt các khu bảo tồn thiên nhiên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và xóa đói giảm nghèo”. Nhiều nhà khoa học đề xuất hình thành Khu Dự trữ sinh quyển ĐBSCL. Đồng thời, phải lồng ghép với các quy hoạch phát triển kinh tế xã hội phục vụ phát triển bền vững, nâng cao phúc lợi con người phù hợp với đặc trưng các yếu tố tự nhiên ở địa phương.

Tại hội thảo “Về sự tổn thương, nguy cơ biến đổi khí hậu và chiến lược thích ứng ở TP Cần Thơ và tỉnh Trà Vinh” vừa được tổ chức tại TP Cần Thơ vào đầu tháng 10-2009, các đại biểu cũng đề nghị: lập đê biển, đê sông, dự trữ nước lũ vừa phục vụ sản xuất trong mùa khô vừa đẩy mặn ra biển; nâng cao nhận thức của cộng đồng, ý thức trách nhiệm của các cấp lãnh đạo, bảo vệ môi trường, giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính... Việc tạo ra giống cây trồng vật nuôi có khả năng chống chịu, bố trí mùa vụ thích ứng với biến đổi khí hậu là giải pháp pháp thiết thực, phù hợp với đặc trưng sản xuất nông nghiệp của ĐBSCL. Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Bảo Vệ, khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ, từng khẳng định tại Diễn đàn bảo tồn ĐBSCL: “Việc bố trí lại cây trồng, vật nuôi để phù hợp với điều kiện mới và hiệu chỉnh kỹ thuật canh tác là biện pháp hữu hiệu, có thể áp dụng ngay, ít tốn kém mà người dân cũng dễ dàng tham gia”.

***

Những thay đổi, tác động của biến đổi khí hậu đối với ĐBSCL là quá trình lâu dài, có thể dự báo trước nhưng ứng phó có kịp thời, hiệu quả hay không còn tùy vào động thái của cả cộng đồng. Sự thân thiện với môi trường, bảo tồn tài nguyên để phát triển sẽ là giải pháp hữu hiệu. Và để có kế hoạch hành động khả thi, cần phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa các cấp lãnh đạo, nhà khoa học, các ban ngành có liên quan. Trong đó, chính quyền đóng vai trò chủ đạo, bởi công tác chuẩn bị, hành động ứng phó lệ thuộc rất nhiều vào thể chế.

Bài, ảnh: BĂNG TÂM

Chia sẻ bài viết