01/12/2022 - 19:58

Ứng dụng công nghệ hiện đại phục vụ phát triển ngành thủy sản Việt Nam 

(CT) - Ngày 1-12, tại TP Cần Thơ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo giới thiệu sản phẩm, công nghệ của Viện, phục vụ phát triển ngành thủy sản.

Các đại biểu tham quan sản phẩm, công nghệ phục vụ ngành thủy sản, được trưng bày tại hội thảo.

Việt Nam là nước xuất khẩu thủy sản lớn thứ ba thế giới (sau Trung Quốc và Na Uy) với giá trị 8,9 tỉ USD trong năm 2021. Dự báo năm 2022, xuất khẩu thủy sản sẽ vượt mốc hơn 10 tỉ USD, tăng hơn 12% so với năm 2021. Theo các chuyên gia, sau 2 năm xảy ra đại dịch COVID-19, một số xu hướng mới trong tiêu thụ thủy sản của thế giới đã được định hình, tác động tích cực đối với ngành thủy sản Việt Nam như mua bán trực tuyến, thúc đẩy bán lẻ. Lao động chế biến thủy sản có xu hướng chuyển dịch từ Trung Quốc sang các nước châu Á khác là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam gia tăng hoạt động gia công, chế biến. Bên cạnh đó, thương mại 2 chiều giữa các nước thành viên của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương gia tăng giúp Việt Nam tận dụng được hiệu quả thuế quan ưu đãi. Tuy nhiên, ngành thủy sản cũng chịu tác động từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng quốc tế, lạm phát tăng cao, giảm sức mua và giảm khả năng cạnh tranh do giá thành phẩm tăng theo chi phí đầu vào...

Tại hội thảo, các cơ quan nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng các chuyên gia, doanh nghiệp tập trung giới thiệu các sản phẩm công nghệ phục vụ phát triển ngành thủy sản, mô hình nuôi trồng kết hợp ngăn ngừa dịch bệnh cho thủy sản, ứng dụng công nghệ tiên tiến để tạo ra các chuỗi sản phẩm có giá trị gia tăng cao, chung tay chống hàng gian, hàng giả, xây dựng và bảo vệ thương hiệu cho ngành hàng thủy sản. Các chuyên gia cho rằng, để khai thác các cơ hội phát triển mới cho ngành thủy sản, doanh nghiệp cần phải đổi mới mô hình kinh doanh, ứng dụng khoa học công nghệ, quản trị dựa trên công nghệ, hướng tới các mục tiêu phát triển sáng tạo, bền vững, bao trùm. Trong các hoạt động nghiên cứu đòi hỏi sự phối hợp đa ngành, đa lĩnh vực, giúp các doanh nghiệp và địa phương mở ra cơ hội hợp tác và cùng nhau phát triển. Từ đó giúp DN thủy sản ngày càng phát triển, xây dựng thương hiệu và bảo vệ thương hiệu, giữ vững chỗ đứng trên thị trường, tạo ra những thương hiệu quốc gia mang đẳng cấp quốc tế.

Tin, ảnh: THANH ĐÌNH

Chia sẻ bài viết