03/10/2010 - 09:03

Tưởng niệm Tướng Cao Văn Khánh nhân 30 năm ngày ông mất

Ngày 2-10, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cùng gia đình Tướng Cao Văn Khánh tổ chức Lễ tưởng niệm Tướng Cao Văn Khánh (1917 - 1980) nhân 30 năm ngày mất với sự hiện diện của gia đình, người thân, bạn bè và các đồng ngũ của ông.

Cuộc đời và sự nghiệp của Trung tướng Cao Văn Khánh đã để lại trong lòng những người thân, người đồng chí, những học trò nhiều tình cảm sâu sắc. Ông sinh tại Huế, trong một gia đình trí thức của triều Nguyễn, học bằng cử nhân Luật, tham gia phong trào Hướng đạo, trở thành nhà giáo dạy ở Huế. Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, ông gia nhập Chi đội Giải phóng quân Trần Cao Văn tỉnh Thừa Thiên - Huế, lên đường Nam tiến. Từ đây, cuộc đời của ông gắn bó với con đường binh nghiệp, trở thành nhà tham mưu chiến lược của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông gắn bó với những chiến trường ác liệt là miền Trung và Tây Nguyên, tham gia hầu hết các chiến dịch quan trọng như Khe Sanh (1968), Chiến dịch Đường 9 Nam Lào (1971), Quảng Trị (1972), Tây Nguyên (1974)... Ông đã đảm nhiệm các trọng trách là Phó Tư lệnh Mặt trận B3, Quân khu Trị Thiên, Quân khu 4, Tư lệnh Mặt trận Hạ Lào, sau đó Phó Tư lệnh thứ nhất Bộ Tư lệnh B70...

Sau gần 30 năm trực tiếp chỉ huy tác chiến tại các chiến trường, năm 1974, ông được điều về làm việc tại cơ quan Bộ Tổng Tham mưu trên cương vị Phó Tổng Tham mưu trưởng và được thăng quân hàm Thiếu tướng. Đây là thời gian khẩn trương chuẩn bị cuộc tổng tiến công và nổi dậy lịch sử năm 1975, với những kinh nghiệm trận mạc, những kiến thức thu được từ thực tế chiến trường, Tướng Cao Văn Khánh đã có những ý kiến đóng góp quan trọng trong việc hình thành kế hoạch tác chiến giải phóng miền Nam. Trong cuộc tổng tiến công mùa xuân 1975, cùng với Đại tướng Hoàng Văn Thái, Tướng Cao Văn Khánh là một trong những trợ thủ đắc lực của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp.

Chiến tranh kết thúc, Tướng Cao Văn Khánh hết sức coi trọng công tác nghiên cứu khoa học quân sự. Ông đã dành nhiều thời gian để chỉ đạo xây dựng hệ thống cơ quan khoa học từ Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, quân đoàn, quân khu, các quân binh chủng, các nhà trường, học viện, các cục chức năng cho đến các cơ quan cao nhất trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu (Bộ Quốc phòng).

HOÀNG MINH NGUYỆT (TTXVN)

Chia sẻ bài viết