13/05/2019 - 19:47

Tuổi trẻ băn khoăn 

Truyện ngắn: PHONG LINH

Tôi ngồi một mình trong quán cà phê quen, vẫn góc khuất quen, vẫn ly cà phê đen không đường, nhiều đá. Đĩa nhạc của quán tôi nghe đã sắp thuộc hết thứ tự của từng bài. Ngày qua ngày nối nhau rời bỏ tôi, và tôi vẫn ngồi im, mà nói như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là đang chờ đợi, nhưng thật ra chỉ là thảnh thơi mà thôi. Tôi không chờ đợi ai, tôi cũng không nghĩ ngợi điều gì to tát, tôi chỉ muốn cảm nhận rõ thời gian đang trôi đi.

Giữa một buổi trưa, nàng xuất hiện. Tóc dài, mắt đen, váy dài. Nàng dường như thật khác biệt ở cái quán toàn khách quen, mặt mày xám xịt vì thiếu ánh nắng mặt trời này. Nàng ngồi xuống, gọi một chai bia, rồi uống từng ngụm nhỏ. Một lúc sau nàng lôi từ trong túi ra một cuốn sách, tôi trông thấy đó là cuốn “Để em khỏi lạc trong khu phố” của Patrick Modiano, một nhà văn tôi cũng rất thích. Tôi đã đọc hết số sách của ông được dịch và xuất bản ở Việt Nam, trong đó tôi vô cùng thích cuốn này. Nàng ngồi ở một góc đối diện tôi, và tôi có thể nhìn thấy sự chăm chú của nàng. Thật dễ chịu, khi nhìn một người con gái đọc sách.

Nàng đọc chừng một tiếng, lúc đó mới ngẩng lên, vừa hay chạm vào ánh nhìn của tôi, nhưng nàng chẳng có vẻ gì bối rối. Nàng nhìn mà như không thấy gì rồi gập sách lại. Trời hình như đã về chiều, và khách ở quán cũng bắt đầu đứng lên ra về, có thể cho kịp giờ cơm tối, hay có thể để tránh giờ kẹt xe.

Khuôn mặt nàng vẫn trầm lặng như không hề có những dịch chuyển nào khác ở xung quanh. Rồi nàng hát rất khẽ. Hình như đó là vài câu trong “Someone like you” của Adele. Đột nhiên, không hiểu bởi bài hát hay bởi giọng hát, tôi thấy buồn quá. Nỗi buồn từ đâu ập đến, vu vơ như chính những ngày tuổi trẻ tôi đang ngồi yên đây.

Rồi bất ngờ nàng đến bên cạnh tôi, ngồi xuống và nói:

“Tôi không biết mình buồn / Cho đến khi tôi nghe nàng hát. Đó là hai câu thơ của Li-Young Lee, rất đúng với anh vào lúc này”. Nàng chợt mỉm cười.

“Không ngờ thời này vẫn còn người thuộc thơ”. Tôi cười nói với nàng, dĩ nhiên bài này tôi biết, nó khá buồn và ông tác giả thì nổi tiếng. Sau đó, cứ tự nhiên nàng nói chuyện với tôi, như là chúng tôi đã từng gặp nhau nhiều lần trước đó. “Tôi thấy anh hình như thích cuốn sách tôi đang đọc, vì thấy anh nhìn nó rất chăm chú”. Đúng thật, tôi đã đọc hai lần và những điều trong sách khiến tôi thực sự xúc động.

Sau đó chúng tôi không cần phải nói gì thêm với nhau, cùng bước ra quán, đường phố đã bị bóng tối bao trùm. Và cứ thế, chúng tôi đi cùng nhau qua các ngõ ngách của thành phố, đúng hơn là tôi đi theo nàng. Chúng tôi nói với nhau rất nhiều câu chuyện về những bài thơ, những cuốn sách, những bộ phim.

Những ngày sau, những ngày sau nữa, nàng vẫn đến quán vào một giờ nhất định và vẫn đem theo cuốn sách “Để em khỏi lạc trong khu phố”, chăm chú đọc. Nhờ có nàng, tôi cũng đã bắt đầu quay lại đọc những cuốn sách đã nằm lặng trên giá từ khá lâu.

Một tuần liên tục, không có ngày nào chúng tôi không đi bộ cùng nhau. Đó là những giây phút thật tuyệt vời, những giây phút tôi tưởng như đã rời khỏi hẳn mọi thực tại buồn bã của mình, quên đi việc bị đuổi việc, bị cướp ý tưởng, quên đi cả sự phản bội của những người tôi tin sẽ đứng về phía mình, quên đi cả cái tuổi hai mươi đầy hoang mang này. Nhưng rồi nàng đột ngột biến mất cũng như khi đột ngột xuất hiện. Tôi không biết nàng sống ở đâu, cũng không biết số điện thoại của nàng… Tôi không biết gì ngoài cuốn sách nàng hay mang theo.

Tôi còn nhớ một buổi tối khi cùng đi bộ, nàng đã hỏi tôi, cuốn sách từng luôn ở bên cạnh anh là cuốn gì. Tôi trả lời là “Hóa thân” của Kafka, nó khiến tôi tạm quên đi thực tại mình là một con người. Nàng khẽ cười, “Thực ra tôi không lụy vào sách như thế, tôi mang cuốn sách này, vì nó là một di vật”. “Di vật?”. Tôi hỏi, nhưng nàng lặng thinh.

Một hôm, sau rất nhiều ngày không gặp nàng, có một người đàn ông mang đến tôi một lá thư. Ông đột ngột nói: “Tôi được nhờ chuyển thư này đến cậu. Chồng cô ấy chuyển công tác nhanh quá, nên không kịp đến chào tạm biệt”. Và nói thêm một hơi dài: “Như đang phải điều trị bệnh trầm cảm. Cô ấy không chịu được những không gian quen thuộc, bởi trong tâm trí cô ấy tồn tại một dạng ám ảnh về sự chia lìa. Cô ấy sợ sự thân thuộc. Nên chồng cô đã xin thường xuyên được luân chuyển, để đi đến các chi nhánh khác nhau, mong cô ấy có thể dần dần hồi phục”.

Tôi chỉ kịp hiểu rằng giờ tôi biết tên nàng là Như. “Tôi là lái xe của chồng cô Như. Ông đã cứu cô ấy khỏi những lần tự tử vì trầm cảm”, người đàn ông lại nói. Thật vậy sao? Khi tôi gặp nàng, tôi không thấy có bất kỳ dấu hiệu nào không bình thường. “Từ khi gặp cậu, cô ấy bắt đầu khóc mỗi đêm, nói nghe thấy tiếng người di chuyển, tiếng người đang dần bỏ rơi cô ấy. Bác sĩ nói đó là bởi quá khứ tuổi thơ bị cha mẹ bỏ rơi đã in quá sâu, không thể xóa được”. Ông nói xong câu ấy, rồi lại tiếp: “Nhưng hình như nhờ có cậu, cô ấy đã cười nhiều hơn. Những khi đi dạo cùng cậu hình như là lúc cô ấy rất tỉnh táo. Nhưng cô ấy không thể giữ liên lạc. Những mối liên hệ gắn bó khiến cô ấy sợ hãi ngày điều đó mất đi và tâm trí rối loạn”. Nói xong lần này, ông đi thẳng ra cửa.

Lá thư của nàng, hình như viết rất vội. Nàng nói: Đừng tin Kafka, hãy tin Camus. “Trong suốt thời gian quen biết anh, tôi mới biết đến họ. Tôi đã đọc Kafka và Camus khi nghe anh nhắc đến, và tôi thực tình mong muốn anh đặt niềm tin vào Sisyphus(*) nhé. Mỗi ngày đều trôi đi như nhau, với những kẻ chỉ ngồi yên một chỗ như chúng ta, nghe thật nhàm chán nhỉ, nhưng, giữa những nhàm chán ấy ắt có hạnh phúc”.

Bây giờ ít ra tôi đã hiểu tại sao nàng lại thích cuốn sách “Để em khỏi lạc trong khu phố” đến vậy. Cảm giác tỉnh dậy, cảm nhận những người thân yêu đã rời đi, thật đáng sợ… Tôi chợt thấy có điều gì đó vừa đi qua đây. Tôi không cảm thấy sẽ tin ai, tôi chỉ cảm thấy tôi nên tin nàng. Tôi nên đứng dậy, đi ra khỏi đây, tôi cần hít thở không khí.

Tôi đi qua các con đường chúng tôi đã cùng đi, chưa bao giờ tôi đi qua chúng vào giữa ban ngày. Quả thực, dưới ánh sáng mặt trời, trông chúng thật rực rỡ. Tôi nhớ đến những điều tôi đã đọc được, nghe được, tôi nghĩ về cuộc đời của tôi, về tuổi trẻ đang trôi đi, tựa hồ như rất gần. Ít ra tôi đã có người bạn đầu tiên có thể cùng tôi làm những việc cả hai cùng thích thú, dù thật ngắn ngủi.

Có lẽ tôi sẽ không gặp nàng nữa. Có lẽ khi nàng khỏi bệnh nàng sẽ quên đã từng gặp gỡ tôi. Ánh mặt trời mới rực rỡ làm sao, nó khiến mặt tôi nóng bừng. Nhưng tôi cảm thấy, đôi chân đang bước về phía mặt trời, có lẽ ấy là nơi Sisyphus sống và cảm thấy hạnh phúc.

(*) “Thần thoại Sisyphus” là tiểu luận của nhà văn Albert Camus, luận bàn về hạnh phúc của con người.

Chia sẻ bài viết