02/03/2010 - 21:02

Tuổi 80 vẫn tích cực với công tác xã hội

Đó là ông Tám Cường (Nguyễn Văn Cường, ngụ ấp 8, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ). Tuổi đã cao nhưng ông vẫn hăng say tham gia công tác xã hội ở địa phương. Từ việc làm cầu, làm đường, cho đến cất nhà tình thương cho hộ nghèo,... ông đều tích cực tham gia với vai trò đầu tàu. Ngoài ra, ông Tám còn dành riêng khoản lợi nhuận từ hai công ruộng để giúp đỡ bà con trong xóm, ấp khi gặp khó khăn.

Con đường đi vào ấp 8, xã Thới Hưng, thẳng tắp với hàng cây xanh ven đường rợp bóng mát. Không quá khó để tìm nhà của ông Tám Cường. Bởi người dân nơi đây không còn xa lạ với hình ảnh một ông cụ có mái tóc bạc phơ, nước da ngăm, tay cầm quyển sổ thường đến nhà vận động người dân tham gia làm cầu, đường, ủng hộ gạo, cất nhà tình thương cho người nghèo. Gặp chúng tôi, chưa kịp uống ly trà nóng, ông Tám Cường phấn khởi khoe: “Tết Canh Dần năm nay, bà con nơi đây không chỉ vui vì trúng mùa, được giá mà còn có thêm niềm vui khi cây cầu bê tông bắc qua kinh ấp 8 hoàn thành, giúp bà con đi lại thuận tiện, nhất là mấy cháu học sinh”.

Cách đây hơn 4 tháng, người dân ấp 8 vẫn còn đi lại trên cây cầu ván xuống cấp nghiêm trọng. Các trụ cầu xiêu vẹo, ván lót mặt cầu gãy nhiều chỗ, khi xe cộ qua lại, cây cầu rung rinh như chiếc võng, người dân đi lại rất khó khăn. Nhà cách cầu chỉ vài chục mét, anh Út Hùng thường xuyên chứng kiến cảnh người dân qua cầu bị té xuống sông hoặc va quẹt xe. Anh Út Hùng nhớ lại: “Có khi trời gần sáng, tôi nghe tiếng động lớn, chạy ra xem chuyện gì thì thấy cả người lẫn xe đều ở dưới kinh, do bị té khi qua cầu. Còn chuyện va quẹt, sụp bánh xe xuống mặt cầu xảy ra hằng ngày. Có được cây cầu mới như hôm nay, công lao của ông Tám Cường không nhỏ”. Cầu kinh ấp 8 là cây cầu huyết mạch nối liền tuyến giao thông liên xã Thới Hưng với thị trấn Cờ Đỏ, có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông rất đông. Dù cầu xuống cấp nghiêm trọng nhiều năm liền nhưng do nguồn kinh phí của địa phương có hạn nên cầu chưa được xây mới. Ông Trần Văn Tươi, Trưởng ấp 8, xã Thới Hưng, cho biết: “Tính sơ bộ chi phí xây mới cầu ấp 8 cũng trên 40 triệu đồng. Đây là khoản kinh phí không nhỏ đối một xã vùng sâu như Thới Hưng. Do vậy, mỗi năm địa phương chỉ biết sửa chữa tạm để bà con qua lại. Còn chuyện xây cầu mới phải tính đến phương án xã hội hóa. Là một ấp thuần nông nên việc vận động người dân đóng góp tiền của cũng hết sức khó khăn. Tuy nhiên, bằng uy tín, quyết tâm của ông Tám Cường, bà con đã nhiệt tình ủng hộ đóng góp để xây mới cầu ấp 8”. Giữa năm 2009, kế hoạch xây dựng cầu ấp 8 được thông qua và ông Tám Cường được giao trọng trách đi vận động người dân. Ông Trần Văn Tươi nhớ lại: “Người đứng ra làm công tác vận động bà con không chỉ có uy tín, được bà con tín nhiệm cao mà còn nhiệt tâm. Việc này ông Tám Cường phụ trách là thích hợp nhất”. Người ghi danh đầu tiên vào danh sách đóng góp kinh phí chính là ông Tám, rồi đến các con cháu của ông. Ông Tám Cường cho biết: “Là người đảm trách việc vận động, gia đình mình phải thực hiện trước thì nói bà con mới nghe”. Vợ chồng ông tuy tuổi cao sức yếu, thu nhập chính dựa vào 5 công ruộng nhưng ông vẫn mạnh dạn ủng hộ 1 triệu đồng. Tuy số tiền không nhiều nhưng mang đầy ý nghĩa và có tác động rất lớn đến suy nghĩ của người dân địa phương. Sau hơn một tháng trời tích cực vận động, ông Tám Cường đã quyên góp được số tiền gần 50 triệu đồng, đủ để xây cầu. Giữa tháng 11-2009, cầu ấp 8 bắt đầu khởi công xây dựng và hoàn thành chỉ sau hơn 1 tháng thi công. Và đây chỉ là một điển hình trong số các công trình giao thông ở địa phương có sự tham gia đóng góp của ông Tám Cường.

Câu chuyện vợ chồng ông Tám Cường dành lợi nhuận riêng từ 2 công ruộng để làm công tác xã hội làm nhiều người cảm phục. Vợ chồng ông Tám có 10 người con, đều khôn lớn. Sau khi phân chia đất cho các con làm của ra riêng, còn lại 5 công đất vợ chồng ông Tám Cường để dưỡng già. Trong đó, ông phân chia rất rõ ràng, 3 công đất để làm chi phí sinh hoạt hằng ngày, còn lại 2 công làm từ thiện xã hội, giúp bà con trong xóm ấp. Ông Tám Cường nói: “Vợ chồng tôi đã từng trải nghiệm những khó khăn trong cuộc sống nên rất cảm thông và mong muốn chia sẻ với bà con nghèo”.

Tết Canh Dần vừa qua, gia đình anh Ba Thiện ở ấp 8, xã Thới Hưng, vui mừng khôn xiết vì đón xuân trong căn nhà lành lặn. Trước đây, gia đình anh Thiện sinh sống ở huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Không đất sản xuất, không nghề nghiệp ổn định, gia đình anh Thiện phiêu bạt nhiều nơi để làm mướn, làm thuê kiếm sống qua ngày. Năm 2000, gia đình anh Thiện đến ấp 8, xã Thới Hưng cắt lúa thuê, rồi định cư cho đến nay. Căn nhà lụp xụp, trống trước, hở sau, cất nhờ trên phần đất của người em bà con, diện tích chưa đầy 40m2, chính là nơi ở của 7 nhân khẩu. Căn nhà xiêu vẹo, dột rách nhiều nơi nhưng anh Thiện vẫn chưa có tiền sửa lại. Thương cho hoàn cảnh của anh Thiện, ông Tám Cường đốn cây, mua lá, rồi dựng lại căn nhà mới cho gia đình anh. Anh Ba Thiện xúc động nói: “Nhà nghèo, lo cái ăn cái mặc hằng ngày còn khó nói chi đến chuyện sửa nhà. Cũng nhờ tấm lòng nhân ái của của ông Tám Cường mà gia đình tôi mới có căn nhà mới vui xuân, đón Tết”.

Anh Nguyễn Văn Thanh, ở ấp 8, cho biết: “Tôi thường xuyên gặp ông Tám Cường đi vận động bà con sửa cầu, làm đường, cất nhà tình thương cho bà con nghèo hay tặng gạo, nước mắm, bột ngọt,... Có lúc, ông đến nhà hỏi thăm công việc sản xuất, học hành của con em nhiều gia đình chòm xóm. Việc làm của ông Tám Cường làm cho chúng tôi hết sức cảm phục, xem ông ấy như người ông, người cha đáng kính”.

Ông Nguyễn Văn Ba, Chủ tịch MTTQ xã Thới Hưng, cho biết: “Thới Hưng là một xã vùng sâu, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Trong những năm qua, xã đã có nhiều nỗ lực từng bước xóa cầu tạm, đường đất,... phát triển hệ thống giao thông nông thôn. Tuy nhiên, do nguồn vốn còn hạn chế nên công tác xây dựng giao thông nông thôn phải thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Trong đó, ấp 8 là địa phương dẫn đầu phong trào này ở xã. Đạt được kết quả đó, không thể không nói đến vai trò tiên phong của ông Tám Cường. Ngoài việc đóng góp tiền và vận động người dân xây dựng cầu, đường giao thông, ông Tám còn tham gia đóng góp cất nhà tình thương, tặng gạo, nước mắm, bột ngọt,... cho người nghèo. Tấm lòng của lão nông ở tuổi 80 này thật đáng trân trọng”.

Bài, ảnh: VÂN LÂM

Chia sẻ bài viết