14/07/2008 - 15:58

Trường trung học cơ điện và kỹ thuật nông nghiệp Nam Bộ:

Từng bước nâng cao năng lực và chất lượng đào tạo nguồn nhân lực

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa tiến hành khảo sát toàn diện Trường Trung học Cơ điện và Kỹ thuật Nông nghiệp (THCĐ&KTNN) Nam bộ để thẩm định, nâng cấp thành Trường Cao đẳng Kỹ thuật. Để xứng tầm là một trường cao đẳng kỹ thuật đào tạo đa ngành nghề, đa cấp học, bên cạnh được đầu tư về nhiều mặt, trường cũng đang nỗ lực đổi mới chương trình đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, giáo viên...


Con đường dẫn vào khu hiệu bộ, Trường THCĐ&KTNN Nam bộ được lót đá sạch đẹp. Nhiều căn phòng vừa được xây dựng xong, còn thơm mùi vôi mới. Phía bên trái là dãy phòng học, đi sâu vào trong là khu thực hành, thực tập và dãy nhà ký túc xá được xây dựng kiên cố... Theo thạc sĩ Lê Thái Dương, Hiệu trưởng Trường THCĐ&KTNN Nam bộ, dự án ADB giai đoạn I đã đầu tư 32 tỉ đồng để trường nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, phục vụ đào tạo các ngành: cơ điện - nông nghiệp - chế biến và kinh tế... Sau khi kết thúc giai đoạn I, dự án ADB tiếp tục đầu tư giai đoạn II, với kinh phí 16 tỉ đồng để hiện đại hóa các trang thiết bị phục vụ cho các ngành đào tạo ở bậc cao đẳng.

Thạc sĩ Lê Thái Dương giới thiệu với chúng tôi phòng Tự động hóa của trường, được xây dựng từ năm học 2007-2008 với nhiều thiết bị hiện đại, như: máy CNC (tiện và phay) điều khiển bằng chương trình số để cắt gọt kim loại, máy kiểm tra chẩn đoán, kiểm chuẩn ô tô, máy đo quang phổ, máy ấp trứng, máy lọc nước hai lần... Những thiết bị hiện đại này tạo điều kiện thuận lợi cho việc dạy và học của giáo viên và học sinh, giúp học sinh ra trường không phải bỡ ngỡ khi tiếp cận với những thiết bị kỹ thuật hiện đại. Chẳng hạn, trước đây, khi muốn đo nồng độ của một hợp chất, giáo viên phải thực hiện nhiều công đoạn. Từ lúc được trang bị máy đo quang phổ, giáo viên chỉ thao tác đưa hợp chất vào, máy sẽ cho kết quả nhanh chóng, chính xác.

Giờ thực hành điện - điện tử của thầy trò Trường THCĐ&KTNN Nam bộ. 

Bên cạnh tập trung đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị, trường cũng triển khai đổi mới chương trình đào tạo. Đối với chương trình bậc trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp, trường sẽ chuyển hóa theo đúng chương trình của Tổng cục dạy nghề và Bộ Giáo dục và Đào tạo; đồng thời bổ sung thêm một số phần sao cho phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương. Khi mở ngành mới, trường chú trọng vào thế mạnh của ĐBSCL là cây lương thực, cây ăn quả và thủy sản. Kế đến là phát triển đào tạo các ngành nghề trong lĩnh vực dịch vụ, kinh tế, các ngành nghề kỹ thuật về công nghệ cơ khí (điện, gia công cơ khí, công nghệ ô tô...). Đối với chương trình bậc cao đẳng kỹ thuật, trường sẽ phối hợp với các trường đại học trong vùng ĐBSCL để xây dựng chương trình. Điều này sẽ giúp cho sinh viên của trường có thể học liên thông lên các bậc học cao hơn.

Ban Giám hiệu trường cũng xác định rõ: muốn nâng cao chất lượng đào tạo, thì phải có chiến lược thu hút, đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ. Hiện nay, trường có 125 cán bộ, giáo viên; trong đó, có 2 tiến sĩ, 18 thạc sĩ, 66 cử nhân, kỹ sư. Dự kiến, từ tháng 8 đến tháng 11-2008, trường sẽ tuyển thêm 19 cán bộ, giáo viên. Để động viên cán bộ, giáo viên học tập nâng cao trình độ, trường hỗ trợ 100% học phí, tài liệu và hỗ trợ một phần chi phí đi lại cho người đi học sau đại học, kể cả đối với những người mới về trường công tác. Sau khi học xong, trường sẽ bố trí công việc đúng ngay chuyên ngành đã học. Cán bộ giáo viên đi học vẫn được hưởng 100% lương; được xem xét thi đua hàng tháng, dựa trên năng suất làm việc. Kết quả học tập được xem là một trong những tiêu chí xét thi đua năm. Thạc sĩ Lê Thái Dương nói: “Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng vừa cam kết sẽ mở lớp đào tạo, bồi dưỡng toàn bộ giáo viên của trường về phương pháp nghiệp vụ giảng dạy bậc cao đẳng, đại học. Bên cạnh đó, nhà trường tạo mọi điều kiện thuận lợi để giáo viên tham gia học tập nâng cao trình độ sau đại học, các lớp đào tạo nghiệp vụ ngắn hạn... Những người có trình độ thạc sĩ trở lên tình nguyện về trường công tác sẽ được tạo điều kiện để phát huy năng lực, sáng kiến”.

Trường THCĐ&KTNN Nam bộ cũng đã xây dựng hoàn chỉnh chiến lược phát triển từ nay đến năm 2015 và tầm nhìn 2020. Chiến lược này có 9 chiến lược nhỏ đi kèm, gồm: xây dựng đội ngũ giáo viên, phát triển ngành nghề qui mô đào tạo, chương trình tài liệu phục vụ cho giảng dạy, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài chính, công nghệ thông tin và hợp tác quốc tế. Để xây dựng hoàn tất chiến lược, trường tiến hành khảo sát nội bộ về tiềm lực cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng nhu cầu đào tạo hiện nay, kế đến là tâm tư, nguyện vọng, học tập giáo viên. Song song đó, trường sẽ khảo sát nhu cầu và chiến lược phát triển nguồn nhân lực của các địa phương, các sở, ngành ở ĐBSCL; lấy ý kiến của học sinh đã tốt nghiệp, đi làm, của doanh nghiệp... Trên cơ sở đó, trường sẽ xây dựng kế hoạch đào tạo cụ thể, sát hợp với thực tế.

Theo lộ trình phát triển của trường, từ năm 2008-2010 là giai đoạn chuyển đổi, khẳng định thương hiệu của trường cao đẳng kỹ thuật; giai đoạn 2010-2015 là phát triển thương hiệu của trường và mở rộng ngành nghề, qui mô đào tạo, cũng như năng lực nghiên cứu- ứng dụng khoa học kỹ thuật. Trong giai đoạn 2015-2020 sẽ tăng tốc để nhà trường phấn đấu đào tạo bậc đại học. Thạc sĩ Lê Thái Dương khẳng định: “Bằng mọi biện pháp, chúng tôi sẽ thực hiện đúng lộ trình phát triển của trường, nhằm nâng cao năng lực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng ĐBSCL”.

Bài, ảnh: BÍCH NGỌC

Chia sẻ bài viết