23/01/2011 - 09:38

Tục đưa Ông Táo về trời

Táo Quân, Ông Táo, Thần Bếp trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc, đã được Việt hóa thành huyền tích hai ông một bà - vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc. Ông Táo có hai nhiệm vụ chính:

Một là, coi chừng việc bếp núc, củi lửa, không để xảy ra hỏa hoạn - có ý nghĩa che chở cho cuộc sống con người.

Hai là, ghi chép mọi diễn biến suốt năm trong gia đình rồi mang sớ về trời báo cáo với thiên triều, qua đó, nhờ trời phù hộ độ cho cuộc sống thêm tươi vui, bớt khổ cực.

Hằng năm, cứ vào ngày 23 tháng Chạp mọi người có tập quán cúng Táo Quân mà dân gian gọi là cúng Ông Táo hay đưa Ông Táo về trời. Mọi người đều tin đối đãi với Ông Táo như thế là để ông về trời tâu với Ngọc Hoàng những điều tốt về gia đình mình để trời ban cho gia đình mình được phước, lộc, tiền tài, dồi dào sức khỏe, cuộc sống bình an. Mọi điều tốt xấu của gia chủ làm trong năm đều được Ông Táo ghi lại cẩn thận trong sổ sách để cuối năm báo cáo với Ngọc Hoàng. Ai làm việc tốt sẽ được Ngọc Hoàng ban phước lành, bằng ngược lại ai làm điều xấu, điều ác sẽ bị Ngọc Hoàng trị tội.

 Bàn thờ Ông Táo.

Bàn thờ Ông Táo thường được đặt ở bếp. Trên đó có cái lư hương dùng để cắm nhang, trên cột có dán một tấm giấy hồng điều, hoặc tờ giấy đó được lộng vào khung kiếng ghi 4 chữ Hán to ở giữa: Định phước Táo quân. Hai bên là câu đối được viết nhỏ, cũng bằng chữ Hán:

Công bình hữu đức năng tư hỏa,

Chánh trực vô tư đạt khả thiên.

Nghĩa là, công đức của Táo quân đã cung cấp than lửa, đem đến cho mọi gia đình đều ấm áp, no đủ. Táo quân phân phát công bình, không nhà nào hơn không nhà nào kém.

Sự tích Táo quân, theo truyền thuyết của người Việt:

Ngày xưa, có hai vợ chồng nghèo lấy nhau đã lâu mà không có con. Một hôm, vợ chồng cãi nhau, chồng nóng nảy đánh vợ, vợ tủi thân bỏ nhà đi. Duyên số run rủi chị ta kết bạn với một người đàn ông khác ở miền ngược làm nghề săn bắt. Anh chồng hối hận đi tìm, hết tiền, đành phải ăn xin lần hồi.

Tình cờ anh đến xin ăn đúng nhà vợ chồng người đi săn. Chị vợ nhận ra người chồng cũ. Thấy chồng cũ đói rách, tiều tụy, chị ta rất thương. Nhân chồng mới vắng nhà, chị dọn một bữa cơm rượu đãi chồng cũ. Anh ta ăn uống xong lăn ra ngủ thiếp. Trời sắp trưa, chồng cũng sắp về, hoảng quá, chị vội cõng chồng cũ ra đống rơm cuối sân, lấy rơm phủ lên người giấu đi.

Anh chồng mới mang cá thịt về, biểu vợ ra chợ sắm các thứ gia vị làm một bữa. Ở nhà anh ta đốt rơm nướng cá thịt. Lửa bùng lên bén vào đống rơm, thui cả anh chồng cũ. Chị vợ về, vô cùng đau xót, nhảy vào đống lửa chết theo. Anh chồng mới thương vợ cũng đâm đầu vào lửa chết luôn. Hôm ấy là ngày 23 tháng Chạp âm lịch.

Thấy ba người ăn ở với nhau có tình nghĩa, Ngọc Hoàng cho họ hóa thành ba ông đầu rau để họ được ở bên nhau mãi mãi, đồng thời phong cho họ là Táo quân (còn gọi là Vua Bếp).

Câu chuyện trên đây nhằm đề cao cái lẽ nhân nghĩa thủy chung trong đạo vợ chồng, nền tảng hạnh phúc của gia đình, cũng như là để giải thích về hình dáng của cái cà ràng (bếp) có ba cục nhô lên đỡ lấy cái nồi.

Lễ vật cúng Ông Táo trong ngày 23 tháng Chạp thường có hai cái mũ nam, một cái mũ nữ, trái cây, thịt heo, trà, rượu, đốt giấy tiền vàng bạc và các loại thú được xếp bằng giấy như hình con cò, con ngựa mà người ta thường nói rằng: cò bay ngựa chạy, hay hình cá chép để đưa Ông Táo lên chầu trời. Có nơi người ta còn bưng cả cái cà ràng ra đặt giữa sân, hốt ít muối cục bỏ vào cho nổ nghe lốp bốp tống khứ mọi thứ xui xẻo đi, đón nhận những điều tốt lành vào cho một năm mới được vạn sự như ý.

Ngày nay, phần nhiều người ta đã dùng bếp gas thay cho cà ràng. Tuy nhiên, mỗi năm Tết đến, người ta vẫn cúng Ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch như là một ước mơ vươn tới những điều tốt lành trong năm mới. Cúng Ông Táo vào ngày Tết đã thực sự trở thành một truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, gởi gắm những ước mơ, hoài vọng về một cuộc sống an lành, hạnh phúc.

Bài, ảnh: TRẦN GIA

Chia sẻ bài viết