28/06/2019 - 09:27

Tuần lễ Văn hóa Du lịch Ðồng Tháp 2019 

UBND tỉnh Đồng Tháp vừa ban hành Kế hoạch tổ chức Tuần lễ Văn hóa Du lịch Đồng Tháp năm 2019, với chủ đề “Tình người thắm đượm hồn sen”, diễn ra từ ngày 10 đến 14-7 tại Quảng trường - Công viên Văn Miếu, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp và các địa điểm có hoạt động trong chuỗi sự kiện: Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, Đền thờ Ông Bà Đỗ Công Tường, Công viên Hai Bà Trưng… Lễ khai mạc diễn ra lúc 19 giờ, ngày 10-7, được Đài PTTH Đồng Tháp trực tiếp.

Một góc Làng Hòa An xưa, Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc - một trong các địa điểm tổ chức các hoạt động Tuần lễ Văn hóa Du lịch Đồng Tháp 2019.

Điểm mới của Tuần lễ Văn hóa Du lịch Đồng Tháp năm nay là Không gian văn hóa du lịch Cao Lãnh - Hội An với các hoạt động tái hiện không gian văn hóa TP Cao Lãnh - TP Hội An; Lễ giỗ Ông Bà Đỗ Công Tường lần thứ 199; Giao lưu đờn ca tài tử - Hò Đồng Tháp - Bài chòi; Tổ chức Thư pháp trên lá sen; Khu ẩm thực Cao Lãnh - Hội An; Hội thi đá gà, đá chim nghệ thuật; thi gà đẹp; Trò chơi dân gian; Hội thi trạng nguyên, thi vẽ tranh thiếu nhi; Không gian sách; Triển lãm ảnh thời sự nghệ thuật; Giải cờ vua, cờ tướng; Khai trương điểm tham quan du lịch xã Tân Thuận Tây.

Một điểm nhấn khác là Không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp an toàn - trình diễn làng nghề thủ công tiêu biểu của tỉnh tại Công viên Hai Bà Trưng, TP Cao Lãnh, với các hoạt động chính: Khu gian hàng giới thiệu sản phẩm nông nghiệp an toàn; Khu trình diễn làng nghề thủ công tiêu biểu của tỉnh để khách tham quan và trải nghiệm.

Sự kiện có nhiều hoạt động phối hợp tổ chức về liên kết phát triển du lịch: Không gian trưng bày, giới thiệu, quảng bá hình ảnh, sản phẩm du lịch, đặc sản Đồng Tháp và các tỉnh thành; Hội nghị Sơ kết Chương trình điều phối Cụm liên kết hợp tác phát triển du lịch phía Đông ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh 6 tháng đầu năm 2019; Hội thi ẩm thực Món ngon địa phương; Lớp Bồi dưỡng kiến thức quản lý du lịch...

Tuần lễ Văn hóa Du lịch được tỉnh Đồng Tháp tổ chức hằng năm nhằm nâng cao khả năng khai thác các yếu tố văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, làng nghề thủ công truyền thống để phát triển du lịch, đưa tỉnh thành điểm đến hấp dẫn, có tính cạnh tranh và thu hút du khách, đáp ứng nhu cầu tham quan, khám phá, trải nghiệm; đồng thời thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển; tạo điều kiện cho các địa phương, đơn vị kinh doanh du lịch giao lưu văn hóa, liên kết hợp tác phát triển du lịch và xây dựng tour, tuyến du lịch liên tỉnh, liên vùng; Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, di sản văn hóa truyền thống để thúc đẩy phát triển du lịch, xây dựng thương hiệu gắn với tạo dựng hình ảnh địa phương...l

Nguyễn Toàn

Chia sẻ bài viết