09/04/2009 - 20:57

Từ những tấm lòng nhân ái

Trong căn phòng khá ấm cúng, nền lát gạch hoa sáng bóng, hàng chục cháu bé dưới 18 tháng tuổi đang quây quần nũng nịu bên các cô bảo mẫu, đứa bụ bẫm tươi cười, đứa mới tập bò, đứa chập chững biết đi, trông giống như những thiên thần tuổi thơ. Thoạt nhìn dáng vẻ hồn nhiên trên gương mặt sáng sủa và đôi mắt ngây thơ đáng yêu của các em, ai cũng nghĩ rằng đó là những đứa trẻ tràn đầy hạnh phúc. Nhưng không phải vậy!

MỒ CÔI TỘI LẮM AI ƠI!

Cô Võ Ánh Nguyệt, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cà Mau cho biết hầu hết các em ở Trung tâm này đều là những đứa trẻ mồ côi cha mẹ, hoàn toàn không có thân thích họ hàng. Nhiều cháu lớn khôn chỉ nhờ vào sự cưu mang đùm bọc của các bà mẹ nuôi và tấm lòng cao cả của các nhà hảo tâm. Cuộc đời của các cháu giống như một vở kịch buồn, vừa sinh ra đã vắng cha, mất mẹ thật tội nghiệp. Năm tháng trôi qua, ngoài các bảo mẫu, các cháu chưa bao giờ được một người ruột thịt đến cầm tay, vuốt tóc hoặc hôn lên trán em như bao đứa trẻ bình thường khác. Có lẽ vì một lý do uẩn khúc nào đó mà các bà mẹ đã vô tâm rứt bỏ khúc ruột của chính mình.

Các cháu đến đây tuy mỗi đứa mỗi hoàn cảnh, nỗi niềm khác nhau, nhưng tất cả đều cùng chung một số phận nghiệt ngã, cô đơn - không cội rễ, không lý lịch gia đình. May mắn thay, ở Trung tâm này và nhiều nơi khác, các cháu đã được đối xử bình đẳng và được quan tâm chăm sóc như tình ruột thịt. Hơn 30 cán bộ nhân viên, y tá, cấp dưỡng và bảo mẫu ở đây đều dành cho các cháu một tình thương bao la, luôn mở rộng vòng tay nhân ái để đón nhận những mảnh đời bất hạnh, nuôi dưỡng cho các cháu ăn học thành người. Nơi đây, vừa là bóng mát của hơn 40 người già cô đơn, vừa là mái ấm của hằng trăm trẻ cô đơn tật nguyền. Trước khi tìm được cái nôi êm ái này, nhiều cháu đã phải nằm khóc oe oe dưới những gốc cây hoặc trước cổng chùa, có cháu bị kiến cắn sưng cả mí mắt được anh tài xế xe ôm tốt bụng mang vào, cũng có cháu lang thang đầu đường xó chợ, cuộc đời không bến đậu...

Các cô bảo mẫu ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cà Mau yêu thương, chăm lo cho các cháu mồ côi chu đáo.

Em Phan Tuấn Nghĩa, trẻ mồ côi, lớn lên từ sự cưu mang và giúp đỡ của Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cà Mau, nay đã học lớp 11.

Có lần bước vào phòng nuôi dạy trẻ sơ sinh, nhìn một bé trai kháu khỉnh nằm trong nôi giương tròn đôi mắt nhìn tôi mỉm cười, tôi khó hình dung trước đó vài tháng nó là một hài nhi bị bỏ rơi trong bệnh viện. Bất giác, tôi xúc động, cảm thương về sự côi cút, bạc phận của các cháu và cũng thầm trách các bậc cha mẹ đã nhẫn tâm lìa bỏ núm ruột của mình.

HẾT LÒNG VÌ TRẺ THƠ BẤT HẠNH

Cô Đặng Thị Diễm, mới 19 tuổi, chưa từng có chút kinh nghiệm về nuôi dạy trẻ, nhưng với tấm lòng “Thương người như thể thương thân”, cô đã sớm trở thành một bảo mẫu tốt bụng, suốt ngày tận tụy, chăm lo các cháu như con ruột của mình.

Nuôi dạy trẻ mồ côi là một công việc vô cùng khó khăn và vất vả, nhất là trẻ sơ sinh. Còn đối với các cháu lớn hơn, quen sống với bụi đời thì lại thiếu nề nếp, ưa ấu đả, chửi thề, văng tục. Muốn chúng trở thành con ngoan trò giỏi, cần phải có một quá trình uốn nắn lâu dài. Đặc biệt là đối với những cháu học cấp II, cấp III, chúng bắt đầu có ý thức về nguồn cội, về mẹ cha, khiến cho nhiều cháu trở nên băn khoăn, khó hiểu, thậm chí đờ đẫn, mông lung suy nghĩ về thân phận chính mình. Cô Lê Thị Cúc trăn trở: Đa số anh chị em công tác ở đây đều có hoàn cảnh khó khăn, có người phải gởi con mình cho ông bà chăm sóc để đến đây chung lưng gánh vác, lo cho các cháu bằng tất cả tấm lòng vì trẻ thơ. Nếu như không có tình yêu thương và tinh thần kiên nhẫn chịu đựng thì khó có thể trụ được lâu dài. Trong số các cháu được nuôi dưỡng từ mái ấm của Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Cà Mau, có những cháu khỏe mạnh, da dẻ hồng hào, nhưng cũng có nhiều cháu ốm yếu, xanh xao, thường hay bệnh tật do sinh thiếu tháng. Đặc biệt là các cháu khuyết tật, các cháu bị bại não, bại liệt, tính tình thường ù lì, thụ động, tiêu tiểu tại chỗ vì không tự chủ. Các trường hợp đó, khỏi phải nói về những gian nan vất vả của bảo mẫu. Đó là chưa kể đến những phức tạp trong sinh hoạt của một đại gia đình, đứa thì quậy thức suốt đêm, đứa đòi bú, đứa đái dầm, chị em bảo mẫu phải thay nhau trực xuyên suốt, từ cho ăn, cho bú, đút cơm, tắm rửa đến giặt giũ, thay tã lót, bồng ẵm, dỗ dành. Thôi thì đủ thứ rắc rối trên đời mà bà mẹ “bất đắc dĩ” phải gánh chịu. Bình thường, mỗi bà mẹ chỉ nuôi một con thôi cũng đã vất vả, huống hồ các cô mỗi người phải chăm sóc từ 2 đến 5 cháu, nói sao cho hết nỗi nhọc nhằn?

Ông Đào Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm, cho biết cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, nhất là chế độ tiền ăn của các cháu không đủ vào đâu (các cháu sơ sinh dưới 18 tháng tuổi chỉ có 300.000 đồng/tháng/cháu, thực tế cần đến 1 triệu đồng). Nếu không nhờ những tấm lòng hảo tâm sẵn sàng giúp đỡ, có lẽ sinh hoạt của các cháu còn khó khăn hơn nhiều. Ngay cả tiền lương của cán bộ nhân viên cũng hãy còn khiêm tốn. Điều cảm động nhất là đa số anh chị em làm việc ở đây đều năng nổ, nhiệt tình, sẵn sàng hỗ trợ nhau trong mọi mặt công tác. Mặc dù điều kiện sinh hoạt còn thiếu thốn nhưng Đảng, Nhà nước và các đoàn thể, các mạnh thường quân lúc nào cũng đặc biệt quan tâm, dành cho các cháu những tình cảm nồng nàn, cụ thể như tạo điều kiện cho các cháu vui chơi giải trí trong các ngày Quốc tế Thiếu nhi, Tết Trung thu, Tết Nguyên đán... Các cô thì luôn niềm nở, lo cho các cháu từng bữa ăn, giấc ngủ. Đến mùa nhập học, trung tâm lại lo thêm nhiều khoản chi tiêu để tất cả các cháu đến trường với tinh thần vui vẻ và thoải mái. Anh chị em cán bộ nhân viên của trung tâm không những thương yêu, giúp đỡ, đùm bọc các cháu và người già cô đơn mà còn mang đến những tình cảm thân thiết nhằm chia sẻ và bù đắp những gì mất mát mà các cháu phải gánh chịu từ lúc mới lọt lòng mẹ. Đặc biệt tại trung tâm này, 75% các cháu mồ côi đều được lấy họ NHÂN để khi lớn lên các cháu ý thức được rằng mình khôn lớn thành người là do tấm lòng nhân ái của nhiều người góp sức nuôi dạy và dưỡng dục. Sau hơn 10 năm nuôi dạy, hiện nay có cháu đã vào đại học và cao đẳng, một số học Mẫu giáo, cấp I, II, III và học nghề trung cấp. Hầu hết đều ngoan, hiền và yêu thương các bảo mẫu như mẹ ruột của mình. Nhiều cháu chăm chỉ, học hành từ khá trở lên, một phần là nhờ sự tận tâm hướng dẫn và kiểm tra bài vở của các thầy cô trước khi các cháu đến lớp.

Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, cô Huỳnh Thanh Kiều, người phụ trách giáo dục từ Mẫu giáo đến cấp III cảm nhận được rằng các cháu khi đến tuổi cấp II đã bắt đầu nhận thức về thế giới chung quanh. Tuy sống trong một đại gia đình, gọi các bảo mẫu bằng mẹ nhưng trong sâu thẵm tâm hồn các cháu vẫn nhận ra mình là đứa trẻ mồ côi. Em Phan Tuấn Nghĩa, năm nay học lớp 11 tâm sự: “ Em còn mẹ nhưng vì quá nghèo nên mẹ phải gởi em ở đây. Em mơ ước sau này tìm được một việc làm để trả ơn cho các bảo mẫu và có dịp trở về với mẹ ...”. Ban giám đốc và cán bộ, nhân viên trung tâm lúc nào cũng tìm cách động viên, an ủi, giúp các cháu vượt qua mặc cảm cô đơn nhằm bù đắp lại những khoảng trống về tình cha mẹ.

Vì hạnh phúc và tương lai của các cháu, vì tình thương yêu cao cả, nhiều cán bộ, nhân viên, bảo mẫu trung tâm nguyện suốt đời gắn bó với các cháu, nuôi dạy các cháu, trong đó có những cô đã hy sinh hạnh phúc cá nhân, chưa chịu lập gia đình, dành thời gian và tình cảm cho các cháu. Điển hình như cô Ánh Nguyệt, nguyên bộ đội Đoàn 962, đã trải qua nhiều chặng đường gian khổ trong chiến đấu và trong công tác trước khi chuyển về Trung tâm vào năm 1998. Vị Phó giám đốc Trung tâm 51 tuổi, độc thân này tự ví mình như người chèo đò, niềm vui và hạnh phúc lớn nhất của đời cô là được chăm lo, dìu dắt và nuôi dưỡng các trẻ mồ côi không nơi nương tựa trở thành người có ích cho xã hội. Tại Trung tâm còn có hai vợ chồng trẻ tự nguyện tìm đến với tinh thần “Tất cả vì trẻ thơ”, đó là cô Hồ Tuyết Thu, nguyên giáo viên và chồng là ông Lê Thành Sô, từng là cán bộ công an. Cả hai đều coi Trung tâm là nhà, các trẻ mồ côi như ruột thịt và là những mảnh đời cần giúp đỡ.

Có thể nói Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cà Mau là một mái ấm tình thương, một đại gia đình và là bóng mát chở che cho những người già cô đơn không nơi nương tựa, đồng thời cũng là nơi cưu mang, đùm bọc bao trẻ mồ côi và những trẻ lang thang cơ nhỡ, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Có thể nói mỗi cán bộ, bà mẹ, cô nuôi, nhân viên y tá, cấp dưỡng, ở đây đã đem hết trái tim và bàn tay nhân ái của mình để cứu vớt và chắt chiu nuôi dưỡng giúp cho các cháu ăn ngon, ngủ khỏe, học hành tiến bộ và nên người.

Bài, ảnh: HOÀI PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết