01/05/2022 - 08:01

Tự hào về Ðại thắng mùa Xuân 

Bài, ảnh: ÐĂNG HUỲNH

Kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2022), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ tổ chức trưng bày chuyên đề “Ðại thắng mùa Xuân 1975”. Những kỷ vật đã úa màu thời gian nhưng ánh ngời tinh thần yêu nước, là minh chứng cho một thời gian lao mà anh dũng của bao thế hệ cha ông để đất nước ta có được tư do, độc lập. Ðó cũng là những bài học lịch sử sống động cho thế hệ trẻ hôm nay.

Sinh viên tham quan trưng bày chuyên đề “Đại thắng mùa Xuân 1975”.

“Em nhớ! Ðược thư em tuy vắn nhưng thật thà, sâu sắc và đầy đủ tình nghĩa với nhau. Chắc chắn đời sống chính trị tinh thần anh chỉ có em là người yêu, là nguồn an ủi duy nhứt của anh. Anh rất thông cảm hoàn cảnh đau khổ thiệt thòi của em, càng nghĩ càng nhớ càng thương em vô hạn. Nếu có dịp nào thuận lợi gặp nhau trao đổi hết tình cảm, những gì mà chúng ta muốn nói với nhau cho hết ý hết lời…”. Ðó là những dòng thư chứa chan tình cảm mà ông Nguyễn Tự Giác (tức Mười Quang), Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ, gửi cho vợ là bà Lê Minh Châu, Hội trưởng Phụ nữ Giải phóng tỉnh Cần Thơ, vào tháng 4-1975. Sau những lời tâm tình, chia sẻ, ông Nguyễn Tự Giác viết rằng: “…Thắng lợi đã gần, ác liệt gian khổ vẫn còn, phấn đấu vượt qua mau đến ngày hội ngộ. Nắm chặt tay em!”. Mới hay, tình yêu đôi lứa thời chiến đẹp đến dường nào, vượt trên tất cả vẫn là tình yêu Tổ quốc thiêng liêng, vô hạn, với lý tưởng sống cao đẹp: “Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau” ("Cuộc chia ly màu đỏ", thơ Nguyễn Mỹ).

Ðó là 1 trong hơn 200 hiện vật, hình ảnh, tư liệu trưng bày trong chuyên đề “Ðại thắng mùa Xuân 1975”. Giữa những ngày tháng Tư lịch sử, mỗi bước chân tìm đến Bảo tàng TP Cần Thơ xem triển lãm là mỗi bước chân tìm về với lịch sử, với quá khứ hào hùng của dân tộc. Những hiện vật, hình ảnh cứ sống động qua từng câu chuyện kể, khiến người xem lâng lâng tự hào, đôi lúc lại rưng rưng xúc động trước tinh thần yêu nước mãnh liệt, quả cảm của thế hệ cha ông.

Hiện vật là chiếc xe đạp của ông Phạm Hoàng Oanh, cơ sở nội thành, dùng để đưa cán bộ cách mạng đi quan sát tình hình hoạt động của địch trong TP Cần Thơ, giai đoạn 1968-1975, được nhiều người chăm chú. Chiếc xe còn nguyên vẹn sau hơn nửa thế kỷ, vòng quay bánh xe mang vết hằn thời gian và ghi dấu lịch sử. Trên chiếc xe ấy, bao cán bộ đã hoạt động trong nội thành, nắm bắt tình hình địch.

Hay là chiếc áo bà ba úa màu được trưng bày trang trọng trong tủ kính cũng khiến người xem dừng lại thật lâu. Ðó là chiếc áo của bà Lê Hồng Quân, một người con của đất Châu Thành, Cần Thơ, là Tiểu đoàn Trưởng Tiểu đoàn Nữ biệt động Lê Thị Riêng. Chiếc áo này bà được một người bạn tù tại chuồng cọp ở Nhà tù Côn Ðảo tặng trong thời gian bà bị địch giam cầm. Chiếc áo sâu nặng tình đồng chí, thấm đượm tinh thần quả cảm của người nữ biệt động, được bà mặc đi báo cáo điển hình tại Hà Nội sau năm 1975. Bà chọn mặc chiếc áo ấy như để nhắc nhớ về những người bạn tù giữa lằn ranh sống - chết, để nhớ lại những đồng đội đã cùng chia ngọt sẻ bùi thời bom đạn, để sẻ chia niềm vui nước nhà thống nhất…

Trong hai cuộc kháng chiến cứu nước, đội ngũ văn nghệ sĩ, báo chí, tuyên truyền có những đóng góp rất lớn. Tiếng đờn, lời ca đã giúp lan tỏa tinh thần yêu nước, cổ vũ khí thế tiến công của quân và dân ta. “Tiếng hát át tiếng bom”, văn nghệ là "món ăn tinh thần" giữa những mất mát, cực khổ, hiểm nguy thời chiến. Tại chuyên đề lần này, hiện vật cây đàn Măng-đô-lin của cố Giáo sư, Viện sĩ, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước - người con tài hoa của quê hương Cần Thơ - được giới thiệu trang trọng. Ðây là cây đàn được nhạc sĩ Lưu Hữu Phước dùng để kiểm tra nhạc sau khi sáng tác ca khúc. Những ca khúc bất hủ đã được viết nên, trường tồn với thời gian, như “Lên đàng”, “Giải phóng miền Nam”, “Tiến về Sài Gòn”… Cũng không quên các nghệ sĩ, diễn viên của Ðoàn Văn công Cần Thơ, đã dùng văn nghệ như một vũ khí sắc bén, cổ vũ quân dân Cần Thơ đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Ðiển hình là hiện vật đờn tranh của bà Lê Nguyệt Ánh, diễn viên Ðoàn Văn công Cần Thơ, dùng để đệm cho các tiết mục vọng cổ. Nhiều diễn viên, nghệ sĩ của Ðoàn Văn công Cần Thơ đã vĩnh viễn ra đi giữa làn tên, mũi đạn, để lại tiếng hát lời ca vút cao khát vọng hòa bình.

Thư ông Nguyễn Tự Giác (tức Mười Quang), Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ, gửi cho vợ là bà Lê Minh Châu, Hội trưởng Phụ nữ Giải phóng tỉnh Cần Thơ, tháng 4-1975.

Ngày 30-4-1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống Nhất, Bắc - Nam thu về một mối. Dấu son lịch sử ấy là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Bảo tàng TP Cần Thơ đã tái hiện hình ảnh may cờ Tổ quốc để chuẩn bị cho ngày vui đại thắng. Lá cờ Tổ quốc nền đỏ sao vàng là niềm tự hào của mỗi người con Việt Nam, vun bồi trong lòng mỗi người niềm tự hào dân tộc, khát vọng sống đẹp, cống hiến.

Xin khép lại bài viết bằng bức ảnh sống mãi với thời gian của nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Khánh - “Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn”. Ðó là hình ảnh hai bà cụ ôm chầm lấy nhau, trên môi nở nụ cười sum họp. Bà cụ bên trái thì rặt miền Bắc với hàm răng nhuộm, đội khăn vấn; bà cụ còn lại thì chân chất miền Nam với chiếc áo bà ba, khăn rằn vắt vai. Trong lần được hầu chuyện nghệ sĩ Võ An Khánh, ông cho biết, tác phẩm được ông chụp vào tháng 10-1975, chỉ vài tháng sau khi đất nước thống nhất, trong chuyến đi thực tế tại vùng Ninh Thạnh Lợi (Hồng Dân, Bạc Liêu). Sau khi chụp được khoảnh khắc vàng này, ông hỏi thăm thì được biết, bà cụ từ miền Bắc vào Nam để tìm thăm người thân.

47 năm qua, hào khí mùa xuân lịch sử vẫn còn vang vọng trong mỗi người dân Việt Nam:

“Ôi, nỗi mừng dâng mọi nỗi mừng

Trào vui nước mắt cứ rưng rưng

Cả Việt Nam tiến công, cả miền Nam nổi dậy

Dồn dập tim ta, trăm trận thắng tưng bừng”

(“Toàn thắng về ta”, thơ Tố Hữu)

Tinh thần bất diệt của Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước chính là ngọn lửa hồng hun đúc hàng triệu con tim Việt Nam nêu cao tinh thần đại đoàn kết, chung sức chung lòng cùng dựng xây Tổ quốc hùng cường, giàu đẹp.

Chia sẻ bài viết