19/04/2011 - 08:25

Tự hào lắm, Trường Sa ơi!

* Ghi chép: PHẠM VĂN TRUNG

Ta đứng vững trên đảo xa sóng gió
Tổ quốc Việt Nam bắt đầu ở nơi này...(*)

Trong những ngày đầu tháng 4, đoàn cán bộ TP Cần Thơ cùng các cán bộ đến từ các cơ quan Trung ương và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước... đã vượt hơn 1.000 hải lý đến thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Hành trình 9 ngày đã để lại trong lòng các thành viên trong đoàn nhiều cảm xúc khi được hiểu thêm về cuộc sống của những người giữ biển, giữ đảo kiên trung.

Sau 3 ngày đêm vượt qua bao cơn sóng biển, ánh sáng từ ngọn hải đăng cao 36m - biểu tượng của đảo Song Tử Tây trù phú - như xóa tan đi bao mệt mỏi của các thành viên trong đoàn công tác. Niềm vui nhân lên khi hình ảnh hòn đảo rõ dần trong nắng sớm. Rạng sáng, chúng tôi mới được đặt chân lên đảo. Ra tận âu tàu đón khách, gương mặt của các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân sinh sống trên đảo rạng rỡ niềm vui xen lẫn sự xúc động. Trung tá Phạm Văn Hòa, Đảo trưởng kiêm Chủ tịch xã đảo Song Tử Tây, xúc động siết tay từng người. Anh nói: “Biết có các đồng chí từ đất liền ra thăm, chúng tôi trông lắm! Đêm qua không ngủ được”.

Đồng chí Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ tặng quà của TP Cần Thơ cho đại diện đảo Song Tử Tây. Ảnh: VĂN TRUNG 

Sau gần 2 giờ trò chuyện rôm rả ở Hội trường UBND xã, tặng quà cho các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nơi đây, chúng tôi được hướng dẫn tham quan quanh đảo. Ở giữa biển khơi, nhưng Song Tử Tây không chỉ có san hô và đá sỏi. Là một trong những đảo hiếm hoi của quần đảo Trường Sa được thiên nhiên ưu đãi có giếng nước lợ, các chiến sĩ và nhân dân tận dụng tối đa để Song Tử Tây trở thành một trong những hòn đảo “xanh” nhất của Trường Sa. Dọc theo các tuyến đường trên đảo, chúng tôi bắt gặp nhiều vườn rau, cây ăn trái và cả sân bóng mini với thảm cỏ xanh mướt. Rau xanh có mặt trong hầu hết các bữa ăn của các chiến sĩ và các gia đình, điện sinh hoạt được đảm bảo suốt 24 giờ mỗi ngày. Chị Trương Thị Liền, một người dân ở đảo, kể: “Lúc gia đình quyết định ra đảo sinh sống, tôi lo lắm. Đến nơi mới thấy an tâm vì cuộc sống cũng không khác nhiều so với ở đất liền”. Để đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của người dân, đảo Song Tử Tây còn có một ngôi chùa vừa mới xây dựng khá khang trang. Anh Nguyễn Xuân Quý - một người dân trên đảo, cho biết: “Mỗi buổi chiều bà con thường lên chùa đốt nhang, gióng chuông cầu mong một cuộc sống bình yên, thịnh vượng cho gia đình mình, bà con trên đảo và cho đất nước...”.

Nghe tin các diễn viên Đoàn Văn công Quân khu 9 biểu diễn văn nghệ phục vụ, bà con và các chiến sĩ ở Song Tử Tây đến chật ních cả Hội trường UBND xã, nhiều người ngồi chen ra tận hành lang. Sau mỗi tiết mục biểu diễn, tiếng vỗ tay hoan hô lại vang lên giòn giã... Đảo Song Tử Tây là nơi đoàn công tác dừng chân lâu nhất (1 ngày) nên tình quân dân vô cùng quyến luyến. Lúc tiễn chúng tôi ở âu tàu, Trung tá Nguyễn Văn Đới, Chính trị viên cụm xã đảo Song Tử Tây và NSƯT Lương Duyên, Giám đốc nhà hát chèo Hà Nam, cùng nhau hòa giọng bài “Người ơi người ở đừng về” làm nhiều thành viên trong đoàn và cán bộ, chiến sĩ xã đảo nước mắt rưng rưng.

Ở xã đảo Sinh Tồn, buổi gặp gỡ chỉ hơn 3 tiếng đồng hồ ngắn ngủi nhưng cũng đủ để mọi người cảm nhận được nghĩa tình sâu nặng giữa đất liền và hải đảo. Do hội trường của xã không đủ sức chứa nên buổi gặp gỡ được tổ chức ngay vị trí cột mốc chủ quyền. Trong không khí ấm áp, những lời thăm hỏi, động viên, chia sẻ... râm ran. Trung tá Đinh Trọng Thắm, Đảo trưởng đảo Sinh Tồn, quê ở Hà Nam, càng bất ngờ khi gặp được đồng hương. Các em thiếu nhi thì xúm xít quanh cánh phóng viên để được nhận kẹo và chụp hình... Đảo Sinh Tồn không lớn và trù phú bằng đảo Song Tử Tây bởi nằm trên nền san hô ngập nước, không có giếng nước ngọt, “đất” nơi đây cũng toàn san hô và cát, sỏi... Thế nhưng, bàn tay khai phá của con người đã phủ lên hòn đảo nhỏ này một diện mạo mới. Những căn nhà trên đảo được xây dựng khá khang trang, nhà nào cũng có tivi, đầu đĩa, tủ lạnh. Đảo còn có trường tiểu học, có sân chơi cho trẻ em. Trên những vạt đất được chở từ đất liền ra, những vườn rau muống, mồng tơi, rau đay... bén rễ xanh chồi. Khu vực gần giữa đảo là một bể lớn để trữ nước mưa, đủ để cán bộ, chiến sĩ và bà con cùng vượt qua những ngày nắng nóng... Đảo trưởng Đinh Trọng Thắm phấn khởi chia sẻ: “So với trước đây, đời sống của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo đã tốt hơn rất nhiều. Và dù có khó khăn đến đâu chúng tôi cũng sẽ cố gắng vượt qua, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ biển đảo quê hương và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho nhân dân trên đảo yên tâm sinh sống”. Lời khẳng định chắc nịch của người đảo trưởng càng làm chúng tôi vững niềm tin, đảo Sinh Tồn sẽ mãi mãi trường tồn giữa đại dương gió bão.

Điểm dừng chân thứ ba của cuộc hành trình là đảo Cô Lin, hòn đảo chìm ở phía Đông Nam, cách đảo Gạc Ma của ta đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép 4 hải lý. Vùng đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao là nơi 23 năm trước, 64 cán bộ, chiến sĩ Việt Nam đã chiến đấu và anh dũng hy sinh để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Sự kiện ngày 14-3-1988 qua lời kể của Đại úy Tống Ngọc Tùng, Chính trị viên đảo Cô Lin, khiến mọi người trong đoàn đều xúc động. Không ai bảo ai, chúng tôi lặng im, cúi đầu tưởng nhớ các chiến sĩ đã hy sinh để ngày hôm nay, lá cờ Việt Nam vững vàng tung bay trên đảo. Tận mắt chứng kiến cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn và đầy hiểm nguy của những người lính đảo, chúng tôi càng cảm phục, tự hào khi truyền thống anh hùng ấy đang được các thế hệ chiến sĩ tiếp nối một cách xứng đáng. Thượng úy Hoàng Thanh Sơn, Đảo trưởng đảo Cô Lin, bày tỏ quyết tâm: “Chúng tôi sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ đảo, không để mất một sải nước, một hòn đá nào”.

Ngày thứ 5 của cuộc hành trình, tàu cập bến đảo Trường Sa Lớn (thị trấn Trường Sa), nơi đặt trụ sở của UBND huyện Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa). Nhìn từ trên boong tàu, màu đỏ tươi của những mái ngói trên đảo Trường Sa Lớn rạng ngời trong nắng. Các tuyến đường trên đảo Trường Sa Lớn được bê tông thẳng tắp, đảo có Trạm khí tượng Thủy văn, Trung tâm cứu hộ, cứu nạn, điện - đường - trường - trạm đều đảm bảo phục vụ tốt cho công tác và sinh hoạt... Ở nơi đầu sóng ngọn gió, nhưng Trường Sa Lớn trông xanh mát và đầy thơ mộng với những hàng bàng vuông nghiêng mình bên bãi cát vàng. Trước cửa nhà dân, chúng tôi thấy có cả những vườn đu đủ hàng chục cây đang sum suê trái. Rau xanh, bí đỏ, thịt heo, gà... đều do quân dân trên đảo tự túc nuôi trồng... Sau những giây phút gặp gỡ, tay bắt mặt mừng thắm thiết, những vị khách từ đất liền được đưa đến viếng thăm Nhà lưu niệm Hồ Chủ tịch và Đền tưởng niệm các liệt sĩ. Lãnh đạo các đoàn công tác dành nhiều thời gian đi thăm hỏi, động viên các chiến sĩ đang công tác tại Trường Sa... Khi chúng tôi đến, đảo Trường Sa Lớn đang vui mừng chào đón em bé đầu tiên được sinh ra trên đảo và là em bé thứ 2 chào đời tại quần đảo Trường Sa. Đó là cháu Nguyễn Ngọc Trường Xuân, con anh Nguyễn Tấn Thi và chị Nguyễn Thị Thanh Thúy. Ca mổ đẻ rất thành công, do chính các cán bộ quân y trên đảo Trường Sa Lớn thực hiện.

Đoàn đại biểu 54 dân tộc thăm Trường Sa

Sáng 18-4, Đoàn đại biểu 54 dân tộc đi thăm huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 đã khởi hành từ TP Hồ Chí Minh, bắt đầu cho chuyến thăm dự kiến trong 9 ngày, từ 18 - 28/4. Chương trình do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải Quân lần đầu tiên tổ chức cho đoàn đại biểu 54 dân tộc đi thăm vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đoàn có gần 150 thành viên, do Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Bá Trình làm Trưởng đoàn, với sự tham gia của 64 đại biểu đại diện cho 54 dân tộc trong cả nước và chức sắc Phật giáo, cùng các đại biểu của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Viện Y học biển và một số đơn vị khác. Trong hành trình, đoàn sẽ thăm, tặng quà và giao lưu với dân quân của 8 đảo thuộc huyện đảo Trường Sa là Song Tử Tây, Đá Nam, Sơn Ca, Sinh Tồn Đông, Đá Đông, Đá Tây, Trường Sa, Phúc Tần; thắp hương Tượng đài Liệt sĩ và Nhà tưởng niệm Bác Hồ, thăm viếng chùa trên đảo, tham gia lễ tưởng niệm trên biển... Tại Nhà giàn DK1, đoàn sẽ khảo sát thực tế và thăm, tặng quà cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn; tổ chức lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia.

HOÀNG LIÊN SƠN (TTXVN)

Trong những giờ cuối cùng trước khi chia tay Trường Sa Lớn, chúng tôi gặp Trung úy Đinh Công Bằng, quê ở quận Bình Thủy - TP Cần Thơ, trong niềm vui khôn tả. Đang công tác ở Sân bay Cần Thơ, trước Tết Nguyên đán Tân Mão, Trung úy Đinh Công Bằng tình nguyện ra đảo nhận nhiệm vụ ở Đội bảo đảm bay sân bay Trường Sa. Anh Bằng tâm sự: “Như các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa, tôi luôn cố gắng nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp sức mình bảo vệ và xây dựng biển đảo quê hương”. Không thể đưa chúng tôi lên tàu vì đến ca trực, anh Bằng chạy vội đi, không quên hỏi anh phóng viên truyền hình lịch phát sóng để điện về cho vợ con đón xem vì lâu quá cả nhà chưa thấy mặt nhau.

Do cơn áp thấp nhiệt đới đến bất ngờ, đoàn công tác phải kết thúc chuyến thăm đảo Trường Sa Lớn sớm hơn dự định. Giông gió cũng làm chúng tôi không thể ghé vào nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam như kế hoạch. Thế nhưng, khi thấy bóng tàu đến, cán bộ chiến sĩ trên các nhà giàn đã ùa ra lan can. Một đồng chí giơ cao lá cờ Tổ quốc, vẫy liên tục để đoàn có thể nhận thấy từ xa. Bất chấp mưa gió, mọi người trong đoàn cũng ùa lên boong tàu, vẫy tay đáp lại tình cảm của các anh. Ai cũng gào thật to “Các anh ơi! Chúc các anh mạnh khỏe..!” đến khản giọng... Trong giây phút thiêng liêng ấy, nhiều người trong đoàn công tác chúng tôi đã bật khóc trước những tình cảm nồng ấm của những người lính giữa biển khơi...

... Con tàu quay mũi về hướng đất liền. Nhìn về phía sau vẫn thấy lá cờ đỏ thắm tung bay kiêu hãnh trên nóc nhà dàn DK1. Ở đó, có những người chiến sĩ âm thầm đứng gác giữa trùng khơi bão tố...

---------

(*) Thơ Trần Đăng Khoa

Chia sẻ bài viết