21/12/2024 - 21:45

Từ các “Anh trai”, nghĩ về công nghiệp văn hóa 

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch diễn ra vào sáng 18-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra 7 nhóm giải pháp để ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm thực hiện.

Concert “Anh trai say hi” với hàng chục ngàn khán giả. Ảnh: BTC

Trong đó, ở nhóm giải pháp thứ 6 là xây dựng các điển hình tiên tiến, nhân rộng các mô hình hay, cách làm tốt, tạo phong trào, xu thế phát triển…, Thủ tướng đã nhắc đến hai 2 concert đang rất thành công là “Anh trai vượt ngàn chông gai” và “Anh trai say hi”. Thủ tướng đặt vấn đề: “Tại sao chúng ta không tổng kết, nhân rộng 2 concert vừa rồi?”.

Trước đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng công bố 10 sự kiện Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiêu biểu năm 2024. Sự kiện thứ 6 được vinh danh là “Công nghiệp văn hóa đột phá với các chương trình có tầm vóc, sức thu hút và hiệu ứng xã hội lớn”. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch diễn giải, năm 2024 là năm ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực trong phát triển công nghiệp văn hóa của Việt Nam và nhắc đến các đêm concert của chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say hi”.

Sự quan tâm của người đứng đầu Chính phủ, sự đánh giá cao của công chúng, khán giả và ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho thấy sức lan tỏa của hai chương trình này.

Một câu chuyện đáng suy ngẫm là vào tháng 7-2023, concert của nhóm nhạc Blackpink diễn tại Hà Nội thu hút hơn 60.000 khán giả. Khi ấy, nhiều người đặt câu hỏi theo kiểu “Bao giờ?”... đối với nền công nghiệp giải trí Việt Nam. Câu trả lời chính xác là 1 năm sau, khi các đêm concert “Anh trai” - lần lượt diễn ra vào cuối năm 2024 ở Hà Nội và Hưng Yên - đã thu hút tới hơn 100.000 khán giả tham gia. Người hâm mộ đã không chỉ “hướng ngoại”, bỏ tiền để ra nước ngoài thưởng thức các chương trình của thần tượng, mà dần có xu hướng “hướng nội”, sẵn sàng mua vé để xem chương trình biểu diễn của các “idol quốc nội”. Quả thật, các concert vừa qua của hai chương trình này mang đến cho khán giả cảm giác “đáng đồng tiền bát gạo”.

Việc phục vụ cho hơn 20.000 người trong một đêm diễn, lại là những khán giả có yêu cầu cao vì họ mong muốn được thưởng thức chương trình xứng với chi phí đã bỏ ra, không phải là điều đơn giản, làm sao cho đã mắt, đã tai, cuốn hút, hiện đại, an ninh… Nhưng kinh nghiệm từ các show “Anh trai” đã khẳng định: Việt Nam hoàn toàn có khả năng tổ chức những sân chơi lớn mang tầm quốc tế.

Câu hỏi: “Tại sao chúng ta không tổng kết, nhân rộng 2 concert vừa rồi?” của Thủ tướng thật đáng để ngành Văn hóa và những người làm ở lĩnh vực công nghiệp văn hóa suy ngẫm. Ngành giải trí Việt Nam đang rất phát triển, tiệm cận quốc tế. Nhiều nghệ sĩ Việt Nam có tài, năng động và khả năng hội nhập rất nhanh. Hình ảnh khán giả Thái Lan yêu thích, thuộc từng lời ca khúc của thần tượng là ca sĩ Quang Hùng MasterD và sang Việt Nam rất đông để xem “anh trai” này trình diễn là một điển hình.

Công nghiệp văn hóa đang là xu hướng và có khả năng thu lợi rất cao. Nhân rộng để không chỉ có 2 show “Anh trai” thành công như vừa qua mà sẽ còn có nhiều, rất nhiều mô hình khác, là chuyện rất đáng quan tâm.

DUY KHÔI

Chia sẻ bài viết