18/12/2008 - 21:30

Từ 01-01-2009, thực hiện Luật Bảo hiểm thất nghiệp

Từ ngày 01-01-2009, Luật Bảo hiểm sẽ chính thức có hiệu lực. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có công văn số 4562/LĐTBXH-CVL, ngày 05/12/2008 gửi Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị triển khai tuyên truyền và phổ biến các quy định của Luật Bảo hiểm xã hội về chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

Đây là chính sách bảo hiểm thất nghiệp lần đầu tiên được thực hiện góp phần giúp ổn định đời sống và hỗ trợ cho người lao động (NLĐ) được học nghề và tìm việc làm. Theo quy định, những đối tượng sau đây thuộc phạm vi điều chỉnh của bảo hiểm thất nghiệp: NLĐ tham gia bảo hiểm thất nghiệp là công dân Việt Nam làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc mà các hợp đồng này không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng với người sử dụng lao động (NSDLĐ). NSDLĐ tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm: Cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có sử dụng từ 10 lao động trở lên.

* Điều kiện để người thất nghiệp được hưởng các chế độ quy định của bảo hiểm thất nghiệp:

1/ NLĐ bị mất việc làm, chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động, chấm dứt hợp đồng làm việc theo quy định của Pháp lệnh cán bộ công chức mà chưa tìm được việc làm.

2/ Trong vòng 24 tháng trước khi bị thất nghiệp, NLĐ đã đóng bảo hiểm thất nghiệp được 12 tháng trở lên.

3/ NLĐ phải đăng ký thất nghiệp với tổ chức bảo hiểm xã hội.

4/ Chưa tìm được việc làm sau ít nhất 15 ngày kể từ ngày đăng ký thất nghiệp với tổ chức bảo hiểm xã hội.

* Quyền lợi người lao động bị thất nghiệp sẽ được hưởng:

1/ Nếu NLĐ có đủ điều kiện nêu trên thì họ được hưởng trợ cấp thất nghiệp do tổ chức bảo hiểm xã hội chi trả.

2/ Được tham gia các khóa học nghề, có thể là bổ túc thêm tay nghề hoặc học nghề mới phù hợp với môi trường làm việc mới có nhu cầu.

3/ Trong quá trình tìm kiếm việc làm, NLĐ được tư vấn, giới thiệu tìm việc làm.

4/ Được hưởng chế độ bảo hiểm y tế trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp.

* Mức đóng và mức hưởng cụ thể của Bảo hiểm thất nghiệp:

NLĐ đóng bảo hiểm thất nghiệp bằng 1% tiền lương, tiền công tháng; NSDLĐ đóng bằng 1% quỹ tiền lương, tiền công tháng; hàng tháng Nhà nước hỗ trợ từ Ngân sách bằng 1% quỹ tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những NLĐ tham gia bảo hiểm thất nghiệp và mỗi năm chuyển một lần. Mức trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp. Tùy thuộc vào số năm NLĐ đóng bảo hiểm thất nghiệp, nếu số năm đóng bảo hiểm thất nghiệp ít thì thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp với số tháng ít hơn.

* Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp:

- 3 tháng, nếu có đủ 12 tháng đến dưới 36 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp;

- 6 tháng nếu có từ đủ 36 tháng đến dưới 72 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp;

- 9 tháng nếu có đủ từ 72 tháng đến dưới 144 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp;

- 12 tháng nếu có từ đủ 144 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp trở lên.

NG.B

Chia sẻ bài viết