 |
Các em thiếu nhi lựa chọn truyện tranh tại Nhà sách Phương Nam. |
Hiện nay, 3 bộ truyện tranh Việt Nam đang được độc giả thiếu nhi yêu thích là “Thần đồng đất Việt”, “Trạng Quỷnh” và “Long Thánh”. Trong đó, “Thần đồng đất Việt” và “Trạng Quỷnh” đã ra trên 110 tập, còn “Long Thánh” mới ra tập 9 nhưng cũng được độc giả đón chờ từng tập. Điều đó chứng tỏ nếu được đầu tư nghiêm túc, truyện tranh Việt Nam sẽ đứng được trên quầy sách và sống mạnh trong lòng độc giả.
Tại gian hàng sách thiếu nhi của Nhà sách Phương Nam, nhất là vào thứ bảy, chủ nhật... có nhiều em nhỏ chọn lựa cuốn truyện mình ưng ý. Vừa mua 3 cuốn truyện “Thần đồng đất Việt”, em Mai Hữu Thiện, 12 tuổi, ở phường Thới Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, nói: “Em thích đọc truyện Thần đồng đất Việt vì có nhân vật Trạng Tí thông minh, giỏi ứng đối. Các nhân vật Sửu, Dần, Mẹo cũng rất dễ thương”. Chị Ngô Thu Duyên, chủ tiệm cho thuê sách trên đường Nguyễn Văn Cừ, cho biết: “Truyện tranh Việt Nam đang được các em yêu thích và thuê nhiều là Thần đồng đất Việt, Trạng Quỷnh và Long Thánh”.
Bắt đầu có mặt trên thị trường sách thiếu nhi từ năm 2002, truyện “Thần đồng đất Việt” (Nhà Xuất Bản Trẻ, Công ty TNHH Phan Thị sản xuất và phát hành) đã tạo ra bước đột phá trong làng truyện tranh Việt. Số lượng phát hành của truyện này nhanh chóng tăng từ 1.000 cuốn/kỳ lên 30.000 cuốn/kỳ. Những câu chuyện phiêu lưu của nhóm bạn gồm Trạng Tí, Sửu, Dần, Mẹo từ làng Phan Thị đến kinh thành Đại Việt và sang tận Bắc quốc xa xôi ngày càng lôi cuốn độc giả ở mọi lứa tuổi chứ không riêng độc giả nhí. Nhân vật chính Trạng Tí được xây dựng với tài trí hơn người, dùng tài năng của mình giúp dân, giúp nước, lập nhiều đại công trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm. Hình mẫu Trạng Tí được phỏng tác từ tích xưa về các vị trạng đã từng làm rạng danh nước ta như: Lương Thế Vinh, Lê Quí Đôn, Vũ Duệ, Nguyễn Hiền...
Những giai thoại về ông trạng thông minh, hài hước, hay phê phán thói hư tật xấu của người đời và giai cấp phong kiến cầm quyền được thể hiện trong 24 tập truyện “Trạng Quỳnh” (Nhà Xuất Bản Tổng hợp Đồng Nai, tranh và lời: Kim Khánh) cũng thu hút khá đông độc giả. Để nối tiếp truyện này, tác giả Kim Khánh đã hư cấu thêm nhân vật Quỷnh, con nuôi của Trạng Quỳnh. Khi Trạng Quỳnh chết, Quỷnh được đưa lên làm nhân vật chính từ tập 25 và truyện đổi tên thành “Trạng Quỷnh”. Cậu bé Quỷnh thông minh, có tài ứng đối và xử lý tình huống nhưng ham ăn, ham ngủ... cũng rất lôi cuốn độc giả.
Còn bộ truyện “Long Thánh” (Nhà Xuất Bản Trẻ, tác giả Lê Linh) được xuất bản vào tháng 5-2008 cũng được độc giả nhỏ tuổi đón nhận ngay và chờ từng tập. Truyện kể về cậu bé Long Tinh được sư Trụ trì chùa Long Ẩn nhặt được trong rừng đem về nuôi dưỡng. Sau khi phá được vụ án giết người tại chùa, Long Tinh được sư Trụ trì cho xuống núi đi tìm cha mẹ ruột...
Đến nay, “Thần đồng đất Việt” và “Trạng Quỷnh” ra được trên 110 tập, “Long Thánh” ra được 9 tập và sức hút của những bộ truyện tranh này vẫn không hề thuyên giảm. Bên cạnh nội dung chính, các truyện này còn lôi cuốn độc giả tham gia vào các chuyên mục phụ như “Câu lạc bộ Trạng và Bạn” của “Thần đồng đất Việt”, “Câu lạc bộ Trạng Quỷnh” của “Trạng Quỷnh” và “Hội quán Rồng con” của “Long Thánh”. Đây là sân chơi bổ ích cho các em với các trò phong phú như: toán trạng, ô chữ, đố vui, đoán ca dao tục ngữ bằng tranh, sáng tác của bạn, truyện cười, thơ, văn, tìm hiểu lịch sử, địa lý, mỗi kỳ một ông trạng, câu lạc bộ làm quen... vừa giải trí vừa mang tính giáo dục.
Tuy nhiên, mô típ nhân vật của 3 bộ truyện tranh nêu trên đều na ná giống nhau: nhân vật chính đều là những cậu bé nhỏ tuổi có tài trí hơn người. Cách tạo hình nhân vật của truyện “Long Thánh” giống truyện “Thần đồng đất Việt” đến 90%, truyện cũng có nhóm bạn 4 người cùng gắn bó với nhau xuyên suốt mạch truyện... khiến độc giả có cảm giác đang xem “bình mới rượu cũ”. Hay tranh vẽ của truyện Trạng Quỷnh chưa sắc sảo, sinh động, lời thoại đôi khi cộc lốc và có một số nội dung không hợp lý... Em Trần Thanh Giang, 14 tuổi, ở phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, nói: “Đọc hoài các truyện tương tự nhau như thế này cũng hơi chán. Em mong có thêm nhiều bộ truyện tranh Việt Nam hay hơn nữa. Nội dung truyện có thể mở rộng ra thể loại trinh thám, giả tưởng hoặc các đề tài thể thao như truyện tranh Nhật Bản”.
Rõ ràng thị phần truyện tranh Việt Nam dù có những tín hiệu mới, đáng mừng nhưng vẫn còn nghèo nàn về đề tài, thể loại và tranh vẽ kém sống động, sắc sảo. Đây là những lý do chủ yếu khiến truyện tranh Việt Nam kém hấp dẫn so với truyện tranh nước ngoài, dù truyện tranh nước ngoài có nhiều điểm không phù hợp với tư duy và văn hóa Việt. Các truyện “Thần đồng đất Việt”, “Trạng Quỷnh”, “Long Thánh” tạo được ấn tượng tốt trong lòng độc giả và chỗ đứng trên lĩnh vực truyện tranh là điều đáng mừng. Nhưng bao nhiêu năm qua vẫn chỉ có thế là quá ít so với nhu cầu đọc của các em thiếu nhi. Các em cần thêm những bộ truyện tranh Việt Nam hay, phong phú, đầy tính nhân văn, giáo dục... nhưng bao giờ? Đó là câu hỏi chưa thấy hồi đáp.
Lệ Thu