09/04/2010 - 20:15

"Trưởng lão" ở khu vực 5

Cùng nhau chăm sóc cây kiểng - là niềm vui của vợ chồng ông Tư Biện.

Ở tuổi “xưa nay hiếm”, ông Tư Biện (Phạm Văn Biện) vẫn giữ được phong thái ung dung, trí tuệ minh mẫn. Ông được cán bộ và nhân dân khu vực 5, phường An Hòa, quận Ninh Kiều kính trọng bởi ông sống mẫu mực, cư xử có lý, có tình, hết lòng với công tác xã hội.

“Mạnh Thường Quân” của những công trình địa phương

Hẻm 127 đường Mậu Thân là một hẻm lớn với nhiều hẻm nhánh, nhiều mương rạch. Bà con nơi đây cho biết ông Tư Biện là một trong những người tiên phong vận động nhân dân cùng nhau xóa cầu khỉ, bắc cầu ván, vỉ sắt rồi đến xây cầu bê tông, đắp đập, đặt cống... để việc lưu thông trong hẻm ngày càng thuận tiện, an toàn.

Ông Phạm Hữu Vinh, Trưởng khu vực 5, phường An Hòa, giới thiệu: “Ông Tư Biện là người có rất nhiều đóng góp cho các công trình giao thông ở địa phương, là điển hình gương “Người tốt, việc tốt” của địa phương, của quận. Mấy chục năm nay, hễ thấy đoạn đường nào trong xóm, thậm chí trong khu vực lầy lội, xuống cấp, cây cầu nào hư hỏng... ông Tư đứng ra vận động, tổ chức nâng cấp, sửa chữa. Có khi ông tự bỏ tiền ra làm...”.

Ông Tư Biện năm nay đã 87 tuổi. 30 năm nay, ông là tổ trưởng tổ 26, khu vực 5, phường An Hòa. Có một câu chuyện đến nay bà con ở hẻm 127, đường Mậu Thân còn nhớ: một buổi tối cuối năm 2009, một người đàn ông say rượu té xuống cái mương trong xóm tử vong. Sau tai nạn đó, ông Tư Biện xin phép chính quyền địa phương bỏ ra gần 10 triệu đồng đắp đập, đặt một cái cống trên cái mương ấy. Đến nay, người dân an tâm đi lại mà không sợ xảy ra tai nạn nữa. Đây là một trong số 4 cái cống mà ông Tư Biện bỏ công, bỏ của ra làm từ trước đến nay.

Những mùa mưa lầy lội, đường Vành Đai Phi Trường xuống cấp nặng, có nhiều ổ gà, ô voi. Hẻm 127 đường Mậu Thân thông với hẻm 69 đường Vành Đai Phi Trường, bà con trong hẻm phải qua lại đường này rất nhiều. Hằng năm, ông Tư đều bỏ tiền mua đất đá, bít- ton về giặm vá đoạn đường Vành Đai Phi Trường dài gần 1 km trước hẻm 69. Gần đây, ông Tư Biện lại đầu tư trên 65 triệu đồng đổ bê tông 3 đoạn đường dài gần 350 m trong tổ. Không chỉ đầu tư kinh phí, ông Tư còn trực tiếp tham gia làm với thợ, với bà con. Hình ảnh ông lão ở tuổi “bát tuần” xông xáo, lụi cụi làm đường, làm cầu... đã trở nên quen thuộc và thân thương với bà con nơi đây.

Đối với tình hình an ninh trật tự ở địa phương, ông Tư vận động nhân dân trong tổ chấp hành tốt các qui định, nâng cao tinh thần cảnh giác và tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng để phòng chống tội phạm. Cuối năm 2009, ông Tư đã đầu tư kinh phí xây một chốt gác an ninh trật tự cho khu vực, giúp các lực lượng dân quân tự vệ, tổ bảo vệ dân phố có nơi dừng chân, nghỉ ngơi và tăng cường việc canh gác giữ gìn an ninh trật tự.

Một thời gian nan

Gốc là nông dân ở Vĩnh Long, ông Tư Biện từng tham gia lực lượng Thanh niên cứu quốc, làm công tác hậu cần, binh vận, quân báo... và được Nhà nước tặng nhiều giấy khen, huân, huy chương kháng chiến.

Ông Tư Biện thường nói ông có một hậu phương vững chắc đó chính là vợ ông: bà Lê Thị Cửu. Hơn 60 năm trước, ông bà nên duyên vợ chồng và định cư tại Cần Thơ. Do hoạt động cách mạng nên ông Tư thường xuyên vắng nhà. Chính quyền ngụy nghi ngờ ông dính líu đến cách mạng nên thường xuyên xét hỏi, tra khảo. Bà Tư nói dối là ông “bỏ nhà theo vợ bé”. Bà Tư một mình lo nhà cửa, con cái, ruộng vườn. Tuy cơ cực, vất vả nhưng bà vẫn động viên chồng yên tâm công tác. Bản thân bà cũng nuôi chứa và giúp đỡ cán bộ cách mạng.

Sau hòa bình năm 1975, vợ chồng ông bà Tư tiếp tục cuộc sống của người bình thường, gắn bó với ruộng vườn, ao cá, nuôi 9 người con ăn học. Ông Tư Biện tâm sự: “Tôi thường nói vợ rằng đời mình do hoàn cảnh, do chiến tranh mà không được học nhiều. Nay hòa bình rồi dù khó khăn cỡ nào cũng phải ráng lo cho các con học hành đàng hoàng để sau này tụi nó có nghề nghiệp, có tương lai. Bao nhiêu hy vọng, mình dồn hết vào các con thôi. Bà ấy rất đồng ý nên hai vợ chồng gắng công gắng sức làm để lo cho các con”.

Không kể nắng mưa, hôm sớm, hai ông bà miệt mài lao động, vắt sức cho các con được đến trường. Bài học làm người mà vợ chồng ông Tư dạy các con không phải là những điều cao xa, sáo rỗng mà bằng chính thực tiễn lao động, bằng chính nếp sống gương mẫu của mẹ cha. Ngoài giờ học, ông bà Tư dạy các con yêu và biết lao động, làm việc trên chính mảnh đất của gia đình để biết quí hạt gạo, từ gian khổ phấn đấu vươn lên. Các con của ông bà Tư lần lượt trưởng thành trong sự dạy dỗ nghiêm khắc của cha mẹ.

Ông Tư Biện là người xông xáo, cầu thị, luôn tìm tòi, học hỏi cái mới nên ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật làm tăng năng suất, chất lượng cây lúa, cây ăn trái. Sản xuất hiệu quả, hoa lợi từ ruộng vườn giúp ông bà Tư ổn định cuộc sống gia đình và chuyện học hành của các con. Khi các con lần lượt bước chân vào đại học, cao đẳng... ông bà Tư bán bớt ruộng đất để lo cho các con. Thương cha mẹ, các con ông bà Tư người nào cũng cố gắng làm giảm áp lực cho cha mẹ: có người vừa học vừa tranh thủ kiếm việc làm thêm, có người ráng học để có học bổng, tiết kiệm chi tiêu...

Cuộc đời viên mãn

Có lẽ không niềm vui nào bằng khi cây gia đình được chăm bón vun trồng đã cho quả ngọt. Các con ông bà Tư Biện đều đã thành đạt, có cuộc sống khá giả, ổn định: có người là tiến sĩ, bác sĩ, kỹ sư, người buôn bán kinh doanh và có người nối nghiệp cha mẹ là nông dân. Dù làm gì, ở đâu, họ vẫn một lòng kính trọng, hiếu thảo với mẹ cha, thuận hòa với anh em, họ hàng, lối xóm.

Ông bà Tư Biện kể: mới cuối năm rồi, các con ông bà đã tổ chức lễ Thượng thọ cho cha mẹ. Buổi tiệc đầy đủ con cháu trong gia đình, trang trọng và ấm áp tình cảm. Bà Tư tâm tình: “Vợ chồng tôi nghỉ làm nông đã lâu, già thì nhờ con cái. Đứa nào cũng quan tâm, chăm sóc cha mẹ làm chúng tôi rất ấm lòng. Dù các con đã ra riêng hết nhưng con gái thứ Sáu, thứ Bảy và con dâu thứ Tư ở gần thường qua lại lo cơm nước, dọn dẹp nhà cửa cho vợ chồng tôi”.

Gia đình ông Tư Biện là một trong những gia đình văn hóa tiêu biểu của quận Ninh Kiều năm 2008.

Bài, ảnh: LỆ THU

Chia sẻ bài viết