25/07/2009 - 08:14

Phòng chống cúm A(H1N1) tại TP Cần Thơ

Trường học chủ động đối phó dịch cúm trước năm học mới

Tại các lớp học hè ở Trường Tiểu học Ngô Quyền, giáo viên và bảo mẫu luôn quan tâm theo dõi tình trạng sức khỏe của học sinh.
Ảnh: LG

Dịch cúm A(H1N1) đang ngày càng lan rộng. Dịch bệnh đã xuất hiện trong trường học khiến một số trường ở TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai phải đóng cửa. Điều này khiến không ít phụ huynh ở TP Cần Thơ lo lắng, bởi hiện nay, mặc dù đang trong thời điểm hè nhưng nhiều trường tiểu học, mầm non vẫn tổ chức học hè. Hơn nữa, thời điểm tựu trường cũng sắp đến, nếu dịch bệnh xảy ra, tốc lộ lây lan sẽ rất nhanh. Làm gì để phòng chống dịch cúm A (H1N1) trong trường học?

Trường Tiểu học Ngô Quyền, quận Ninh Kiều, tổ chức các lớp hè cho học sinh từ tháng 6. Hiện có 320 học sinh, từ lớp 1 đến lớp 5, đang theo học hè tại trường; trong đó, khoảng 80% là học sinh của các trường tiểu học khác. Bà Nguyễn Thị Anh Đào, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Quyền, cho biết: “Trường thường xuyên nhắc nhở giáo viên và học sinh chú ý diễn biến tình hình dịch cúm A(H1N1), nhất là khi dịch đã xảy ra tại một số trường phổ thông ở TP Hồ Chí Minh”.

Thực hiện Công văn 1022/SGDĐT-VP ngày 4-5-2009 của Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ, các trường trên địa bàn thành phố đã triển khai công văn trong hội đồng sư phạm và nhắc nhở học sinh, phụ huynh chú ý đến dịch bệnh cúm A(H1N1). Bà Nguyễn Thị Anh Đào cho biết: “Những ngày qua, trường chú trọng đến các khâu chuẩn bị, chế biến thức ăn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Giáo viên cũng nhắc nhở học sinh phải rửa tay sạch trước khi ăn hoặc sau khi đi vệ sinh...”. Tại bếp ăn của Trường Tiểu học Ngô Quyền, các nhân viên đều mang găng tay, khẩu trang đầy đủ.

Cô Trần Thị Nhiên, cán bộ phụ trách y tế của trường, nói: “Tôi thường đến từng lớp để kiểm tra tình hình sức khỏe học sinh; kết hợp với bảo mẫu, giáo viên theo dõi khi học sinh có dấu hiệu cảm, sốt là đưa ngay xuống phòng y tế để kịp thời xử lý”. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ, các giáo viên đã chủ động đối phó với dịch bệnh. Theo cô Phan Thị Ngọc Thy, giáo viên dạy lớp 1, mỗi ngày lên lớp, cô quan sát xem có học sinh nào mệt mỏi, có dấu hiệu bệnh là báo ngay cho cán bộ y tế của trường. Đồng thời, nhắc nhở phụ huynh, học sinh về việc giữ gìn vệ sinh, phòng bệnh tại nhà.

Trường Mầm non Sao Mai, quận Ô Môn, cũng tổ chức dạy hè cho học sinh đối với những trường hợp phụ huynh có yêu cầu. Cô Trương Thị Triều, Hiệu trưởng Trường Mầm non Sao Mai, nói: “Ngoài phổ biến công văn của Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ, chúng tôi còn cập nhật các thông tin về cúm A(H1N1) và trao đổi với phụ huynh về dịch bệnh này”. Khi trả trẻ, giáo viên đứng lớp đều nhắc nhở phụ huynh cảnh giác với dịch bệnh. Ban Giám hiệu cập nhật thông tin về dịch bệnh từ báo mạng, in ra và dán lên bảng thông tin của trường để giáo viên, phụ huynh cùng đọc. Trong các cuộc họp, trường hướng dẫn giáo viên cách đối phó khi lớp có học sinh nhiễm bệnh.

Công tác tuyên truyền, chủ động phòng chống cúm A (H1N1) của Trường Mầm non Sao Mai đã được thực hiện tích cực. Cô Mao Thị Thúy Hằng, giáo viên dạy lớp Lá, nói: “Nếu phát hiện học sinh bị cúm, chúng tôi sẽ báo ngay cho ban giám hiệu để kết hợp cùng ngành y tế đưa các em đi bệnh viện. Đồng thời, cách ly các học sinh của lớp với những lớp khác”. Về phía phụ huynh cũng đã có chuyển biến rõ rệt trong nhận thức. Theo chị Huỳnh Thị Kim, nhà ở khu vực Thới Hòa, khi đến rước con, chị được cô giáo hướng dẫn nên khi về nhà luôn chú ý nhiều hơn đến các dấu hiệu: ho, đau đầu, sốt cao, mệt mỏi...

Ông Ngô Phú Lỳ, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ô Môn, cho biết: “Hiện nay, đang trong thời gian nghỉ hè, hầu hết học sinh nghỉ học. Vì vậy, các thông tin về dịch bệnh cúm A(H1N1) được ngành giáo dục quận cập nhật và phổ biến tại các lớp tập huấn chuyên môn hoặc các buổi họp lệ hiệu trưởng... Trong thời gian tới, ngành sẽ tăng cường nhắc nhở các trường học không được chủ quan, lơ là với dịch bệnh nhất là khi năm học mới đã gần kề”. Theo ông Võ Minh Lợi, Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ, hiện nay, trước diễn biến phức tạp của cúm A(H1N1), nhất là khi dịch bệnh đã đi vào trường học, ngành giáo dục yêu cầu các trường đang tổ chức dạy hè phải chú trọng đảm bảo an toàn cho sức khỏe học sinh. Đồng thời, các cơ sở giáo dục cần chuẩn bị chu đáo, liên hệ chặt chẽ với các tổ chức y tế tại địa phương để phòng chống dịch trước khi vào năm học mới.

Hà Thanh

Trước tình hình dịch cúm A(H1N1) diễn biến phức tạp, ngành y tế TP Cần Thơ khuyến cáo và đề nghị:

+ Ngành giáo dục kết hợp với ngành y tế cùng tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ y tế trường học, cán bộ chữ thập đỏ và thầy cô giáo về nội dung: tác hại của dịch bệnh, phương thức lây truyền, các biện pháp phòng chống dịch.

+ Hướng dẫn và yêu cầu học sinh thực hiện các biện pháp phòng chống như: rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh cá nhân, súc miệng bằng nước sát khuẩn,…

+ Giám sát chặt chẽ học sinh có triệu chứng sốt, ho… yêu cầu người nhà đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, chẩn đoán và xử lý kịp thời.

+ Đối với trường hợp đi từ vùng đang có dịch về, trường hợp tiếp xúc với ca bệnh nghi nhiễm cúm A (H1N1), cần chủ động cách ly, thực hiện các biện pháp phòng hộ cá nhân, hạn chế tối đa tiếp xúc với người xung quanh trong thời gian 7 ngày. Đặc biệt khi có biểu hiện của bệnh như: sốt, ho, đau họng thì thông báo cho cơ quan y tế và gọi điện báo cho những người thân mà mình tiếp xúc để họ chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh.

+ Trường hợp ca mắc được xác định cúm A(H1N1) phải tiến hành lập danh sách những người tiếp xúc gần (dưới 1m) để hướng dẫn biện pháp phòng tránh như cách ly tại nhà, thực hiện các biện pháp phòng hộ cá nhân, theo dõi nhiệt độ và có thể cho lớp nghỉ học trong thời gian 7 ngày và thông báo cho cơ sở y tế gần nhất theo đường dây nóng của ngành y tế.

Bích Ngọc (Ghi)


Chia sẻ bài viết