23/09/2019 - 07:32

Trương Anh Quốc và nguồn cảm hứng sóng nước 

Trong một lần cùng dừng chân ở Bến Ninh Kiều của Cần Thơ, nhà văn Trương Anh Quốc tâm sự với tôi rằng đúng ra anh phải sinh ở miền sóng nước chứ không phải núi rừng. Vì sóng nước mang lại cho anh nguồn cảm hứng sáng tạo và nhận được các giải thưởng cao: Văn học tuổi 20 lần 3, 4 do NXB Trẻ phối hợp Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh tổ chức, giải truyện ngắn của Báo Sài Gòn Giải Phóng, Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội.

Tháng 9-2019, anh lại trình làng tiểu thuyết du ký “Sóng”, được nhà văn Trần Nhã Thụy nhận xét: “Trên thế giới không có nhiều nhà văn viết tiểu thuyết du ký, lại càng có rất ít nhà văn viết tiểu thuyết du ký biển. May mắn này, không chỉ thuộc riêng về Trương Anh Quốc, mà thuộc về cả bạn đọc”.

Tiểu thuyết du ký “Sóng” là quyển sách thứ năm của Trương Anh Quốc sau tiểu thuyết “Biển” và các tập truyện ngắn “Sóng biển rì rào”, “Lũ đầu mùa”, “Hợp đồng chiều thứ bảy”. Bước vào làng văn với tâm thế của một kỹ sư điện ngành hàng hải, có cơ hội đi khắp các đại dương, cập cảng đến nhiều nơi trên thế giới, đã giúp Trương Anh Quốc sớm có con đường riêng trên văn đàn.

So với các tác phẩm trước đây viết thuần về biển, tiểu thuyết du ký “Sóng” có một số khác biệt và độ lùi thời gian. Anh cho biết: “Chuyến tàu vòng quanh thế giới đầu tiên của mình đã để lại nhiều ấn tượng. Khi đó, mỗi lần đến cảng nào, nước nào, đi bờ ra sao… mình đều ghi lại, rồi lưu vào máy tính xách tay. Mình cũng mua được một chiếc máy ảnh kỹ thuật số bấy giờ mới ra nên quý lắm, chụp nhiều hình”. Tuy nhiên, khi về nước chiếc máy tính đó của Trương Anh Quốc bị trộm mất. Anh cứ nghĩ không thế nào tìm lại được những ký ức quý giá ấy. Vậy mà khi bắt tay vào viết tiểu thuyết “Sóng”, cảm xúc hơn 15 năm trước chợt ùa về rõ ràng. Chuyến đi ấy anh đặt chân lên hơn ba chục quốc gia, mấy chục bến cảng nhưng anh chỉ chọn những bến cảng và vùng đất đã để lại ấn tượng. “Mình chọn những điểm nhấn điển hình nói lên được tập tục, văn hóa của vùng ấy nhưng không sa đà vào chi tiết, tránh không đưa ra những thông tin có thể tra tìm trên google. Nơi đến nhiều khi chỉ là cái cớ để có câu chuyện mà thôi. “Sóng” nhẹ nhàng như một cuộc dạo chơi thăm thú các vùng đất mới, mỗi nơi để lại câu chuyện thú vị nho nhỏ vậy”, Trương Anh Quốc nói.

Tiểu thuyết du ký “Sóng” của Trương Anh Quốc.

Ngoài kiến thức văn hóa thì những chi tiết sáng tạo của nhà văn trong “Sóng” khá phong phú. Nhà văn Trương Anh Quốc cho biết tiểu thuyết du ký không đơn thuần như ký sự hay sách quảng bá du lịch, mà các điểm đến chỉ là chất liệu, nguồn cảm hứng cho sự sáng tạo của nhà văn. Thể loại này có cái dễ là kết hợp “đi, nghe, nhìn” thêm thắt mà thành, nhiều khi hư cấu lại khiến bạn đọc thấy nó rất thật. Cái khó là làm sao xâu chuỗi sự kiện, tạo thành mối liên kết thống nhất hấp dẫn lôi cuốn bạn đọc chứ không rời rạc. Nếu rời rạc thì thành thể loại tản văn.

“Sóng” được viết bằng bút pháp nhẹ nhàng, không tập trung vào xây dựng cốt truyện với tuyến nhân vật xung đột mâu thuẫn rồi đi tìm cách gỡ, mà chú trọng đến nét mới lạ của văn hóa vùng miền được bước chân nhân vật du hành bằng đường biển trải qua. “Dưới đôi mắt của nhân vật - người đi biển, sẽ có cách nhìn qua một lăng kính khác. Góc nhìn từ ngoài biển vào bờ, có cả sự mong ngóng, trìu mến và bao dung”, nhà văn nói thêm.

Có cơ hội vòng quanh khắp các đại dương, nhà văn Trương Anh Quốc cũng bày tỏ những suy ngẫm về biển đảo nước ta, có những phân tích hợp tình hợp lý về phát triển kinh tế biển, bảo vệ lợi ích quốc gia cũng như chăm lo những người gắn bó với biển.

TẤN HÙNG

 

Chia sẻ bài viết