DUY KHÔI
Mấy năm gần đây, cứ mỗi dịp Tết Trung thu đến gần, nhiều người lại nhắc đến Tết Trung thu của ngày xưa, hồi đó, với bao hoài niệm. Ðể từ đó tìm về các giá trị truyền thống.

“Bữa tiệc” Trung thu qua sản phẩm mini của Thanh Thảo. Ảnh: NVCC
Cô gái trẻ Phạm Thùy Thanh Thảo là nhân vật mà Báo Cần Thơ từng giới thiệu với mô hình khởi nghiệp làm ra các sản phẩm mini giống hệt đồ vật thật trong cuộc sống đời thường. Năm nay, Thanh Thảo khiến nhiều người thích thú với các sản phẩm phục vụ Tết Trung thu, mỗi món hàng chỉ bằng đầu ngón tay. Ðó là lồng đèn ông sao năm cánh, bánh trung thu, bánh pía, bình trà, lồng đèn bằng vỏ lon... mà nếu chụp hình cận cảnh, khó ai tin đó là "đồ mini", cứ giống y như thật.
Thanh Thảo kể, chị có một tuổi thơ rất đẹp với những mùa Trung thu được xách lồng đèn ngôi sao, vỏ lon để đi chơi cùng bạn bè. Rồi tiếng trống lân rộn ràng đêm hội tháng tám. Những ký ức đẹp đó theo chị mãi đến tận bây giờ. "Tết Trung thu năm nay, tôi muốn bằng nghề làm đồ mini của mình, gợi nhớ ký ức Trung thu hồi đó cho mọi người. Rất vui, mọi người ủng hộ nhiệt tình". Các sản phẩm mini về Tết Trung thu của Thanh Thảo làm ra không kịp bán. Ai cũng như thấy tuổi thơ mình trong những món đồ nhỏ xinh.
Anh Ðặng Thanh Sử, ngụ khu vực 5, phường An Bình, quận Ninh Kiều, vào dịp Tết Trung thu lại gom lon sữa, lon nước ngọt... để làm lồng đèn tặng trẻ em trong xóm. Ngoài lồng đèn tạo hình trái bí, anh Sử còn khéo tay làm lồng đèn xe đẩy, tiếng kêu róc rách nghe rất vui tai; rồi còn đục lỗ trên thân lồng đèn, tạo thành những chữ là tên các bé như Dâu Tây, Thiên Bảo, Táo... nên các bé rất thích thú. Vậy là những chiếc lồng đèn công nghiệp, có tiếng nhạc xập xình bị các bé "thất sủng" mà hào hứng khi được ba thắp đèn cầy, xách lồng đèn đi vòng quanh trong xóm.
Ðó là hai trong rất nhiều câu chuyện về xu hướng tìm về Trung thu xưa của nhiều người hiện nay. Khi mà trẻ em đã quá quen thuộc với đồ chơi điện tử thì những chiếc lồng đèn "hương xưa" là trải nghiệm thú vị. Anh Huỳnh Trí Thưởng, ngụ phường An Bình, quận Ninh Kiều, cho biết: "Tôi có cậu con trai hơn 5 tuổi. Lúc đầu cũng có mua cho cháu lồng đèn sử dụng bằng pin nhưng khi thấy bạn bè chơi lồng đèn làm bằng lon sữa thắp đèn cầy, cháu thích ngay và bảo cha làm cho bằng được".
Bên cạnh đó, nhiều người cũng dần tìm về giá trị gốc của ngày Tết Trung thu là ngày hội đoàn viên, các thành viên trong gia đình bên nhau, thưởng trà, ăn bánh, ngắm trăng trong đêm rằm. Vậy nên, nhiều người còn xem Tết Trung thu là Tết của tình thân.
Giữa xã hội phát triển ngày nay, việc nhiều người ý thức tìm lại ký ức, hoài niệm về những giá trị văn hóa xưa cũ là điều đáng mừng. Ðiều đó cho thấy giềng mối văn hóa vẫn được bảo tồn và phát triển qua những dạng thức khác nhau.