16/12/2012 - 09:03

Trung Quốc quảng bá thương hiệu trên phim Hollywood

Công ty thời trang Semir của Trung Quốc tài trợ trang phục cho Scarlett Johansson trong phim “Iron Man 2”. Ảnh: photo.i2yes.com 

Những phim "bom tấn" của Hollywood đang là một trong những phương tiện hữu hiệu cho việc quảng bá thương hiệu. Nhiều siêu phẩm xuất hiện các thương hiệu danh tiếng của Mỹ như Ford, Audi, BMW, Coca-Cola hay Apple. Nhưng giờ đây, như một "làn sóng" tràn các phim và chương trình truyền hình Mỹ, những sản phẩm Trung Quốc đã hợp đồng để xuất hiện nhan nhản trên các phim Mỹ.

Xem "The Big Bang Theory", khán giả bắt gặp những hộp sữa Shuhua do công ty sữa có tiếng của Trung Quốc Yili sản xuất; hay hàng loạt các sản phẩm (như sữa Shuhua, thời trang Meters/Bonwe, sản phẩm của công ty máy tính Lenovo và công ty điện tử TCL) đến từ Trung Quốc cũng xuất hiện trong phim "Transformers: Dark of the Moon"; hay công ty thời trang Semir của Trung Quốc chính là nhà tài trợ trang phục cho các nhân vật trong "Iron Man 2"....

Các công ty Trung Quốc đưa sản phẩm của mình lên phim Hollywood không phải để thu hút khách hàng Mỹ. Họ hy vọng khi sản phẩm xuất hiện trong các phim Hollywood thì hình ảnh công ty cũng được nâng cao trong mắt những khách hàng ở quê nhà. "The Big Bang Theory" là một ví dụ: mặc dù không phát trên sóng truyền hình Trung Quốc nhưng phim đã thu hút được hơn 18 triệu lượt xem trên các website phim của Trung Quốc. Janie Ma, Giám đốc quảng bá và giải trí của Ogilvy Beijing, cho biết: "Người tiêu dùng Trung Quốc bị thu hút khi các sản phẩm của quốc gia xuất hiện trên truyền thông Mỹ. Điều này giúp tô đậm hình ảnh của các thương hiệu trong nước".

Với sức ảnh hưởng toàn cầu mạnh mẽ của phim Hollywood, càng ngày càng có nhiều thương hiệu Trung Quốc chịu chi một khoản kinh phí khổng lồ (đôi khi những khoản tiền này lên đến 30% kinh phí sản xuất một bộ phim) để được xuất hiện. Xie Wei, giám đốc thương hiệu Meters/Bonwe, cho biết: "Nhắc đến Hollywood nghĩa là nhắc đến các bộ phim doanh thu cao, chất lượng tốt và kỹ thuật tối tân".

Con số thống kê từ đầu năm nay cho thấy cách quảng bá này có hiệu quả trong việc tăng doanh thu. Lấy ví dụ là phim "Transformers: Dark of the Moon" năm 2011, trong phim có cảnh một nhà khoa học người Trung Quốc đang cầm một hộp sữa Shuhua trong thang máy cùng với ngôi sao Shia LaBeouf. "Để tôi uống xong hộp Shuhua đã", ông nói bằng tiếng Trung Quốc và câu nói đã trở thành một hiện tượng trên internet ở Trung Quốc. Doanh thu của Shuhua năm đó tăng lên 12%.

Tuy nhiên sự đầu tư cho sự xuất hiện trên những phim của Hollywood có thể dẫn đến rủi ro. Không có gì đảm bảo rằng tác phẩm điện ảnh của Hollywood mà họ gửi gắm sẽ được công chiếu tại Trung Quốc, bởi nó phải qua cửa Ủy ban kiểm duyệt. Hiện đang có thông tin ủy ban này đang tiến hành việc hạn chế ra rạp các bộ phim Hollywood không phải do các diễn viên hay đạo diễn Trung Quốc đóng và thực hiện.

DUYÊN KHÁNH (Theo Latimes)

Chia sẻ bài viết