30/03/2014 - 06:50

Trung Quốc đang “chảy máu nhân tài”

Nhiều người rời khỏi Trung Quốc vì các vấn đề như giáo dục, vệ sinh thực phẩm, an toàn tài sản và ô nhiễm không khí.

Làn sóng người Trung Quốc di dân khỏi đại lục không phải là mới, nhưng gần đây họ mang theo cả tiền bạc và tài năng, tạo ra một hiện tượng mới bao gồm chảy máu chất xám cũng như của cải. Nhưng điều gì đang thúc đẩy các cuộc di cư và Chính phủ Trung Quốc có biện pháp gì để đảo ngược xu hướng này hay không?

Theo báo cáo của Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa (CCG), cơ quan cố vấn có uy tín tại Bắc Kinh, năm qua có 8,5 triệu người chủ yếu là tầng lớp trung lưu Trung Quốc ra nước ngoài sinh sống, trong khi chỉ có 848.000 người chuyển đến nước này. Nhân dân Nhật báo gọi đó là "cuộc chảy máu chất xám tồi tệ nhất thế giới".

"Văn hóa không phải là lý do chính hầu hết người Trung Quốc rời khỏi đại lục. Họ ra đi vì những lý do thực tế như giáo dục, thực phẩm, an toàn tài sản và chất lượng không khí" – theo Li Chen, người từ đại lục chuyển đến Hồng Công cách đây 2 năm. Người đàn ông 32 tuổi cho biết khi vợ anh được tạo điều kiện chuyển nơi ở đến Hồng Công, hai vợ chồng đã không bỏ lỡ thời cơ. Di dân cho phép Li theo đuổi niềm đam mê chụp ảnh và giúp anh lấy bằng thạc sĩ báo chí tại Đại học Hồng Công.

Có quá nhiều lý do di dân

Nhiều người giàu Trung Quốc, bao gồm doanh nhân, nhà đầu tư và thậm chí là quan chức, ra đi để bảo toàn tài sản của mình – theo hãng tin CNN.

Chiến dịch chống tham nhũng do Chủ tịch Tập Cận Bình chủ xướng đang diễn ra mạnh mẽ, trong đó tiền bạc và mối quan hệ không còn là rào cản đối với khả năng miễn trừ và truy tố. Có tội hay không là điều mà nhiều người đang tự hỏi và thay vì nán lại để tìm hiểu mình có phải là mục tiêu bị điều tra tiếp theo, họ chọn cách đưa bản thân, gia đình và của cải rời khỏi Trung Quốc. Họ được gọi là "quan chức trần trụi", cụm từ ám chỉ những công chức có vợ/chồng và con cái đang sống ở nước ngoài. Gần đây, Chủ tịch Tập đã cấm cất nhắc những đối tượng này để ngăn họ ôm tiền công quỹ bỏ trốn.

Còn những người khác thì ra đi vì cảm thấy quy định của hệ thống tài chính không đủ bảo vệ tài sản của họ. Nhìn chung, số người muốn di dân mỗi năm đều tăng. Trong những người giàu được khảo sát trong báo cáo của Hurun năm 2014, 64% cho biết họ đang hoặc chuẩn bị di dân, tăng 4% so với năm trước. Tấm vé di dân của họ chủ yếu thông qua visa dành cho nhà đầu tư nước ngoài cung cấp bởi các nước phát triển như Mỹ, Anh và Úc.

Bên cạnh đó, "người ta ra nước ngoài định cư vì cơ hội, chất lượng sống và giá trị bằng cấp" - Giáo sư David Zweig, chuyên gia về nguồn nhân lực Trung Quốc tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Công, cho biết. Người Trung Quốc quan niệm có được bằng cấp nước ngoài luôn được đánh giá cao, nên nhiều người muốn di cư để con cái tiếp cận nền giáo dục tiên tiến. Khi có cơ hội, nhiều sinh viên sau đại học của Trung Quốc - đặc biệt là các nghiên cứu sinh tiến sĩ – cũng chọn ở lại nước ngoài, ít nhất là trong trung hạn. Trong khi đó, thực trạng "mối quan hệ"- điều kiện cần thiết để kiếm một công việc- cũng ngăn người ta trở về. Pan Xiao, nhân viên một công ty xuất bản, nói: "Ở Hồng Công, tôi có thể tìm việc cho mình mà không thông qua cha mẹ hoặc chú bác".

CNN cho biết tăng trưởng kinh kế không kiểm soát dẫn tới vô số nỗi sợ liên quan đến an toàn thực phẩm và ô nhiễm môi trường cũng là lý do người ta ra đi, bởi vì "sức khỏe quý hơn vàng". Những tháng gần đây, khói bụi do ô nhiễm đã đạt đến mức nguy hại cho sức khỏe con người và bao trùm Thủ đô Bắc Kinh cũng như phần lớn khu vực Đông Bắc Trung Quốc, đến nỗi Thủ tướng Lý Khắc Cường phải "tuyên chiến với ô nhiễm".

Chính phủ Trung Quốc ứng phó như thế nào?

Chảy máu chất xám và của cải gây thiệt hại cho Trung Quốc ra sao? Giám đốc CCG Wang Huiyao cho biết hiện tượng này đe dọa sự chuyển dịch kinh tế dài hạn của Trung Quốc. Do đó, ông đề nghị chính phủ thành lập một văn phòng di trú và khuyến khích người nước ngoài có trình độ cao nhập cư vào Trung Quốc. Zweig nói rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc ý thức sâu sắc sự thiếu hụt trí thức, đặc biệt là nhân lực trình độ cao. Năm 2009, với hy vọng sẽ thu hút trở lại những tài năng sáng giá, Chính phủ Trung Quốc từng giới thiệu "Chương trình một nghìn nhân tài" nhằm níu giữ những người giỏi từ các viện nghiên cứu hàng đầu, các nhà khoa học và giới doanh nhân, nhưng nó không mấy thành công.

THANH TRÚC

Chia sẻ bài viết