02/07/2018 - 10:07

Trung Quốc “càn quét” các mỏ quặng thế giới 

Đây là tiêu đề bài phân tích trên tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hồng Công, trong đó đánh giá các tập đoàn khai khoáng Trung Quốc sẽ còn đẩy mạnh săn lùng các mỏ quặng trên thế giới, đáp ứng tham vọng của cường quốc châu Á.

Nhà máy xử lý lithium của SQM, Chile. Ảnh: AFP

Theo dự báo của Chính phủ Trung Quốc, sẽ có khoảng 2 triệu chiếc xe điện (EV) lưu thông tại nước này vào năm 2020. Trên thực tế, Trung Quốc muốn dẫn đầu thị trường EV với hy vọng dòng phương tiện năng lượng mới sẽ chiếm khoảng 12% tổng doanh số bán xe đến năm 2020. Vấn đề mà Bắc Kinh lo ngại hiện nay là công nghệ cốt lõi trong sản xuất pin cũng như các bộ phận quan trọng khác trong chuỗi cung ứng vẫn phần nào lệ thuộc vào một số nhà cung cấp nước ngoài.

Thực tế này cùng với triển vọng kinh doanh sáng sủa của phương tiện năng lượng mới, SCMP cho biết nhiều công ty khai khoáng Trung Quốc bắt đầu đẩy mạnh hoạt động mua bán, sáp nhập và tham gia hàng loạt dự án khai thác mỏ lithium, cobalt cùng nhiều loại quặng khác trên thế giới nhằm giải nhiệt “cơn khát” tài nguyên. Năm 2016, tập đoàn Molybdenum một phần do Chính phủ Trung Quốc kiểm soát đã trở thành “ông lớn” trên thị trường khai thác cobalt sau khi chi 2,65 tỉ USD mua lại mỏ Tenke Fungurume ở Congo. Trong khi đó, công ty chuyên về tái chế rác thải điện tử ở Thâm Quyến GEM Co sẽ sở hữu 1/3 tổng sản lượng cobalt trong 3 năm tới của Glencore Plc, một trong những nhà sản xuất kim loại lớn nhất thế giới. Gần đây, tập đoàn Tianqi chuyên về khai thác và kinh doanh lithium của Trung Quốc đầu tư  hơn 4 tỉ USD để mua 24% cổ phần của công ty khai thác mỏ đồng thời là nhà sản xuất lithium lớn thứ hai thế giới SQM (Chile). Còn nhà sản xuất lithium lớn nhất Trung Quốc Jiangxi Ganfeng Lithium đang hy vọng thu về 1 tỉ USD trong đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) để phát triển dự án khai thác mỏ ở Argentina. Cũng trong cuộc đua khai khoáng, Chemphys Chengdu Chemical Industry đã trở thành cổ đông lớn nhất của NRG Metals (Canada), qua đó, công ty Trung Quốc có thể sở hữu toàn bộ sản lượng lithium trong tương lai từ một dự án ở Argentina.

Lithium là kim loại thiết yếu chế tạo pin và ắc quy cho các thiết bị điện tử như điện thoại di động, xe điện. Ngoài những bước đột phá và cải tiến công nghệ trong chuỗi cung ứng pin lithium-ion toàn cầu, các hoạt động thâu tóm đã giúp Trung Quốc vượt mặt Hàn Quốc để trở thành nhà cung cấp pin lithium-ion lớn nhất thế giới. Đồng thời, theo chuyên gia nghiên cứu Zhao Dongchen tại ICBC International ở Hồng Công, việc Trung Quốc là nước tiêu thụ lithium lớn nhất thế giới và tương lai phát triển thị trường EV tại nước này càng khiến cuộc đua giành lấy nguyên liệu lithium trở nên khắc nghiệt hơn.

 Giới quan sát dự báo, doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tiếp tục tạo ra tầm ảnh hưởng sâu rộng khi chính phủ nước này đang thúc đẩy sáng kiến “Vành đai, Con đường” tìm kiếm các dự án đầu tư, thương mại và cơ sở hạ tầng mới dọc theo con đường tơ lụa cổ đại từ Trung Quốc đến châu Phi và châu Âu.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết