18/09/2023 - 09:06

Trung Quốc thiếu hụt nhân tài AI 

MAI QUYÊN

Trung Quốc đang đối mặt tình trạng thiếu hàng triệu chuyên gia trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI). Theo trang tin Nikkei, thiếu hụt này có thể phủ bóng lên sự bùng nổ ngành công nghệ AI tạo sinh giữa thời điểm các dự án đi vào hoạt động.

Baidu giới thiệu chatbot Ernie tại sự kiện hồi tháng 8. Ảnh: Getty Images

Từ sau khi công ty Mỹ OpenAI giới thiệu phần mềm ChatGPT vào cuối năm 2022, các tập đoàn và công ty công nghệ Trung Quốc bắt đầu chạy đua phát triển AI tạo sinh. Tháng 3 năm nay, “gã khổng lồ” tìm kiếm Baidu ra mắt phiên bản beta của chatbot Ernie. Một tháng sau, Alibaba công bố Tongyi Qianwen được ví như “ChatGPT phiên bản Trung Quốc”. SenseTime cũng giới thiệu mô hình ngôn ngữ lớn SenseNova và tích hợp vào chatbot có tên SenseChat. Tháng rồi, Trung Quốc cấp phép cho các dịch vụ AI tạo sinh hoạt động theo các quy tắc được thực thi từ ngày 15-8. Sau khi được chấp thuận, 4 công ty công nghệ lớn của Trung Quốc bao gồm Baidu và SenseTime Group lần lượt công khai các chatbot AI phiên bản chính thức do họ phát triển.

Ðộng thái vội vã phát hành chatbot của các ông lớn công nghệ Trung Quốc khiến nhu cầu tuyển dụng đối với tầng lớp tinh hoa trong ngành AI tăng mạnh. Theo nền tảng tìm kiếm việc làm Liepin, các tin tuyển dụng trong danh mục công cụ tạo nội dung AI tăng gấp 2,3 lần trong nửa đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước. Mức lương trung bình hàng năm cho những tin tuyển dụng như vậy cũng vượt quá 54.000 USD, gần gấp đôi mức trung bình 30.000USD trong lĩnh vực xe năng lượng mới. Nhóm ứng viên được săn đón nhiều nhất là người có bằng thạc sĩ hoặc tiến sĩ ở độ tuổi 30, từng làm việc tại các công ty chuyên về mô hình ngôn ngữ lớn - nền tảng của AI tạo sinh. Theo người đứng đầu bộ phận nhân sự AI Angus Chen của công ty tuyển dụng ManGo Associates, người lao động có tay nghề cao trong lĩnh vực này có thể kiếm 137.000 USD/năm. Một số người được tuyển chọn thậm chí nhận được lời đề nghị hơn 400.000USD.

Thách thức nguồn cung nhân lực

Theo công ty tình báo thị trường Mỹ IDC, việc ứng dụng AI trong nhiều ngành công nghiệp đang gây ra tình trạng thiếu lao động. Mặc dù chưa dự đoán được sự bùng nổ AI kéo dài bao lâu, nhưng Liepin cho biết nhu cầu về nhân tài trong những ngành liên quan sẽ tiếp tục tăng trong một thời gian nữa khi Trung Quốc dự kiến đầu tư 38,1 tỉ USD trong lĩnh vực AI vào năm 2027. IDC cho biết, đầu tư vào AI sẽ đặc biệt lớn trong lĩnh vực viễn thông và ngân hàng, cũng như chính quyền địa phương.

Trước giai đoạn này, Chính phủ Trung Quốc đã dự đoán trước sự thiếu hụt nhân công trong lĩnh vực AI. Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Lao động và An sinh xã hội năm 2020, cả nước thiếu khoảng 5 triệu lao động ở các nhóm ngành liên quan và nguồn cung nhân lực AI chỉ có thể đáp ứng 10% nhu cầu vào thời điểm đó. Trừ khi tăng cường đào tạo, sự thiếu hụt sẽ tăng lên hơn 10 triệu công nhân vào
năm 2025.

Ðáp lại lời kêu gọi của chính phủ, các doanh nghiệp chẳng hạn như Baidu cho biết công ty đã đào tạo được hơn 3 triệu người thông qua nhiều nỗ lực hợp tác khác nhau. Tuy vậy, Giám đốc công nghệ của Baidu, Wang Haifeng đầu năm nay ước tính ngành AI đã “khát” từ 5 đến 8 triệu nhân tài trong vài năm qua. Trong một báo cáo công bố vào tháng 5, công ty tư vấn Mỹ McKinsey & Co cảnh báo sau năm 2030, tỷ lệ sinh giảm ở Trung Quốc sẽ thắt chặt hơn nữa nguồn tài năng AI sẵn có. Trong bối cảnh này, McKinsey & Co khuyến nghị Trung Quốc tăng tốc các chương trình nâng cao tay nghề cho người lao động hiện có và đa dạng hóa nguồn nhân tài bằng cách tìm kiếm các nhà thầu bên ngoài.

Chia sẻ bài viết