09/02/2024 - 08:16

Trụ đỡ cho tăng trưởng kinh tế 

Năm 2023, lĩnh vực thương mại dịch vụ của thành phố tiếp tục là điểm sáng trong những nỗ lực của thành phố nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phục hồi sau đại dịch COVID-19. Chiếm tỷ trọng 53,33% trong cơ cấu GRDP của TP Cần Thơ, vượt chỉ tiêu Nghị quyết HÐND đề ra; đạt mức tăng trưởng 7,57%, hơn gấp đôi so với mức tăng trưởng của khu vực nông lâm nghiệp - thủy sản và khu vực công nghiệp - xây dựng, thương mại dịch vụ là mũi đột phá, trụ đỡ tăng trưởng kinh tế của thành phố.

Hoạt động giao thương tại Hội nghị kết nối giao thương giữa do Sở Công Thương TP Cần Thơ phối hợp với Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh tổ chức tại TP Cần Thơ.

“Hai bút cùng vẽ”

TP Cần Thơ có 109 chợ, 12 siêu thị, 5 trung tâm thương mại và 162 cửa hàng tiện ích. Trong nhiều năm, tổng mức hàng hóa bán lẻ của Cần Thơ luôn đứng đầu trong khu vực ÐBSCL và đứng vị trí thứ 3 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, sau TP Hồ Chí Minh và TP Hà Nội. Năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn TP Cần Thơ ước đạt trên 115.600 tỉ đồng, tăng 10,72% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 92% so với kế hoạch năm 2023. Trong năm, thành phố diễn ra nhiều sự kiện lớn, thu hút được khách du lịch các tỉnh, thành trong nước và quốc tế đến tham quan, tổ chức các hội nghị, hội thảo… qua đó thúc đẩy nhu cầu mua sắm của người dân.

Thành phố không chỉ tập trung đầu tư phát triển hạ tầng khang trang, hiện đại phục vụ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng trực tiếp, những nỗ lực phát triển nhanh thương mại điện tử (TMÐT) và thanh toán không dùng tiền mặt trong vài năm gần đây đóng góp đáng kể vào kết quả tăng trưởng lĩnh vực thương mại dịch vụ. Trên địa bàn TP Cần Thơ có khoảng 54.000 điểm giao dịch TMÐT. Các doanh nghiệp như VNPT, Viettel, MobiFone đã triển khai mô hình Chợ 4.0 tại 14 chợ tại các quận, huyện với trên 3.000 người tham gia sử dụng ứng dụng (trung bình 25%/chợ). Hiện 12 siêu thị, 5 trung tâm thương mại và 162 cửa hàng tiện lợi kinh doanh theo chuỗi trên địa bàn thành phố cũng đã triển khai ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Theo khảo sát, tổng giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt của chuỗi các cửa hàng tiện lợi dao động từ 7-20 tỉ đồng/năm; đối với các siêu thị, trung tâm thương mại, giá trị giao dịch đạt từ 37-50 tỉ đồng/năm/doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Quách Nhi đại diện sàn thương mại điện tử Tiki cho rằng, việc đẩy mạnh hoạt động TMÐT, các giải pháp về tài chính số tại TP Cần Thơ và các tỉnh ÐBSCL sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận được thị trường lớn trong thời gian ngắn mà không phải đầu tư vào hệ thống cửa hàng, hệ thống phân phối khá tốn kém. Các mô hình hợp tác đa dạng, phương án vận hành, giải pháp tiếp thị từ các đơn vị TMÐT sẽ hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp, hợp tác xã tại địa phương.

Mở rộng hợp tác

Khai thác ưu thế về hạ tầng giao thông phát triển nhanh trong vài năm gần đây với định hướng trở thành đầu mối giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế, thành phố năng động, sáng tạo, mở rộng hợp tác giữa các địa phương thúc đẩy giao thương, lưu chuyển hàng hóa, thu hút khách du lịch.

Nhân sự kiện tham gia chuyến bay đầu tiên đường bay mới giữa Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ - Cảng Hàng không Quốc tế Vân Ðồn (tỉnh Quảng Ninh) tháng 4-2023, lảnh đạo TP Cần Thơ làm trưởng đoàn công tác, đã tham dự hội nghị kết nối giao thương giữa TP Cần Thơ và tỉnh Quảng Ninh. Theo đó, Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh và Sở Công Thương TP Cần Thơ chủ động kết nối trực tiếp các doanh nghiệp 2 địa phương để hỗ trợ tiêu thụ, quảng bá hàng hóa của nhau, đặc biệt hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu, lối mở tại tỉnh Quảng Ninh. Ðến nay, các đơn vị phân phối của tỉnh Quảng Ninh thực hiện ký kết hợp đồng tiêu thụ, giới thiệu quảng bá 25 sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), sản phẩm trái cây, sản phẩm nông sản của TP Cần Thơ. Các đơn vị phân phối của TP Cần Thơ cũng kết nối tiêu thụ được 8 sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ninh tiêu thụ tại thị trường Cần Thơ.

Hoạt động kinh doanh tại siêu thị LOTTE Mart Cần Thơ.

Phát huy thành quả hợp tác nhiều năm qua trong xây dựng chuỗi cung ứng hàng hóa giữa 2 địa phương, Sở Công Thương TP Cần Thơ và Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh ký kết bản hợp tác phát triển ngành Công Thương đến năm 2025. Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, cho rằng, việc đẩy mạnh hợp tác, liên kết phát triển giữa TP Hồ Chí Minh và TP Cần Thơ không chỉ mở ra cơ hội để thu hút các dự án từ các nhà đầu tư TP Hồ Chí Minh vào TP Cần Thơ mà còn kết nối để cung cấp hàng hóa chủ lực, hàng nông sản cho thị trường tiêu dùng lớn nhất nước - TP Hồ Chí Minh.

Ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho biết, thực hiện mục tiêu trở thành trung tâm thương mại dịch vụ của vùng ÐBSCL, hướng tới, ngành Công Thương tập trung phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng thương mại hiện đại và tiên phong trong bán lẻ phục vụ du lịch. Dịch vụ phát triển theo hướng đa dạng, chất lượng cao và mở rộng các dịch vụ mới có tiềm năng và giá trị gia tăng lớn. Khuyến khích liên kết giữa nhà sản xuất và doanh nghiệp phân phối, gắn với nâng cao uy tín, chất lượng hàng Việt Nam; đẩy mạnh thu hút các tập đoàn bán buôn, bán lẻ lớn, có uy tín; kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, đặc biệt đầu tư vào các trung tâm, siêu thị, chợ đầu mối, chợ chuyên ngành…, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng, nâng cao chất lượng hàng hóa và hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố. Tiếp tục kêu gọi đầu tư trung tâm logistics, tạo điều kiện và hỗ trợ hình thành các cơ sở cung ứng dịch vụ logistics tập trung, đồng bộ về bến bãi, hệ thống kho, bảo quản, vận chuyển; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, quảng bá thương hiệu và hình ảnh sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của thành phố. Phát triển dịch vụ thương mại kết hợp, đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố...

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

Chia sẻ bài viết