Ông Lưu Văn Thương, nông dân khu vực Trường Trung, phường Trường Lạc, quận Ô Môn, nhiều năm liền đạt danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Với tinh thần ham học hỏi, yêu lao động, ông Thương đã phát triển mô hình trồng sầu riêng chuyên canh, thu nhập gần 1 tỉ đồng/năm. Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông còn giúp nhiều hội viên phát triển mô hình trồng sầu riêng, có thu nhập ổn định.
Mô hình trồng sầu riêng chuyên canh giúp ông Thương có thu nhập cao.
Ông Thương có 3ha đất trồng sầu riêng, trong đó 1,5ha đang trong giai đoạn thu hoạch và 1,5ha trồng được 2-3 năm. Ông Thương phấn khởi nói: “Năm 2024, tôi thu hoạch 1,5 ha sầu riêng được hơn 20 tấn trái, bán với giá 50.000- 60.000 đồng/kg, trừ chi phí, tôi còn lời hơn 700 triệu đồng”.
Trước khi trồng sầu riêng, 1,5ha vườn của ông Thương trồng măng cụt. Thời điểm đó, ông Thương nhận thấy giá của loại trái cây này bấp bênh, thường rớt giá nên quyết định chuyển đổi cây trồng mới với hy vọng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập bền vững. Năm 2012, ông Thương đốn bỏ 5 công măng cụt để trồng thử sầu riêng Ri6. Sau hơn 1 năm chăm sóc, ông Thương nhận thấy cây sầu riêng phù hợp với thổ nhưỡng, phát triển xanh tốt nên mạnh dạn đốn bỏ 1ha măng cụt còn lại để phát triển mô hình trồng sầu riêng chuyên canh.
Các giống sầu riêng được ông Thương trồng chủ yếu là Ri6 và Monthong. Theo ông Thương, đây là những giống có năng suất cao và phẩm chất ngon, được thị trường ưu chuộng. Ưu điểm của các giống này có sức sinh trưởng tốt, trái to, hạt lép, cơm vàng, ráo mịn, ít xơ, ăn rất ngon. Chia sẻ kinh nghiệm trồng sầu riêng, ông Thương cho biết: “Muốn sầu riêng đạt năng suất cao, bên cạnh việc cung cấp nước đầy đủ, phải bón phân và phun thuốc bảo vệ thực vật hợp lý. Bên cạnh đó, phải đào rãnh thoát nước, dùng màng ni lông phủ kín quanh gốc nhằm tạo khô hạn cho cây khi xử lý ra hoa sớm vụ”. Nhờ chăm chỉ, mày mò học hỏi qua sách báo và mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, ông Thương chăm sóc vườn sầu riêng đạt cả về năng suất và chất lượng, cuộc sống ngày càng sung túc.
Với kinh nghiệm 12 năm trồng sầu riêng, đến nay ông Thương đã nghiên cứu và ứng dụng thành công việc xử lý cho cây sầu riêng ra hoa vụ nghịch. Theo ông Thương, thường vào tháng 9 âm lịch, ông tiến hành xiết nước, kết hợp với bón phân để cây ra hoa. Nếu chăm sóc đúng quy trình, sầu riêng sau khi ra hoa đến thu hoạch là 6 tháng. Sau khi thu hoạch trái, cây thường bị suy, người trồng cần cung cấp các loại phân hữu cơ kết hợp với thuốc trừ nấm bệnh, tưới dưỡng rễ cho cây nhanh phục hồi phát triển cành, lá. Tùy giai đoạn phát triển của cây mà bón phân phù hợp. Người trồng cũng cần lưu ý là không được dùng cuốc xới ở gốc cây sầu riêng, bởi rễ cây nằm sát mặt đất, nếu xới sẽ làm đứt rễ, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của cây.
Hiện nay, sầu riêng có đầu ra rất ổn định, đến mùa các thương lái đến tận vườn thu mua. Từ năm 2022 đến nay, ông Thương tiếp tục chuyển 1,5ha đất ruộng trồng lúa không hiệu quả để lên vườn trồng sầu riêng. Vườn cây đang phát triển xanh tốt.
Ông Võ Văn Vũ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Trường Lạc, cho biết: “Năm 2020, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Trường Phát được thành lập do anh Lưu Văn Thương làm Giám đốc. Hiện tại, HTX có 23 thành viên tham gia với diện tích khoảng 50ha. Mô hình trồng sầu riêng của anh Thương và các thành viên trong HTX mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là mô hình được quận quan tâm và chọn làm điểm cho nhiều hội viên tham quan, trao đổi kinh nghiệm. Với vai trò là giám đốc HTX, anh Thương sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho các thanh viên và nông dân có nhu cầu trồng sầu riêng. Sắp tới, Hội Nông dân phường tiếp tục phối hợp các ngành tạo điều kiện cho các hội viên có nhu cầu vay vốn để chăm sóc vườn sầu riêng; đồng thời, hỗ trợ khoa học kỹ thuật giúp các hội viên, nông dân nhân rộng mô hình trồng sầu riêng”.
Bài, ảnh: T.T