27/09/2020 - 13:33

Trong ngôi nhà của cha 

Truyện ngắn: Phong Linh

 

Khi rời khỏi nơi ấy đến sống với dì, sau ngày cha mất, tôi chưa từng nghĩ có ngày sẽ trở về. Tôi cứ mải miết nơi Sài Gòn nhộn nhịp, mang trong lòng tâm cảm bất an, buồn bã, chỉ có thể nương những cơn mưa giông để khóc thật to trên đường, giữa những người xôn xao xa lạ, cho vơi bớt nỗi buồn.

Tôi cố gắng không hoài vọng quá khứ, càng không mơ tưởng tương lai. Tôi chỉ có thể mỗi ngày làm tốt công việc của một nhân viên bán hàng cùng dì, và tham gia lớp học bổ túc vào buổi tối. Bằng cách mơ hồ nào đó, tôi muốn bám trụ tại thành phố này.

Tôi gặp Đông khi cậu đang làm bộ phim tài liệu về khu chợ có cửa hàng của dì tôi. Suốt buổi làm việc của Đông cùng nhóm sản xuất, tôi chỉ dám đứng từ xa để nhìn, và giúp dì những việc cần thiết theo yêu cầu. Đông có nét ấm áp lạ lùng. Thỉnh thoảng chúng tôi trao đổi vài câu chuyện, giọng Sài Gòn của cậu nghe thật dễ chịu.

Sau buổi chiều ấy, khi tạm biệt, Đông tặng tôi một DVD phim “Ba Mùa” của Tony Bùi mà cậu yêu thích nhất.

Bắt đầu từ “Ba Mùa”, bộ phim đẹp đẽ và buồn bã về Sài Gòn một thuở xa xôi ấy, tôi và Đông cũng trở thành những người bạn của nhau. Tôi có thể nói với cậu rất nhiều chuyện đã giấu kín trong lòng từ ngày cha tôi mất. Chúng tôi có thể cùng nhau đi bộ qua rất nhiều khu phố cũ kỹ, và mải miết nói về thành phố này.

Tôi chưa từng gặp ai yêu Sài Gòn như Đông. Và bởi vì có Đông, có những câu chuyện của Đông, tôi cũng bắt đầu bước vào bên trong thành phố này, để cảm thấy mình có thể yêu, ngắm nhìn và trò chuyện cùng nó.

Có lần, trong khi đang đi bộ, Đông hỏi tôi:

- Cậu có muốn về thăm nơi của cậu không?

- Nơi nào?

Tôi thả rơi câu hỏi đó một cách hoàn toàn vô thức. Trong đầu tôi cứ nghe vang vang câu nói đó. Rồi tôi không nói gì nữa. Tôi chỉ ngồi im thế. Đông lại gần tôi, và đưa bàn tay áp lên má tôi, dùng khăn mùi xoa lau một giọt nước mắt đang lăn dài và nói “Về nơi cậu luôn nhớ đến”. Bây giờ tôi mới biết khăn của Đông thơm mùi hoa nhài.

- Người đàn ông có chiếc khăn thơm mùi hoa nhài à, thật ủy mị! - tôi cố đùa để không bối rối.

Đông cười vẻ ngượng nghịu:

- Tớ ở trong một thành phố ủy mị mà.

- May nhờ sự ủy mị ấy mà tớ mới được chiều chuộng thế này, phải không?

Đông chỉ cười khi cất chiếc khăn vào túi.

* * *

Ngày thi cuối cùng kết thúc, tôi vừa bước ra khỏi cổng trường, Đông kéo tôi lên chiếc xe máy của cậu. Cậu vội vã như đã đứng đợi tôi ở đây từ rất lâu rồi. Chiếc xe máy cứ lao đi, tưởng sẽ đi mãi không còn dừng lại nữa.

Tôi ngồi sau xe Đông, mặc chiếc áo khoác của cậu. Đông chở tôi qua những khúc quanh co của núi. Nơi tôi sắp về, tôi đã bỏ nó đi qua mấy mùa rồi. Mùa này, đêm xuống vẫn lạnh co ro thế sao. Tôi ngửi thấy mùi thân thuộc trong những đợt gió xẹt qua mũi.

Đêm xuống thì chúng tôi về đến nơi. Căn nhà của tôi vẫn lặng lẽ ở đó. Trong đêm tối sẫm của núi, tôi không thể nhìn thấy rõ cây trứng cá mà tôi đã thương nhớ suốt những ngày qua.

Đông theo tôi vào nhà. Một ngôi nhà buồn bã vì bị quên lãng. Tôi cảm thấy như nghe lời trách móc của cha tôi. Nơi ông bà, cha mẹ tôi đã từng sống, vậy mà tôi đã khiến nó trở nên tàn tạ thế này. Tôi nằm lên chiếc giường cũ, suốt từ khi mẹ đi lúc tôi còn rất nhỏ, cha tôi đã nằm ngoài đây để nhớ về mẹ. Đằng sau tấm phên là căn phòng nhỏ của riêng tôi. Dù thời gian nhanh hay lâu thì việc gặp lại một điều thân thiết cũng dễ khiến con người đau lòng. Đau lòng rồi hối hận vì mình đã bỏ nó đi, nhưng nếu bảo ở lại thì cũng chẳng có ai dám làm điều đó.

- Nơi này thật khác lạ. Tớ nghe được cả tiếng của núi rừng. Tớ không nghĩ một ngày nào đó tớ lại có thể đi khỏi thành phố xa đến thế - Đông nhìn tôi, mỉm cười.

- Cảm ơn cậu!

Tôi chỉ nói được điều đó với Đông. Tôi biết ơn Đông rất nhiều vì cậu ấy đã đến và đưa tôi về nơi của tôi. Đông yêu Sài gòn của cậu ấy, cũng giống như tôi yêu tha thiết phố núi im vắng này. Trở về nhà của mình tôi đã không còn cảm giác bơ vơ như khi lọt thỏm trong căn phòng giữa Sài Gòn quá đỗi rộng lớn mà lại quá đỗi chật chội ấy nữa.

Đêm đó Đông ngủ trên chiếc giường của cha tôi. Còn tôi ở trong phòng mình và nghĩ vẩn vơ về những ngày đã qua. Tôi thấy cha tôi mỉm cười, hẳn cha phải rất vui khi tôi đã trở về. Cha cứ cười và vẫy tay với tôi, rồi cha gọi tôi. Tôi lại thấy mình chạy lẽo đẽo theo cha. Khi đã mệt và cha đã đi quá xa, tôi dừng lại và ngồi xuống, cứ thế khóc. Cha tôi quay đầu lại, chạy về phía tôi, vì cứ nghĩ tôi gặp phải chuyện gì đó. Tôi ngẩng mặt lên quệt nước mắt và đòi “cha cõng con”. Cha cõng tôi đi mãi.

Khi tôi tỉnh dậy, hình ảnh cha cũng nhòa đi bất chợt. Tôi cảm thấy sợ hãi như chỉ còn lại một mình trong bóng đêm, giữa nơi mà tôi đã gắn bó suốt gần hai mươi năm. Tôi bước ra ngoài, hít hà chút sương đêm của mùa này. Sương rơi đậm và lạnh lẽo. Tiếng thở của Đông vẫn nhịp nhàng bên trong kia, rất gần tôi.

Tôi đã từng sợ hãi khi nghĩ sẽ phải rời xa nơi này, nhưng vào lúc này, tôi lại cảm thấy tâm trí nhẹ nhõm. Tôi nghĩ cha tôi vẫn ở đây, trông nom căn nhà này hằng ngày, và biết đâu, cha tôi cũng đang đợi tôi một ngày nào đó sẽ về lại ngồi dưới gốc cây trứng cá cùng ông.

Tôi ngồi sau xe Đông, chạy lòng vòng khắp những con đường nơi đây. Gió ngợp trời xanh. Nỗi niềm thơ bé sống dậy tự nhiên như đang phơi bày trước mắt. Những nơi là của ta thì cứ sống mãi ở đó, mặc nhiên ta đi đâu, bao lâu nó cũng vẫn cứ ở đó. Hoặc lúc đó tôi đã nghĩ, ký ức của tuổi thơ là ký ức khó chết nhất. Phải chăng lúc đang ngây thơ lại là lúc trí nhớ được hoạt động mãnh liệt nhất. Tôi đã ở đây rồi, cũng đã đi qua cả mấy mùa ở nơi khác. Nhưng quan trọng nhất là giờ này tôi đang ở đây. Tôi đã có thể hết sợ hãi những mất mát khi mất đi những người thân yêu ruột thịt, mà quay trở về nơi đây rồi.

- Giá lúc này có một cơn mưa nhỉ!

- Tớ ghét điều đó - tôi nói.

- Vì cha mẹ cậu sao? - Đông thản nhiên hỏi tôi.

Tôi gật đầu và im lặng.

Đông nói:

- Ngày xưa khi cha tớ mất, đó là một ngày mưa rất nhiều. Mẹ tớ nói, bởi cha được nhiều người thương yêu nên trời mới đổ mưa. Từ lúc đó, mỗi khi trời mưa, tớ đều cảm giác, cha tớ đang nhớ tớ, thương tớ và ở ngay bên cạnh tớ. Biết đâu khi trời mưa, cha cậu cũng đang về bên cậu.

Tôi lắc đầu. Tôi không có được niềm tin mộng mơ như Đông. Tôi nghĩ, người chết sẽ quên hết hiện tại nơi này. Chỉ có những người đang sống luôn tự huyễn hoặc và hoài tưởng về những người đã tạo nên ký ức cho họ. Sự đánh mất cuộc đời của một con người hóa ra lại là sự tạo dựng ký ức cho một người khác. Có lẽ vì thế mà, thế giới người sống ngập đầy sự hoài niệm xa vời.

Tất nhiên tôi không thể nói với Đông điều đó. Tôi nghĩ, có lẽ Đông cũng hiểu những điều tôi nghĩ, nhưng Đông tin vào những điều chỉ cần cậu ấy tin.

- Miên này!

Khi đang lim dim trong những suy nghĩ, Đông gọi tên tôi, khiến tôi thoảng giật mình.

- Ngày xưa tại sao cha mẹ cậu lại đặt tên này cho cậu? Có phải Miên là mái nhà không?

- Tên tớ hay đấy chứ!

- Ừ, lúc ở trong ngôi nhà của cậu, tớ đã nghĩ đến tên cậu, rất hay. Nếu bản thân cậu đã là “mái nhà” thì ở đâu cậu cũng sẽ không cảm thấy cô đơn nữa.

Khi nghe những điều Đông nói, lần đầu tiên tôi cảm thấy được sự ấm áp tỏa ra từ chính bản thân mình. Tôi nhớ đến cha và mẹ, đến nụ cười của mẹ, sự chung thủy của cha dành cho mẹ... Trong ngôi nhà của gia đình, dẫu tất cả đều đã trở thành ký ức, nó vẫn khiến tôi hạnh phúc. Có lẽ, lý do cha mẹ tôi đã đặt cho tôi cái tên ấy, cũng là để tôi có thể trở nên ấm áp, trở nên bình yên, giống như một ngôi nhà vậy.

Chia sẻ bài viết